Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Muối nội điêu đứng vì muối ngoại?

Tạp Chí Giáo Dục

Muối trong nước đang rớt giá thảm hại, hiện thương lái thu mua muối tại ruộng muối của diêm dân chỉ với giá 800-900 đồng/kg, khiến diêm dân điêu đứng.
Trong tình cảnh đó, Bộ Công Thương vừa mới cấp hạn ngạch nhập 170 nghìn tấn muối trong kế hoạch 260 nghìn tấn muối nhập khẩu năm 2010 này, sẽ càng đẩy muối nội vào cảnh ế ẩm.
Về đồng muối Văn Lý (Hải Hậu, Nam Định) những ngày này, chúng tôi chứng kiến nỗi cực nhọc của diêm dân. Đang vụ muối chiêm, thông thường mọi năm đầu xuân rét mướt nên làm muối chỉ cầm chừng, nhưng thời điểm này, bởi nắng nóng nhiều nên diêm dân đều tích cực sản xuất, những mong có tiền để sống vì năm trước đã thất thu khiến hầu hết diêm dân đều cạn tiền.
Giá muối đang rớt thảm hại khiến người làm muối gặp nhiều khó khăn.
Điêu đứng nghề làm muối
Nắng đã nhạt cuối chiều, cánh đồng muối tấp nập bà con trang cát, lọc nước. Những ô nề được phơi suốt từ sáng đến chiều cũng mới chỉ nổi lên vài lớp muối li ti. Giữa cái nắng trái mùa, bà Hoàng Thị Khái ở xóm Lê Lợi tỏ vẻ chán chường: "Nắng nóng tuy chưa gay gắt như mùa hè, nhưng cái kiểu thời tiết bất thường này khiến diêm dân rất khó chịu.
Thân thể bải hoải, đầu luôn ong ong vì bị say nắng". Cả nhà với 4 người làm việc cật lực, nhưng thu hoạch có được là bao, mỗi ngày chỉ được hơn 1 phương muối (phương là đơn vị khối lượng bằng 22,5 kg muối).
Giá muối thì rớt thảm hại, cuối năm 2009 còn được giá 1.200 đồng/kg thì nay thương lái chỉ thu mua với giá 850 đồng/kg. Thu nhập mỗi ngày chỉ được 20-25 nghìn đồng/4 lao động.
Bà Khái cho biết, năm 2009 vừa qua duy nhất tháng 6, nhà bà thu hoạch được 100 phương muối với hơn 1,7 triệu đồng. Còn tính bình quân cả năm, cả gia đình chỉ đạt thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Rồi bà nói như muốn khóc: "Làm muối cực quá mà không có tiền, nhiều khi chỉ muốn bỏ ngang".
Đó cũng là tình cảnh chung của hầu hết diêm dân dọc các xã Hải Lý và Hải Chính, hai địa phương làm muối chủ lực của huyện Hải Hậu. Theo ông Lê Ngọc Định, Phó chủ tịch UBND xã Hải Lý, toàn xã có trên 2.000 hộ làm muối, với tổng diện tích hơn 100 ha muối, trung bình mỗi khẩu có 1 sào muối. Trong năm vừa qua, thu nhập bình quân mỗi hộ chỉ đạt 1,2 triệu đồng/tháng.
Bà con ở đây bao đời nay bám đất mặn và coi nghề muối là nghề kiếm sống truyền thống. Về việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ông Định cho biết, đất mặn không làm muối thì chỉ nuôi trồng thuỷ sản như tôm, cá. Nhưng để đầu tư một đầm tôm, vốn ban đầu bỏ ra ít nhất 200 triệu đồng, chưa kể duy trì kỹ thuật, giống… Điều này vượt xa khả năng của bà con.
Cách đây gần 2 năm, chúng tôi về Văn Lý được chứng kiến niềm vui của người làm muối, khi ấy giá muối lên cao ngất ngưởng, trên 2.500 đồng/kg, thậm chí có lúc thương lái mua tại ruộng tới 3.000 đồng/kg. Giá muối lên mức kỷ lục vào năm 2008, cứ tưởng tương lai đã mở ra cho nghề muối, rồi diêm dân sẽ phát giàu. Có người đang nuôi tôm cũng hý hửng lấp đầm ao chuyển về lại nghề muối.
Ai ngờ niềm vui ngắn chẳng tày gang, từ năm 2009 đến nay, giá muối cứ liên tục rớt thảm hại. Ông Định than thở: "Mà nào có phải do được mùa xuống giá, mà đằng này muối mất mùa nhưng vẫn rớt giá mới đau chứ. Chưa bao giờ diêm dân lâm vào cảnh khó khăn như lúc này".
Tiếp diễn nghịch lý nhập khẩu muối
Năm 2009, khối lượng muối được Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu là 250.000 tấn. Tuy nhiên, theo tin từ Tổng công ty muối Việt Nam, năm vừa qua lượng muối nhập khẩu thực tế về nước gần 500.000 tấn.
Trước năm 2000, khi diện tích muối trong nước còn cao, diêm dân điêu đứng vì muối ế, bán không ai mua, các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, thì nay tình hình diễn biến ngược lại. Do cung không đủ cầu nên liên tục trong nhiều năm qua, bất chấp giá muối trong nước tăng hay giảm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối. Hạn ngạch nhập khẩu muối không ngừng tăng lên qua từng năm: năm 2007 nhập 138.000 tấn, năm 2008 tăng lên 230.000 tấn, năm 2009 là 250.000 tấn.
Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm ngoái, sản xuất muối không đạt kế hoạch sản lượng do thời tiết bất lợi, mưa nhiều tại các tỉnh phía Nam và miền Trung. Vì vậy, diện tích sản xuất muối cả nước đạt 14.476 ha, tăng gần 16% so với năm 2008 nhưng sản lượng ước tính đạt 800.000 tấn, giảm 5% so với năm 2008.
Năm 2010 nước ta cần khoảng 1,34 triệu tấn muối. Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch nhập khẩu muối năm nay dự kiến khoảng 260.000 tấn. Ông Bùi Sơn Long, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao công nghệ muối biển (Tổng công ty Muối Việt Nam) cho biết, theo quy luật thì cuối năm một lượng lớn muối được tiêu thụ. Tuy nhiên từ cuối 2009 dù giá muối trong nước giảm (giá muối thô rớt từ 1,6 triệu đồng/tấn xuống còn chưa tới 1 triệu đồng/tấn, nhưng tiêu thụ rất chậm.
Nguyên nhân chủ yếu do giá muối thế giới giảm, doanh nghiệp nhập khẩu về nhiều, khiến muối nội rất khó tiêu thụ. Muối nội đang kém sức cạnh tranh so với muối ngoại. Hạn chế lớn nhất của ngành sản xuất muối nước ta là phương pháp phơi nước. Diêm dân chỉ dàn ruộng muối bằng phẳng, dẫn nước biển vào, phơi nắng 3-5 ngày là có thể thu hoạch. Cách làm thủ công như vậy đã dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp.
Hiện giá muối thô thu mua tại đồng muối của diêm dân ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam chỉ còn dao động trong khoảng 800.000-900.000 đồng/tấn. Do sản xuất muối manh mún với quy mô hộ gia đình nên các doanh nghiệp tiêu thụ muối không thể mua trực tiếp từ diêm dân, mà phải qua các thương lái thu gom. Vì vậy đã đội giá thu mua lên cao, cộng chi phí đóng bao bì, vận chuyển về Hà Nội, giá thành lên 1,3 triệu đồng/tấn. Trong khi giá muối thô NK về đến cảng chỉ 1,2 triệu. Như vậy giá muối NK rẻ hơn muối nội 100.000đ/tấn, hơn nữa chất lượng muối ngoại lại tốt hơn. Với lợi thế ấy, chắc chắn muối ngoại nhập về sẽ đè bẹp muối nội.
Ông Bùi Sơn Long cho rằng, điều nghịch lý nữa là trong khi giá muối giảm mạnh thì người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua giá cao do hệ thống bán lẻ "ăn quá dầy". Cụ thể muối tinh thành phẩm các công ty xuất tại xưởng chỉ 2 triệu đồng/tấn, song doanh nghiệp mua về đóng gói bán ra đắt gấp đôi, người tiêu dùng phải mua 4.500 – 5.000đồng/kg muối; giá muối gia vị cũng khoảng 4.000đồng/gói 250g… Từ ruộng muối đến tay người tiêu dùng, giá muối tăng lên gấp từ 5 – 6 lần.
Bởi vậỵ, việc Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu nhiều muối về cũng không giúp cho người tiêu dùng được mua muối giá rẻ, nhưng lại càng đẩy diêm dân vào tình cảnh điêu đứng hơn.
Nguồn VnEconomy
 

Bình luận (0)