HS học bóng rổ tại trường
Theo các BS BV Nhi đồng TP, TP.HCM, BV đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ bị tai nạn, chấn thương trong quá trình hoạt động thể thao, thể lực. Gần đây nhất, BV tiếp nhận một trường hợp bị vỡ tá tràng, dập tụy do bị đánh vào vùng bụng khi đang tập võ; một trường hợp khác bị rách cơ hoành khi đang chơi đá banh; một số trẻ khác nhập viện trong tình trạng gãy tay, gãy chân, bong gân, trật khớp…
BS.CKII Nguyễn Trí Hào – Phó Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 1 – cho biết: “Đã từng có một số cầu thủ trên sân bóng đột ngột quỵ xuống khi đang chạy và ngưng tim, tử vong; cũng có những cầu thủ đang đứng nhưng vẫn bị ngưng tim ngưng thở; những trường hợp này thông thường nạn nhân có bệnh lý rối loạn nhịp tim tiềm ẩn từ trước nhưng không được phát hiện, phòng ngừa”.
BS Hào khuyến cáo, một số trường hợp trẻ có bệnh tim tiềm ẩn nhưng trước khi phát bệnh vẫn có sức khỏe bình thường. Do đó, khi cho con chơi các môn thể thao chuyên nghiệp, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi tầm soát để phát hiện và phòng ngừa sớm, tránh cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực gắng sức.
“Bệnh tim tiềm ẩn rất khó để tầm soát hết trong cộng đồng, do đó cần tập trung vào những trường hợp trong gia đình có tiền căn đột tử; trẻ có bệnh tim bẩm sinh làm hẹp đường thoát của những mạch máu lớn có khả năng đột tử trong vận động hoặc ngay cả khi không vận động. Đối với những trường hợp trẻ đã có bệnh tim bẩm sinh biểu hiện bệnh sẽ liên quan đến các biến chứng tim mạch trong hoạt động gắng sức như trẻ mau mệt, thở nhanh hơn bình thường, vã mồ hôi, chậm phát triển thể chất. Những trẻ mắc bệnh lý tim mạch cần hạn chế các hoạt động thể lực gắng sức. Ngoài ra, để chủ động bảo vệ con, phụ huynh nên lựa chọn những bộ môn thể chất phù hợp với lứa tuổi của con; đồng thời quan sát con trong quá trình hoạt động để phát hiện sớm những biểu hiện khác thường, tránh trường hợp xấu xảy ra…”, BS Hào nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đăng Khoa
Bình luận (0)