Để chọn đúng ngành nghề, chúng ta phải thật sự hiểu bản thân. Vậy làm sao để hiểu bản thân? Đó là băn khoăn của nhiều học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) mới đây.
Ông Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) tư vấn cho học sinh Trường THPT Tân Bình
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường Đại học Công nghệ TP.HCM.
Dựa vào năng lực
Theo ông Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT), Việt Nam có khoảng 1.200 nghề với 23 nhóm lĩnh vực, gồm: Kinh tế, tài chính, kỹ thuật, điện tử, xã hội, nhân văn, tâm lý, nông lâm… Ngành đào tạo được xếp thành các bậc: Sơ cấp, trung cấp (898 ngành), cao đẳng (670 ngành), đại học (463 ngành). “Dù ngành học đa dạng nhưng ở mỗi bậc, mỗi trường, mỗi ngành có chương trình đào tạo khác nhau. Tùy vào nhu cầu, các em học sinh có thể lựa chọn một ngành phù hợp với năng lực và đam mê”, ông Kỳ cho biết.
Học sinh Trường THPT Tân Bình nhờ ban tư vấn tháo gỡ khó khăn trong việc chọn ngành nghề
Làm thế nào để chọn ngành nghề phù hợp? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho rằng trước tiên các em học sinh phải hiểu bản thân. Muốn hiểu bản thân, các em có thể dựa vào 2 nhóm sau. Nhóm 1 là những người có thiên hướng về nghiên cứu, thích tò mò, khám phá, làm việc độc lập. Những học sinh thấy mình nằm trong nhóm này có thể chọn học những ngành như cơ khí chế tạo máy, công nghệ sinh học, an ninh… Nhóm 2 dành cho những người hướng ngoại, thích tương tác, yêu nghệ thuật. Theo đó, học sinh thuộc nhóm này có thể chọn những ngành học như quản trị kinh doanh, giáo viên, luật, chuyên gia tâm lý, quan hệ công chúng… Trao đổi thêm, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho rằng các em học sinh có thể dựa vào năng lực của bản thân để lựa chọn ngành nghề. Theo đó, các em giỏi môn nào, thuộc tổ hợp nào thì dựa vào đó lựa chọn ngành nghề: Nếu giỏi môn văn, sử, địa chọn khối C; giỏi toán, lý, hóa chọn khối A… Ngoài ra, việc lựa chọn ngành nghề còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác như: Sức khỏe, ngoại hình, tài chính gia đình… Ví dụ, các em muốn sau này trở thành vận động viên bóng rổ thì phải có chiều cao; muốn làm hướng dẫn viên du lịch thì phải có sức khỏe, ngoại hình… “Có nhiều con đường để thành công, quan trọng là chúng ta có quyết tâm để theo đuổi nó không. Và sự thành công không phụ thuộc vào ngành nghề, bậc học mà phụ thuộc vào năng lực. Có năng lực chúng ta sẽ làm được tất cả”, bà Thảo khẳng định.
Chọn ngành học có khả năng làm nhiều việc
Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Thanh Đa, nhiều học sinh trong trường thể hiện sự quan tâm đến nghề giáo viên. Trao đổi với học sinh, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP.HCM) khẳng định, đây là nghề cao quý. Để trở thành giáo viên, các em phải có lòng yêu nghề, “sống chết với nghề” và có tâm dạy học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải có tinh thần nhẫn nại, biết kiềm chế bản thân, luôn lắng nghe, chia sẻ với học sinh. “Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến nghề giáo viên khiến nhiều học sinh có ý định lựa chọn nghề này hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nên các em không cần phải quan tâm nhiều”, bà Mai khuyên.
Học sinh Trường THPT Thanh Đa đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Theo bà Mai, những năm gần đây ngành sư phạm có điểm đầu vào cao, các môn tốt nghiệp từ 8 điểm trở lên mới có cơ hội đậu đại học. Nếu đậu, sinh viên sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền sinh hoạt phí trong suốt những năm học với điều kiện khi ra trường các em phải đi dạy học. Nếu sinh viên nhận sinh hoạt phí nhưng ra trường không làm giáo viên sẽ phải hoàn trả lại chi phí đã được cấp trước đó. “Dù vậy, các em không nên quá lo lắng. Nếu yêu nghề giáo hãy mạnh dạn lựa chọn. Nếu các em không đi được đường thẳng thì có thể đi đường vòng bằng hình thức chọn một ngành học nào đó, sau khi tốt nghiệp học thêm nghiệp vụ sư phạm rồi đi dạy để thỏa mãn đam mê”, bà Mai gợi ý.
Giải đáp cho học sinh về ngành thiết kế đồ họa, ThS. Trần Hữu Xuân Thu (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, ngành này có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Theo ThS. Thu, ngành thiết kế đồ họa đào tạo những vấn đề liên quan đến đồ họa, mỹ thuật, ứng dụng công nghệ để thiết kế sản phẩm phục vụ cho hoạt động truyền thông, quảng cáo. “Người học ngành thiết kế đồ họa phải có tố chất cần cù, chịu áp lực cao, có khả năng sáng tạo, tính tỉ mỉ… Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc cho các công ty truyền thông, quảng cáo, cơ quan báo/đài hoặc khởi nghiệp…”, ThS. Thu cho biết.
Tương tự, trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Tân Bình, nhiều học sinh quan tâm đến ngành quan hệ công chúng. ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, đây là một trong 17 ngành đào tạo tại trường được doanh nghiệp hỗ trợ 30% học phí trong suốt khóa học. Ngành quan hệ công chúng được hiểu là việc thực hiện các công việc, chiến lược cụ thể để thiết lập cầu nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng, khách hàng, nhà đầu tư, giới truyền thông… nhằm định hình tên tuổi, thương hiệu sản phẩm hoặc đơn vị trong toàn bộ hoạt động và tiến trình phát triển. “Chọn học ngành quan hệ công chúng tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM, người học sẽ được đào tạo theo phương pháp hiện đại gắn với thực tiễn, học tập trong môi trường chuẩn quốc tế, chú trọng tiếng Anh giao tiếp và chuyên môn. Khi ra trường, người học có thể làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các sở/ban/ngành liên quan; phóng viên, cộng tác viên tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh – truyền hình. Ngoài ra, người học còn có thể tổ chức sản xuất chương trình truyền thông, dẫn chương trình; biên tập nội dung, quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội…”, ThS. Thạch nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)