Thách thức lớn của doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia lao động cũng như giáo dục khẳng định, nếu không có giải pháp phù hợp trong đào tạo và phát triển đội ngũ này, Việt Nam sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu nhân lực chất lượng cao.
Tiết thực hành nghề kỹ thuật ô tô tại một trường nghề
Đào tạo cái doanh nghiệp cần
ThS. Trần Minh Đạt (Khoa Quản lý nguồn nhân lực Trường ĐH Lao động – Xã hội, cơ sở 2) đánh giá, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn doanh nghiệp rất khó khăn trong tuyển dụng vì ứng viên không có kỹ năng phù hợp, cụ thể là các kỹ năng ngoại ngữ, CNTT, tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, văn hóa doanh nghiệp… Tuy nhiên, hạn chế này có thể khắc phục từ phía doanh nghiệp nếu có chiến lược tuyển dụng, đào tạo nhân sự phù hợp. Việc làm này dựa trên mục tiêu của doanh nghiệp là đào tạo, phát triển nhân lực để giúp người lao động hoàn thành tốt nhất công việc được giao và nâng cao trình độ tay nghề. “Doanh nghiệp phải rà soát, xây dựng cơ chế đãi ngộ, đào tạo phù hợp để đi tắt đón đầu”, ông Đạt gợi ý.
Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ThS. Trần Thị Lụa (Học viện Thanh thiếu niên miền Nam – Phân viện miền Nam) cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây chính là hướng tiếp cận chủ động đón đầu, tận dụng cơ hội có thể mang lại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam. Theo bà Lụa, thiết kế lại chương trình đào tạo, bổ sung ngành nghề mới và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường TC-CĐ nghề và ĐH cũng là nội dung cần làm ngay. Bởi chương trình đào tạo hiện nay còn nặng về lý thuyết, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu xã hội và xu thế thị trường lao động trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) nhấn mạnh đến việc thực hiện cơ chế tự chủ trong trường nghề, từ đó thay đổi mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo cũng như phương thức đánh giá đầu ra của người học. Ở đầu ra chương trình đào tạo chất lượng cao, chuẩn được xây dựng phải tương đương chuẩn của các chương trình chuyển giao từ Úc, Đức… và phải được công nhận qua đơn vị độc lập. Ở góc độ khác, TS. Lê Đình Kha (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) đánh giá cao vai trò kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, đánh giá đầu ra và tuyển dụng người học. Dạy thực chất, đánh giá thực chất… sẽ cho ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước. Cùng quan điểm với ông Kha, ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức) cũng cho rằng nhà trường cần kết hợp với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để đào tạo cái doanh nghiệp cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có.
Có chính sách, cơ chế đãi ngộ hợp lý
TS. Phạm Ngọc Đỉnh (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) cho rằng, nâng cao chất lượng việc làm hiện nay là một trong những giải pháp mà phía doanh nghiệp phải nhắm đến. Theo đó, doanh nghiệp đẩy mạnh các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Mở rộng, đa dạng hóa loại hình đào tạo ở các cấp, các ngành nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động… để họ tự tạo công việc, cần thiết hỗ trợ học phí cho người theo học các ngành nghề có nhu cầu lớn. Trong khi đó, ThS. Hoàng Thị Biên (Khoa Luật Trường ĐH Lao động – Xã hội, cơ sở 2) đề xuất Nhà nước có chính sách ưu tiên cho những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho các cơ sở đào tạo nhân lực chuyên sâu, cho giảng viên, tài năng trẻ để khuyến khích họ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ở nước ngoài.
Một giải pháp mang tính bền vững và lâu dài được ThS. Nguyễn Thị Lụa đề xuất là Chính phủ cần khuyến khích học tập suốt đời thông qua tài trợ kinh phí đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người lao động để họ thích ứng kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về kỹ năng tối thiểu cần có của các loại nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động, trên cơ sở đó khuyến khích và tạo điều kiện để các hội nghề nghiệp tự xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp áp dụng cho các thành viên. |
Ngoài ra, nội dung đào tạo cần gắn với thực tiễn các nhóm ngành nghề nhất định, bởi theo bà Biên, hoạch định chính xác nhu cầu nghề nghiệp của xã hội cũng như yêu cầu, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ sở xây dựng chương trình đào tạo. Thêm nữa là xây dựng chuẩn đầu ra, đặc biệt là chuẩn công nghệ mới và cần thiết, cùng với đó là các kỹ năng như thích nghi, tự nghiên cứu, tư duy sáng tạo… “Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên ngành nghề gắn liền với công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông, kỹ thuật số… Thực hiện được việc này sẽ giải quyết được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp cũng như người học sẽ có cơ hội thực hành công việc và nắm được kỹ năng nghề nghiệp”, bà Biên nhìn nhận.
T.Anh
Bình luận (0)