Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Muốn có trò giỏi thì thầy phải hay

Tạp Chí Giáo Dục

Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi, đó là chân lý không thể chối cãi được. Thiên chức của người thầy không phải là người sáng tạo ra chân lý mà là người giúp học trò của mình tái tạo lại chân lý mà các nhà khoa học đã khám phá. Tri thức là của nhân loại, được đúc kết và lưu giữ vào sách giáo khoa, vào tài liệu. Người thầy chính là cầu nối giữa tri thức nhân loại với người học. Cầu nối đó gần hay xa, dễ hay khó là tùy thuộc vào năng lực và phẩm chất của người thầy. Vì vậy, đức độ, tài năng là những giá trị nhân cách của người thầy luôn phải được rèn giũa, nâng cao để đáp ứng được với trình độ phát triển của người học cũng như theo kịp với yêu cầu xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ của người thầy là phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò. Với xu thế dạy học hiện đại, người dạy không phải là người mang chân lý đến cho trò mà là người giúp trò tái tạo chân lý, đó cũng là dạy cho các trò cách tư duy, cách giải quyết một vấn đề khoa học. Kiến thức luôn cập nhật, lượng thông tin bùng nổ ngày càng nhiều trong khi đó thời gian lên lớp của thầy chỉ có giới hạn. Vì thế, dạy cho trò cách tìm kiếm tri thức là một yêu cầu tất yếu cũng như muốn mình không bị tụt hậu, yếu kém.
Người thầy ngày nay được ví như trọng tài, quân sư, là người tổ chức, điều khiển trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, người thầy không thể trung thành với những phương tiện truyền thống mà phải kế thừa, vận dụng, sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ, phương tiện dạy học để có thể truyền tải nội dung một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Song, dù phương tiện dạy học có hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được nhân cách của người thầy. Đó chính là sự nhiệt tình, trách nhiệm, mẫu mực sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Một ngôn ngữ hay, một hành động kiểu mẫu cũng đều phản chiếu trực tiếp đến học trò. Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu, không có tình yêu thương học trò thì không thể có những bài giảng thuyết phục.
Tuy nhiên, muốn trở thành những nhà giáo giỏi để tạo nên những học trò ưu tú thì nhất định họ phải gạt bỏ những tư lợi cá nhân, lối sống thực dụng chủ nghĩa, bệnh thành tích…; đấu tranh với các thói hư tật xấu mà lâu nay vẫn còn tồn tại trong ngành giáo dục.
Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)

Bình luận (0)