Giáo viên giúp học sinh tập viết chữ. Ảnh: N.Trinh
|
Ở đây tôi không có ý “méo mó” tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta mà chỉ muốn phản ánh một thực tế về mối quan hệ giữa cha mẹ và thầy cô của con cái mình.
Trên thực tế, tinh thần này đã có những thay đổi không ít và sẽ còn tiếp tục thay đổi, nhưng không vì thế mà quan hệ giữa phụ huynh và học sinh với giáo viên trở thành một mối quan hệ không quan trọng trong xã hội, không cần chú trọng xây đắp. Dĩ nhiên, sự vun bồi cho mối quan hệ và tinh thần này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và có sự hợp tác từ nhiều phía, nhất là những người trong cuộc.
1. Tôi nhớ hồi con gái học lớp lá, giáo viên có đề nghị đóng tiền để chụp ảnh tập thể lớp. Vì muốn con có ảnh kỷ niệm với lớp, với cô giáo nên tôi đăng ký rất sớm; thế nhưng đến lúc các em nhận ảnh thì con gái tôi lại không được nhận. Tôi hỏi thì cô giáo trả lời rất gọn: “Vì anh chưa đăng ký”. Tôi bảo là đã đóng tiền rồi, thì cô chìa danh sách có đánh dấu từng người nhưng không có tên của con tôi. Tôi hơi buồn nên không muốn đôi co với cô giáo bởi cũng không làm sao chứng minh được mình đúng. Thời may, mấy ngày sau, cô giáo xin lỗi tôi bởi cô đã đánh dấu nhầm vào một em khác cùng tên với con tôi mà mẹ em này thừa nhận là chưa đóng tiền. Vậy là ổn cả, con tôi có ảnh chụp chung với lớp, tôi thì được giải tỏa một mối bận tâm, chắc cô cũng được một kinh nghiệm nho nhỏ… Đó là một thí dụ rất nhỏ về mối quan hệ giữa cha mẹ và thầy cô giáo mà phần nhiều sự nhún nhường thuộc về phụ huynh.
2. Tôi nghĩ rằng trong nhiều trường hợp thái độ xử sự của giáo viên và phụ huynh chưa thực sự hợp lý và đúng mực. Chẳng hạn, có giáo viên cho rằng mình có quyền “sinh sát” trong việc học, việc đánh giá trẻ nên có biểu hiện kẻ cả, trịch thượng với phụ huynh, đòi hỏi phụ huynh phải hợp tác này kia; thậm chí để phụ huynh phải “biết điều”. Cũng có giáo viên không khéo léo, tế nhị nên không tạo ra sự hợp tác một cách thoải mái của phụ huynh với giáo viên và nhà trường, khiến họ phải luôn “giữ kẽ”. Và cũng có giáo viên ngại nói đến khuyết điểm, hạn chế của bản thân và nhà trường nên không tạo được điều kiện để phụ huynh góp ý, hiến kế, đôi khi lại che giấu, cho qua hoặc “lấp liếm” các thiếu sót, gây giảm lòng tin cho phụ huynh.
Quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh là đại diện cho quan hệ giữa nhà trường và gia đình, nhằm mục đích hỗ trợ cho việc dạy dỗ trẻ đạt kết quả tốt, chứ không đơn thuần là một quan hệ xã hội bình thường.
|
Về phía phụ huynh, có nhiều người “khoán trắng” việc học của con cái cho nhà trường nên thiếu hợp tác, đôi lúc tưởng như tặng quà cáp là đã thể hiện sự quan tâm của mình đến giáo viên. Có người tỏ ra quá rụt rè, khép nép trước giáo viên nên không mạnh dạn hỏi thăm tình hình học tập của con, hễ giáo viên nói gì thì nghe nấy mà không phân tích điều đó có hợp lý hay không, hoặc nghe con nói lại yêu cầu của giáo viên mà không kiểm chứng. Cũng có người ỷ lại địa vị, quen biết mà thiếu tôn trọng giáo viên, vô hình trung tạo sự coi thường, vô lễ của con cái với thầy cô mình… Những biểu hiện đó có thể tạo ra quan hệ không tốt giữa phụ huynh với giáo viên, làm cho việc phối hợp giáo dục trẻ không đạt kết quả như mong muốn, đồng thời có thể gây ra những “vết thương” về tình cảm, nhận thức của trẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường (ban giám hiệu) cũng cần tạo những điều kiện thuận lợi để mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên được chặt chẽ và tốt đẹp. Chẳng hạn, trong việc xây dựng ban đại diện cha mẹ học sinh, không đơn giản chỉ là nơi vận động sự ủng hộ vật chất cho nhà trường mà phải xem đó là một tổ chức đại diện cho các phụ huynh để đề đạt, phản ánh các vấn đề liên quan đến việc dạy và học trong trường cũng như các biện pháp giúp đỡ học sinh. Nhà trường thông qua ban này cũng phải nhắc nhở, góp ý với các phụ huynh thiếu sự hợp tác hay có lời nói, hành vi không tích cực với giáo viên… Hay khi có sự vi phạm hoặc biểu hiện chưa đúng mực nào đó của giáo viên, nhà trường phải xử lý nghiêm túc, xin lỗi phụ huynh và học sinh, công khai việc đó để giáo dục các giáo viên khác…
3. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” phải xuất phát từ sự tôn trọng thực lòng của các bậc phụ huynh. “Yêu” không phải là quỵ lụy, xun xoe, cũng không phải bằng quà cáp một cách quá lố, càng không phải tỏ ra mình là người trên rồi ban ơn. Đổi lại, để phụ huynh có thể thực sự tôn trọng, giáo viên cần thể hiện đúng mực về nghề nghiệp, tư cách, thái độ. Trên hết, quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh là đại diện cho quan hệ giữa nhà trường và gia đình, nhằm mục đích hỗ trợ cho việc dạy dỗ trẻ đạt kết quả tốt, chứ không đơn thuần là một quan hệ xã hội bình thường.
Nguyễn Minh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)
Phụ huynh sợ làm mất lòng thầy cô
Một người bạn của tôi thường xuyên tặng quà cho cô giáo bởi chị hay đón con trễ, trong khi lớp đã về gần hết. Dù trên thực tế đến lúc chị đi đón con thì vẫn chưa hết giờ học nhưng vì mọi người đã đón hết trẻ nên cô giáo luôn nhắc phải đón sớm để cô còn… về! Một người bạn khác nghe con kể dạo này dường như bị cô “ghét” nên cô ít hỏi bài, ít nhờ làm việc này việc nọ, bởi có lần con nghịch ngợm làm cô giận. Thế là anh ấy phải dắt con đến nhà nói là thăm cô, tặng quà, nhưng kỳ thực là “xoa dịu” cơn giận của cô… Có người đã “đúc kết”, có thể họ không sợ sếp, chẳng ngán người dưng nhưng luôn e dè, sợ làm mất lòng thầy cô của con, bởi đôi khi điều đó có thể gây hậu quả không hay cho trẻ.
|
Bình luận (0)