Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Muốn con trung thực, đừng gây… áp lực

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ có học tập thực chất thì sinh viên (SV) mới đủ khả năng theo đuổi và thăng tiến trong nghề nghiệp của mình sau này. Những hành vi thiếu trung thực như “xin điểm”, sao chép, quay cóp… trong học tập, thi cử sẽ làm “vẩn đục” tâm hồn và cản trở lối đi đến thành công của chính SV.
HS-SV sẽ trung thực nếu gia đình, nhất là các bậc cha mẹ không gây những áp lực… đối với các em.
Tại tọa đàm “Tham nhũng trong giáo dục và xã hội” do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức mới đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH tư thục Trí Việt) dẫn chứng thực tế câu chuyện từng từ chối một SV ngành sư phạm đến tận nhà “xin điểm”. Theo bà Ninh, “giúp đỡ” cho chỉ một em SV nhưng đồng nghĩa sẽ “gây hại” đến cả ngàn học sinh tương lai khác. Bởi một SV đi “xin điểm” thì không đủ năng lực “thật” để giảng dạy.
Ở khía cạnh đạo đức, việc xin điểm, thậm chí “mua điểm” hay quay cóp, “hồn nhiên” sao chép tài liệu của người khác là những hành vi thiếu trung thực ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nhân cách SV. Theo bà Ninh, những vấn đề này sẽ trở thành lối sống nguy hại nếu chúng ta cứ bình thường hóa chúng. Vì vậy, bà Ninh cho rằng, mỗi SV cần nghiêm khắc kỷ luật, tránh dễ dãi với bản thân.
Nhiều ý kiến khác thừa nhận tính trung thực trong xã hội hiện đang bị xói mòn. Trong giáo dục, điều này đã phần nào gây mất niềm tin đối với cả học sinh. TS. Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) đơn cử chính trường hợp con trai mình. Theo bà Phượng, việc chứng kiến những cảnh quay cóp trong thi cử ở lớp khiến con trai bà cảm thấy ức chế, mệt mỏi và mong muốn du học nước ngoài để tìm kiếm một môi trường giáo dục thực chất hơn.
Bà Phượng đặt vấn đề tái tạo niềm tin đối với giới trẻ ở việc thực hiện trung thực, liêm chính trong học tập. Và quan trọng, sự trung thực, liêm chính sẽ bắt đầu từ chính SV chứ không phải lực lượng xa xôi nào khác.
Thực tế, thời gian qua, vấn đề liêm chính, trung thực trong học tập cũng được “xới” lên một cách khá… yếu ớt tại các trường. Có lẽ vì vậy mà nó vẫn chưa tạo được sức tác động đáng kể đến SV, thậm chí còn bị các em lãng quên. Nhiều giảng viên còn than phiền chuyện SV “thu nhỏ” tài liệu dùng cho quay cóp mà không hề xấu hổ. Thậm chí có giảng viên còn so sánh ví von rằng SV ngày càng “thông minh” thì giám thị càng phải “nhanh tay lẹ mắt”. Không ít SV lười học nhưng giỏi… xoay nên kết quả thi vẫn cao gây bất công bằng đối với những em học tập nghiêm túc.
Chưa kể, phổ biến SV sử dụng tài liệu của tác giả khác thiếu dẫn nguồn trong bài thuyết trình, bài tiểu luận mà vẫn “bình yên vô sự” khiến cho ý thức về trung thực ở học tập chưa được nâng cao. Rõ ràng, để SV trung thực và thấy được tầm quan trọng của vấn đề “học thật” thì định hướng và tác động của nhà trường càng không thể thiếu.
Ngoài ra, bà Tôn Nữ Thị Ninh còn nhấn mạnh, học sinh được dạy trung thực từ nhỏ tại gia đình sẽ trở thành SV trung thực khi vào ĐH. Để làm được điều này, cha mẹ cần phải biết chấp nhận thực lực của con. “Cha mẹ muốn con trung thực thì không nên gây ra những áp lực… vô duyên đối với con. Chẳng hạn, cứ muốn con được điểm 9, điểm 10 trong khi khả năng thật của con chỉ đạt được mức điểm 6” – bà Ninh nói.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)