Chưa có biện pháp quản lý, chế tài, xử phạt người đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi, mượn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người khác đi khám… Đây là một trong những nguyên nhân khiến quỹ BHYT bội chi hàng ngàn tỷ đồng.
Người dân ngồi chờ tới lượt đăng ký khám BHYT tại BV Q.3 vào chiều 1-3 |
Không phải chủ thẻ cũng khám được
Mặc dù trên thẻ BHYT có khung để dán ảnh nhưng hầu hết mọi người đều không dán, thậm chí dán nhưng không có dấu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) (đơn vị cấp thẻ) thì cũng như không. Vì vậy, khi bệnh nhân mượn thẻ người khác đi khám, nếu nhân viên nhập liệu thông tin của cơ sở y tế không yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân thì bệnh nhân có thể đường đường chính chính đến gặp bác sĩ khám và nhận thuốc.
Chiều 1-3, mượn thẻ của một đồng nghiệp lớn hơn cả chục tuổi, tôi đến Bệnh viện (BV) Q.3 khám bệnh. Sau khi lấy số thứ tự ở bàn nhân viên hướng dẫn, đến quầy đăng ký khám bệnh xuất trình sổ khám bệnh và thẻ BHYT, nhân viên BV lập tức đưa số thứ tự cho tôi đến phòng khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm mũi, viêm mũi họng, viêm họng mãn và làm giấy chuyển lên tuyến trên – BV Tai mũi họng để khám chữa bệnh.
Trước đó, sáng 28-1, cầm theo thẻ BHYT của một người khác, tôi đến BV Nhân dân Gia Định (BV đa khoa loại 1) để đăng ký khám bệnh. Tại đây, sau khi đến lượt, tôi trình thẻ BHYT rồi đăng ký phòng khám với nhân viên của BV và được cấp số để đi khám. Sau khám, bác sĩ chẩn bệnh viêm phế quản/viêm mũi họng và kê khoảng 5 loại thuốc/10 ngày.
Tuy nhiên không phải cơ sở y tế nào cũng dễ dãi như vậy. Cũng trong ngày 28-2, với thẻ BHYT của người khác, tôi tự tin đến BV Triều An (Q.Bình Tân) để khám bệnh. Song, ngay ở bàn hướng dẫn, nhân viên đã yêu cầu xuất trình thẻ BHYT kèm chứng minh nhân dân và “soi” khá kỹ, rất khó để lọt qua “vòng đầu”. Tương tự, tại BV Nguyễn Tri Phương, nhân viên hướng dẫn cũng yêu cầu có đầy đủ thủ tục này, khi bệnh nhân nhờ “châm chước” vì quên mang theo chứng minh nhân dân, họ yêu cầu xuất trình giấy tờ khác có dán ảnh như bằng lái xe, hộ chiếu… Khi tôi nói, không có bất kỳ giấy tờ nào có dán ảnh thì họ yêu cầu về nhà lấy hoặc đăng ký khám bệnh không có BHYT.
Hiện nay, thẻ BHYT đã có mã vạch 2 chiều tạo ra nhiều tiện ích như quản lý dữ liệu phát hành thẻ chính xác, giúp phát hiện thẻ giả, tẩy sửa thông tin, thẻ trùng, giúp cơ sở khám chữa bệnh quản lý được bệnh nhân tham gia BHYT… Tuy nhiên, chỉ cần khâu quản lý của BV buông lỏng thì người bệnh có thể dễ dàng trục lợi từ quỹ BHYT.
Bội chi hơn 5 ngàn tỷ đồng
Không chỉ mượn thẻ người khác đi khám bệnh, một người đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi trong một tháng đang trở thành vấn nạn được xã hội quan tâm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, kể từ khi thông tuyến khám chữa bệnh giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016 gần 76 triệu người tham gia BHYT, chiếm 81,7% (năm 2015 gần 70 triệu người, chiếm 76%). Việc tăng số lượng người tham gia BHYT là tín hiệu mừng nhưng vấn đề là trong năm 2016, quỹ BHYT bội chi đến 5.130 tỷ đồng trong khi nhiều năm trước quỹ BHYT đều kết dư.
Tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ở phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT gần đây, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thị Minh chỉ ra nhiều biểu hiện lạ về khám chữa bệnh bằng BHYT. Thống kê cho thấy, chỉ từ tháng 6 đến tháng 7-2016, có tới 1,2 triệu người đi khám bệnh 2 lần/tuần, 3 triệu người đi khám bệnh hàng tuần. BHXH cũng đưa ra con số giật mình, chỉ trong 8 tháng (từ tháng 7-2016 đến hết tháng 2-2017) có 12 người ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp… đi khám trên 100 lần/người (trung bình mỗi tháng đi khám khoảng 12,5 đến 13 lần). Trong đó, có một bệnh nhân ở TP.HCM đi khám tới 308 lần tại 23 cơ sở y tế, tổng số tiền BHYT chi cho bệnh nhân này lên tới trên 51 triệu đồng. Như vậy, tính ra mỗi tháng có 30 ngày thì bệnh nhân này đi khám mỗi ngày khoảng 1,3 lần.
Qua việc kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật, BHYT tại một số tỉnh, thành trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã phát hiện một số vấn đề của cơ sở khám chữa bệnh như: chỉ định các dịch vụ quá mức cần thiết, sai sót trong thống kê dịch vụ kỹ thuật, chưa kiểm soát được người bệnh đi khám chữa bệnh…
Về việc kiểm soát người bệnh, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng: “Bệnh nhân đến xuất trình đầy đủ giấy tờ, chứng minh nhân dân, BHYT thì chúng tôi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể điều tra giống như công an nên một số bệnh nhân vẫn… qua mặt được”.
Không chỉ BHXH chịu áp lực khi gánh khoản bội chi mà ngay cả các cơ sở y tế cũng không tránh khỏi khó khăn. Theo bà Tuyết, bệnh nhân đến, BV phải khám chữa bệnh cho họ. Tuy nhiên khi làm thủ tục xuất toán mà BHYT không xuất toán thì BV phải tự gánh chịu…
Minh Châu
Bình luận (0)