Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Muốn giáo dục trẻ, đâu phải cứ… trăm sự nhờ thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Tâm lý trăm sự nhờ thầy cô, đến nay vẫn còn là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi đưa con trẻ đến trường. Với cách suy nghĩ này, cộng thêm lý do bận rộn công việc, phụ huynh mặc nhiên đặt lên vai thầy cô tất cả trách nhiệm để đào tạo một đứa trẻ trưởng thành, từ truyền thụ kiến thức văn hóa, kỹ năng đến giáo dục nhân cách, hướng dẫn phát triển tâm sinh lý. Trong khi đó, một sự thật khách quan không thể chối bỏ: công tác giáo dục trẻ muốn có được kết quả toàn diện cao nhất phải là sự phối hợp chặt chẽ hài hòa của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Cho dù thầy cô có nỗ lực dạy dỗ, chăm sóc bao nhiêu đi chăng nữa nhưng nếu không có sự đồng hành, sự chung tay của gia đình thì đó chính là sự thiệt thòi của trẻ trong quá trình trưởng thành. Và trong nhiều trường hợp, kết quả giáo dục tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng, thầy cô gặp rất nhiều khó khăn.

Vì tâm lý phó mặc việc dạy dỗ con trẻ cho thầy cô, nhà trường, nhiều phụ huynh đã không kiềm chế được cảm xúc và phát ngôn lẫn hành vi ứng xử khi thấy con trẻ phạm lỗi, học hành chưa tốt, hạnh kiểm chưa ngoan, để rồi quay sang trách cứ thầy cô, cho rằng thầy cô chưa đủ sự quan tâm, chưa nghiêm túc hoàn thành chức trách nghề nghiệp. Việc phụ huynh đổ lỗi tất cả cho thầy cô trong việc giáo dục trẻ, giờ đây đã không còn là câu chuyện hiếm thấy trong xã hội. Gặp phải tình huống cười ra nước mắt này, thầy cô chỉ biết dằn lòng mà cố gắng giải thích cho phụ huynh, để cùng phụ huynh đi đến nhận thức chung. Nhưng việc giải thích không phải lúc nào cũng có được kết quả như mong đợi, nhất là đối với những phụ huynh có tính khí nóng nảy. Việc không có được sự hỗ trợ của phụ huynh, sau đó lại không có được tiếng nói chung với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ, đã gây ra những khó khăn vô cùng lớn đối với các thầy cô. Nhưng nghề nghiệp đã đa mang, cũng phải cố gắng để mọi việc trở nên tốt nhất có thể.

Còn một tình huống nữa khiến thầy cô phải ngao ngán, lắc đầu thở dài nhắc lại câu nói của ông bà xưa từng than thở: “Kẻ vo tròn người bóp bẹp”. Đó là ở trường ra sức dạy trẻ giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp bao nhiêu thì lúc ra đường phụ huynh thản nhiên dạy con xả rác nơi công cộng bấy nhiêu. Uống xong hộp sữa, ly nước mía, cả trẻ nhỏ lẫn người lớn thẳng tay quăng ly nhựa xuống mặt đường. Ở trường tuyên truyền dạy trẻ tuân thủ chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông bao nhiêu thì khi đi đón con về, phụ huynh ngang nhiên vượt đèn đỏ, chạy tràn vỉa hè, lạng lách đi sai làn bấy nhiêu. Bất đắc dĩ phải chứng kiến những hình ảnh đối lập trớ trêu ấy ngay trước cổng trường, ngay khi vừa tan lớp học, lúc nội dung bài giảng mới chỉ vừa cách đây ít phút, giáo viên dở khóc dở cười, ngậm ngùi cho nghề. Còn rất nhiều bài học đạo lý khác mà khi sinh hoạt ở nhà, trẻ thấy hoàn toàn khác biệt, đối lập với những gì được học ở trường. Có trẻ hồn nhiên hỏi lại vì sao lại như thế, thầy cô lúng túng không biết trả lời sao. Thầy cô hăng hái nỗ lực gieo ươm cho các em thật nhiều hạt giống thiện lành tích cực thì chính phụ huynh, chứ không phải ai khác, lại vô tình gạt đi tất cả, khi những hạt mầm còn chưa kịp bám rễ vào tâm trí của các em. Người vừa mới xây, người liền đập ngay, thì cách nào mà giáo dục cho đặng?

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)