Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Muốn học khối C cũng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng của nhiều năm trở lại đây, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C gồm các môn văn, sử, địa ngày càng thưa vắng. Không những vậy, kết quả thi, điểm sàn, điểm chuẩn các ngành liên quan đến khối C ngày càng thấp.
Học tủ, học vẹt, giáo viên dạy như đọc lại sách giáo khoa, không có nhiều sự lựa chọn ngành nghề, lương thấp, thất nghiệp… đang dần “giết chết” khối C, kéo theo là sự báo động xuống cấp của các ngành khoa học xã hội.
Mỗi kỳ tuyển sinh số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ khối C cứ giảm dần qua từng năm. So với các khối A, B, D… thì số TS đăng ký dự thi khối C chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn. Số lượng học sinh quay lưng với các môn học xã hội ngày càng tăng, nhiều trường phổ thông khi tuyển sinh đầu cấp đã không còn tuyển ban C, làm cho học sinh muốn học sử, địa cho “ra trò” cũng khó.
Thí sinh điền thông tin thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 vào Trường ĐH Luật TPHCM.     Ảnh: L.T
Thí sinh điền thông tin thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 vào Trường ĐH Luật TPHCM. Ảnh: L.T
Dần biến mất ở trường phổ thông
Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nhiều trường chuyên, phân ban đã không còn “mặn mà” với ban xã hội, các môn học sử, địa nằm trong khối C thi ĐH dần bị cho “ra rìa”. Nhiều trường có đủ 3 ban nhưng thay vì có ban xã hội như truyền thống, các trường mở ban cơ bản A, cơ bản D, ban khoa học tự nhiên và học theo chương trình chuẩn. Tại Hà Nội, Trường THPT Trần Phú, với điểm chuẩn là 52, tuyển 675 chỉ tiêu, chia làm 15 lớp nhưng không có lớp cơ bản C, hoặc ban khoa học xã hội (trong khi trường vẫn có lớp cơ bản A, D, ban khoa học tự nhiên). Tương tự, các trường THPT Việt-Đức, THPT Phan Đình Phùng cũng tuyển 3 ban với điểm chuẩn lần lượt là 52,5 và 53 điểm, nhưng cũng chỉ tuyển 3 ban cơ bản A, D và ban khoa học tự nhiên…
Nếu việc phân các môn thi ĐH theo khối như hiện nay là toán, lý, hoá thuộc khối A, toán, hoá, sinh khối B, khối D gồm toán, văn, Anh văn và khối C gồm các môn văn, sử, địa… và tầm quan trọng của các môn đều như nhau. Tuy nhiên, việc dạy các môn này ở các trường THPT lại không được chú trọng. Thực tế, tại nhiều trường chuyên, phân ban hầu như trường nào cũng có lớp chuyên lý, chuyên hoá, chuyên Anh… nhưng lại hiếm có trường có lớp chuyên địa, chuyên sử. Tại TPHCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong những trường hiếm hoi có lớp chuyên địa, chuyên sử với điểm đầu vào cũng khá khiêm tốn so với các lớp khác.
Nhiều trường giải thích cho việc không tuyển các lớp ban xã hội hoặc ban cơ bản C vì phụ thuộc vào nhu cầu của HS, phụ huynh. Hiện nay, đa số HS hướng đến các môn khoa học thuộc khoa học tự  nhiên như toán, lý để tiện thi ĐH. Số lượng hồ sơ đăng ký vào ban xã hội khá khiêm tốn nên không thể có lớp chuyên mà phải chuyển sang ban cơ bản hoặc các lớp chuyên khác nếu nhắm có khả năng.
Hoảng với điểm thi ĐH-CĐ khối C
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 có 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi gồm các khối A, B, C, D và một số khối năng khiếu. Trong đó, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C là 125.264, chiếm 6,4% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Điều đáng nói, số hồ sơ đăng ký thi vào ĐH qua khối C ngày càng giảm dần qua các năm, theo thống kê của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì số TS thi khối C vào trường giảm khoảng  10% qua các năm. Không những số lượng giảm mà qua kết quả các kỳ tuyển sinh, điểm thi ĐH-CĐ của các TS ngày càng giảm, kéo theo là điểm sàn, điểm chuẩn khối C cũng thấp dần qua các năm, điểm sàn gần như là thấp nhất so với các khối khác.
Tân cử nhân trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) trong ngày tốt nghiệp.	Ảnh: L.T
Tân cử nhân trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: L.T
Thủ khoa 17 điểm, chỉ hơn 10% TS đạt điểm 5 trở lên, trong số hàng ngàn bài thi số điểm 8, 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay… là những gì người ta nhắc tới khi nói đến điểm thi khối C, đặc biệt là môn sử. Khối C của Trường ĐH Tiền Giang với thủ khoa đạt 17 điểm, chỉ có 17 TS đạt 13 điểm trở lên, môn sử điểm cao nhất là 5,25 và ở môn này chỉ có 4 TS đạt điểm 5, 147 TS bị điểm 0 hoặc 1. Trường ĐH Quảng Nam, môn sử chỉ có một TS đạt 7,25 điểm, 8 TS đạt 5- 6,5 điểm và 12 TS đạt mức 3-3,5 điểm. Phổ điểm chủ yếu của môn này là từ 1-2.
Số TS đạt 0 điểm môn sử là 176. Trường ĐH Đà Lạt, chỉ có 34 TS đạt điểm 5 môn sử trở lên, gần 400 TS đạt 2-4 điểm trong khi có tới  500 TS đạt 0 đến 1 điểm. Chỉ có 404/1.564 TS khối C đạt 13 điểm trở lên… Không những ĐH vùng, trường ĐH thuộc tỉnh, những trường ĐH lớn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), môn sử chưa đến 10 TS đạt 8, 9 điểm, số TS đạt điểm 5 trở lên chưa đến 10%. Trường ĐH Sư phạm TPHCM, điểm các môn khối C chủ yếu cũng ở mức 1 đến 3 điểm…
Tại những trường chuyên đào tạo các ngành khoa học xã hội, thi đầu vào chủ yếu là các môn khối C nhưng trong những năm gần đây số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đang giảm dần, hoặc cùng với khối C trường sẽ tuyển thêm các khối khác. Trường ĐH Quy Nhơn tuyển sinh ngành sư phạm địa khối A, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) ngoài hai khối chủ lực là A, D nhiều năm nay trường sau khi mở thêm một số ngành mới cũng bắt đầu tuyển sinh thêm các khối A, B để tuyển cho đủ sinh viên… Có phải, khối C đã thật sự mất vị trí? Và các ngành đào tạo khoa học xã hội sẽ đi về đâu?
Theo Lê Tuyết
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)