Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Muốn học ngành công nghệ hóa thực phẩm?

Tạp Chí Giáo Dục

Học viện Hành chính quốc gia đào tạo ngành gì? Không đậu ĐH Kiến trúc tại TP.HCM có được xét NV2 học ở Vĩnh Long? Muốn học ngành hóa phân tích?… là những thắc mắc tuyển sinh 2009 thí sinh gửi về TTO

* Em tôi đăng ký dự thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, trường hợp không đậu NV1 thì em gái tôi muốn xét tuyển vào ngành tài chính ngân hàng hoặc kế toán của Trường ĐH Thương mại và hệ CĐ của Học viện Ngân hàng được không? Như thế em tôi phải nộp hồ sơ và đăng ký nguyện vọng như thế nào? (Trần Anh Hằng, anhhang4383@…
– Thí sinh dự thi vào một trường, một khối, chỉ có một cơ hội xét tuyển NV2 với điều kiện có điểm thi từ điểm sàn trở lên, thỏa điểm xét tuyển của trường muốn xét, không có môn nào bị điểm 0, cùng khối thi, trong vùng tuyển.
Cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi được hướng dẫn đầy đủ ở mặt sau của tờ phiếu đăng ký số 2 trong bộ hồ sơ. Khi không trúng tuyển NV1 thí sinh mới được cấp giấy chứng nhận kết quả thi (phải có điểm thi từ điểm sàn trở lên mới được cấp) để xét tuyển NV2. Còn trong hồ sơ dự thi không có nơi để ghi xét tuyển NV2.
Như vậy, với những ngành (trường) muốn xét tuyển NV2 thì em bạn chỉ được chọn một ngành (trường) cho khối A mà thôi.
* Tôi muốn thi Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng vì không có điều kiện đến dự thi trực tiếp ở TP.HCM nên tôi muốn mượn Trường ĐH Cần Thơ để thi nhờ và chuyển kết quả đến Khoa Kinh tế được không? Nếu được thì đăng ký trong hồ sơ như thế nào? (khong_minh2009@…
– Trong hồ sơ đăng ký dự thi, tại mục 14 yêu cầu “Thí sinh dự thi tại Vinh thì ghi V, tại Cần Thơ thì ghi C, tại Quy Nhơn ghi Q vào ô (nếu không thì để trống)”. Do đó, nếu thuộc cụm thi Cần Thơ thì bạn ghi chữ C vào ô trống.
Cụm thi Cần Thơ dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại chín tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực TP.HCM. Cụm thi này do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì phối hợp với các trường ĐH liên quan tổ chức thi.
Còn nếu không thuộc diện thi tại cụm, bạn phải lên TP.HCM để dự thi. Bạn không thể mượn Trường ĐH Cần Thơ để thi rồi chuyển kết quả vào Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) được. Việc thi “nhờ” chỉ dành cho những trường không tổ chức thi, mượn một trường ĐH có tổ chức thi để chuyển kết quả theo NV1. Còn Khoa Kinh tế có tổ chức thi.
* Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM đào tạo những ngành gì? Em yêu thích chính trị và kinh tế thì học tại học viện có phù hợp không? (Nguyễn Vịnh Hùng, five_dollars123456@…)
– Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở tại Hà Nội và cơ sở tại TP.HCM) đào tạo ngành hành chính học. Học viện Hành chính quốc gia có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các chức danh công chức hành chính các cấp, cán bộ, công chức cơ sở, công chức dự bị, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Do đó, yêu thích chính trị bạn học tại học viện là phù hợp.
* Em đăng ký NV1 ở ĐH Kiến trúc TP.HCM, giả sử em không đạt điểm chuẩn NV1 ở TP.HCM mà điểm thi của em cao thì em có được xét NV2 học ngành kiến trúc công trình hệ ĐH đào tạo ở Trường CĐ Xây dựng Miền Tây không? (Trần Trung Kiên, kientrantrung309@…)
– Hằng năm Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đều dành chỉ tiêu xét tuyển NV2 đào tạo tại Vĩnh Long cho các tỉnh vùng ĐBSCL, văn phòng đại diện của trường đặt tại Trường CĐ Xây dựng Miền Tây ở Vĩnh Long.
Trường xét tuyển NV2 ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp (mã ngành 103) và ngành kiến trúc công trình (mã ngành 101) học tại thị xã Vĩnh Long cho các thí sinh dự thi khối A, V (theo đề chung của Bộ GD-ĐT).
Thông thường điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 khối A, V sẽ cao hơn điểm chuẩn học tại Vĩnh Long 1 điểm có hộ khẩu thường trú ở 13 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long và cao hơn 2 điểm trở lên những thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh thành khác (đối tượng này tùy từng năm trường sẽ tuyển).
Thí sinh có hộ khẩu thuộc 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký nguyện vọng học tại Vĩnh Long được xét trúng tuyển theo ngành đăng ký dự thi và học tại Vĩnh Long trong suốt khóa học.
* Tôi muốn thi ngành công nghệ hóa thực phẩm, bảo hộ lao động, hóa phân tích. Các ngành này sẽ học những gì, sau khi tốt nghiệp sẽ làm được những việc gì? Trường nào đào tạo các ngành này? Điểm tuyển hằng năm bao nhiêu? Có xét hệ CĐ không? Các ngành trên có phù hợp với con gái không? (kiss_angel_2712@…)
Ngành công nghệ hóa – thực phẩm trang bị những kiến thức liên quan đến việc vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực công nghệ hóa học, thực phẩm, dược phẩm…
Sinh viên nhóm ngành này sau học kỳ thứ nhất, căn cứ vào nguyện vọng, kết quả tuyển sinh và học tập ở học kỳ trước sẽ được phân ngành vào sáu chuyên ngành hẹp ở hai lĩnh vực công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm:
+ Kỹ sư công nghệ hóa học: bao gồm năm chuyên ngành hẹp: công nghệ hóa vô cơ, công nghệ hóa lý – phân tích, công nghệ hóa hữu cơ, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị công nghệ hóa học. Các ngành công nghiệp có liên quan sử dụng sản phẩm đào tạo là: hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu, giấy, dệt nhuộm, hương liệu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, xử lý chất thải…
+ Kỹ sư công nghệ thực phẩm: các lĩnh vực được quan tâm là chế biến và bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đổi mới công nghệ chế biến trà, cà phê. Gia tăng số lượng cơ sở đông lạnh và chế biến thủy hải sản. Hiện đại hóa và phát triển công nghệ chế biến thịt cá, sữa, đồ hộp, rau quả, nước giải khát, rượu bia…
Tùy chuyên ngành, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các quá trình hóa học, phát triển sản phẩm, thiết kế, mô phỏng, hiệu chỉnh các quy trình công nghệ và thiết bị, thiết kế…; các công ty sản xuất thực phẩm, các viện nghiên cứu về các vấn đề thực phẩm, trong các cơ quan kiểm tra giám sát chất lượng hàng hóa sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường hoặc tham gia vào các lĩnh vực thương mại như kinh doanh, quản lý, marketing, cố vấn, bán hàng…
Điểm chuẩn ngành công nghệ hóa – thực phẩm của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2008: 20; 2007: 23; năm 2006: 21; năm 2005: 26,5. Ở các trường ĐH khác, điểm chuẩn năm 2008 ngành công nghệ thực phẩm như sau: ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): 16, ĐH Cần Thơ: 13,5; ĐH Công nghiệp TP.HCM: 17; ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: 13; ĐH Nha Trang A: 13,5 – B: 16,5; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: 15,5…
Ngành bảo hộ lao động đào tạo kỹ sư có kiến thức chuyên sâu về môi trường lao động, môi trường doanh nghiệp, an toàn lao động, tâm sinh lý của người lao động, tổ chức khoa học lao động. Kỹ sư ngành này có kỹ năng điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá và quản lý môi trường lao động; đề xuất các giải pháp công nghệ và tổ chức để xử lý nóng, bụi, ồn, rung… trong quá trình sản xuất; loại trừ các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động, sự cố trong sản xuất và các yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp.
Kỹ sư bảo hộ lao động có thể làm việc ở ban bảo hộ lao động của các ngành sản xuất, các cơ sở sản xuất vừa và lớn, các khu công nghiệp, các ban công tác của tổ chức công đoàn, các Sở Lao động – thương binh và xã hội, Sở Công nghiệp; các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học – kỹ thuật; tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp.
Hiện có hai trường đào tạo là ĐH Tôn Đức Thắng, điểm chuẩn năm 2008: A: 14 – B: 15; năm 2007 và 2005: 15; năm 2006: A: 13 – B: 14. Và ĐH Công đoàn, điểm chuẩn năm 2008, 2007 và 2006: 15; năm 2005: 18.
Ngành hóa phân tích cung cấp kiến thức về các phương pháp phân tích hóa học và các phương pháp phân tích dụng cụ hiện đại, gồm: phân tích điện hóa, phân tích quang phổ, phương pháp sắc ký. Sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến hóa học như: viện nghiên cứu, nhà máy xí nghiệp hoặc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có đào tạo ngành này, điểm chuẩn năm 2008 là 16, năm 2007: 17; năm 2006: 18,5; năm 2005: 19.
Dựa vào mức điểm chuẩn của các trường này, bạn xem khả năng của mình đến đâu thì nên dự thi vào ngành nào vừa sức. Thực tế, sau khi tốt nghiệp, điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm nhất đó là năng lực và các kỹ năng của bạn chứ không căn cứ bạn học ở trường nào. Vì vậy bạn có thể an tâm chọn ngành và trường đào tạo mà bạn yêu thích và phù hợp với sức học của mình.
QUỐC DŨNG (TTO)

 

Bình luận (0)