Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Muốn học ngành Kinh tế đối ngoại?

Tạp Chí Giáo Dục

Không muốn dự thi theo cụm có được không? Nên chọn trường nào? Trường có tổ chức thi khối D6? Ngành Kinh tế quốc tế và Kinh tế đầu tư làm gì? Khối D ĐH Kinh tế – ĐHQG HN nhân hệ số môn ngoại ngữ? Có được ĐKDT trường ĐH Y Thái Bình?…

Hỏi: Em rất thích ngành kinh tế đối ngoại, nhưng em không biết nếu em thi khối A vào khoa kinh tế ĐH Quốc gia TPHCM thì có thể học kinh tế đối ngoại không? Nếu không thì cho em hỏi ngoài ĐH Ngoại thương ra thì có trường ĐH nào khác (ở TPHCM) có ngành này mà thi khối A không? Điểm chuẩn năm 2008 của các trường đó như thế nào? (daubujkom147@yahoo.com.vn)

* Trả lời:

Khoa Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo các chuyên ngành: Kinh tế học; Kinh tế đối ngoại; Kinh tế công cộng… Như vậy trường có đào tạo chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Đối với chuyên ngành này thì trường thi tuyển cả khối A và D1.

Theo Ban tư vấn được biết, ngoài khoa Kinh tế-ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Ngoại thương cơ sở 2 thì hiện tại chưa có thêm trường ĐH phía Nam nào đào tạo chuyên ngành này.

Em có nguyện vọng thi vào 1 trường ĐH học ở Hà Nội, muốn đăng ký dự tại trường ở HN chứ không phải dến thi ở vùng thi quy định là TP Vinh. Em có thế làm hồ sơ ở trường rồi mang ra địa điểm dự thi để nộp, hay cứ nộp cho trường và không đánh vào phần khu vực thi có trong giấy đăng ký. Như thế có đảm bảo em sẽ được thi ở HN không? (maidung_vnu2010@yahoo.com.vn)

Theo quy định tuyển sinh thì thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh (thành phố) được chỉ định dự thi tại cụm thi TP Vinh, Quy Nhơn hoặc Cần Thơ nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh (thành phố) khác, thí sinh tự do thì không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú. Các đối tượng còn lại thì bắt buộc phải thi theo cụm chỉ định.

Nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường ĐH để dự thi (không dự thi ở cụm). Cụ thể là: Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Nhạc, Họa, Sân khấu – Điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hóa quần chúng và các ngành năng khiếu của các trường sư phạm.

Như vậy nếu em dự thi vào các trường ngoài khối các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu thì bắt buộc phải thi theo cụm ở Vinh vì hiện tại em đang học lớp 12 nên bắt buộc phải thi theo cụm chỉ định và nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đang theo học.

ĐH Tôn Đức Thắng là trường bán công phải không? Mức học phí của trường đó 1 tháng là bao nhiêu? Giữa 2 trường ĐH Sài Gòn & ĐH Tôn Đức Thắng em nên thi trường nào hơn? Em biết ĐH Sài Gòn là đại học công lập nhưng trường đó học có tốt không? (hong_nhung636@yahoo.com)

Vào tháng 11/2008, trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng đã chính thức được chuyển thành trường ĐH Tôn Đức Thắng thuộc Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam. Trường hoạt động theo hình thức của khối trường công lập.

Như vậy, mức học phí hàng tháng của trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tuân thủ theo mức học phí mà Nhà nước quy định.

Theo Ban tư vấn thì về thành tích đào tạo trường ĐH Tôn Đức Thắng có truyền thống sâu hơn (trường thành lập từ năm 1997) trường ĐH Sài Gòn (được thành lập từ năm 2007)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo các ngành thuộc khối Kỹ thuật, Công nghệ, Khoa học ứng dụng, Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế, Quản trị, Ngoại ngữ, Mỹ thuật… Bằng tốt nghiệp Cử nhân hoặc Kỹ sư (tùy ngành đào tạo) nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia. Trường thực hiện phương châm đào tạo định hướng thực hành và ứng dụng. Trong khi đó trường ĐH Sài Gòn mới chỉ đào tạo ở một số ngành nghề. Riêng đối với ngành Sư phạm thì chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu ở TPHCM.

Như vậy, việc thi trường nào còn phụ thuộc vào sở thích ngành nghề và năng lực của em.

Cho em hỏi: Những trường ĐH nào tổ chức thi tuyển khối D6? (seaandyou87@yahoo.com.vn)

Do khối D6 mới được chính thức tuyển sinh trong năm 2008 nên số lượng các trường ĐH có tuyển sinh khối này khá hạn chế. Để thuận tiện cho em, Ban tư vấn sẽ liệt kê các trường từ Bắc vào Nam;.

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia HN (hầu hết các chuyên ngành đào tạo); ĐH Ngoại Ngữ thuộc ĐH Quốc gia HN (chuyên ngành Tiếng Nhật); ĐH Ngoại Thương (hầu hết các chuyên ngành); ĐH Sư phạm TPHCM (chuyên ngành Tiếng Nhật); ĐH Mở TPHCM (chuyên ngành Tiếng Nhật); ĐH Dân lập Hồng Bàng (nhiều chuyên ngành); ĐH Dân lập Hùng Vương (nhiều chuyên ngành); ĐH DL Phú Xuân; ĐH Văn Hiến.

Khoa Kinh tế quốc tế và Kinh tế đầu tư trường ĐH Kinh tế Quốc dân học về cái gì và sau này khi học xong sẽ làm công việc gì? (thanhhuong051191@gmail.com)

– Ngành Kinh tế đầu tư nhằm đào tạo cử nhân kinh tế có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực lập dự án và quản lý các dự án đầu tư. SV tốt nghiệp có kiến thức cơ bản về kinh tế và quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên môn mới và hiện đại về quản lý đầu tư ở tầm vĩ mô và quản lý dự án đầu tư ở tầm vi mô, biết áp dụng các mô hình quản lý hiện đại trong quản lý dự án.

Đồng thời, ngành này cũng trang bị kiến thức về tổ chức và quản lý hoạt động đấu thầu tư vấn đầu tư, quản lý rủi ro trong đầu tư. Một số môn học trong chương trình đào tạo như Kinh tế đầu tư, Lập dự án đầu tư, Luật đầu tư trong nước và nước ngoài, Bảo hiểm rủi ro đầu tư, Đấu thầu, Thị trường vốn, Đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có được các kỹ năng: Nắm vững thành thạo công tác lập dự án đầu tư, có khả năng tổ chức và quản lý tốt hoạt động đầu tư và quản lý dự án đầu tư, nắm vững và hoàn thành tốt công tác thẩm định các dự án đầu tư, những kỹ năng tổ chức thực hiện đấu thầu tư vấn. Có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư như các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng và các bộ có liên quan đến hoạt động đầu tư, UBND các cấp…, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ như các tổng công ty, doanh nghiệp, cơ quan tư vấn dịch vụ đầu tư, các cục, vụ, viện, trường ĐH, CĐ đào tạo về kinh tế.

– Ngành Kinh tế Quốc tế nhằm đào tạo các cử nhân kinh tế quốc tế am hiểu lý thuyết và thực tiễn về quan hệ kinh tế quốc tế, về hội nhập khu vực kinh tế quốc tế của Việt Nam, nắm vững các công cụ của chính sách kinh tế đối ngoại, biết tổ chức, quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia cũng như của một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp; có sự am hiểu nhất định về luật pháp và thông lệ quốc tế; nắm vững các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế.

Các kỹ năng cần đạt được: Tư vấn và hoạch định các kế hoạch kinh tế đối ngoại, điều phối hoạt động kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, cố vấn kinh tế đối ngoại cho các tổ chức quốc tế, nghiên cứu và phân tích hoạt động kinh tế đối ngoại tầm vĩ mô…

Các cử nhân kinh tế quốc tế có thể làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến điạ phương, các Bộ, các ngành cũng như có thể trực tiếp tổ chức và quản lý các quan hệ kinh tế quốc tế của một doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các văn phòng và chi nhánh công ty nước ngoài.

Ngoài ra, có thể làm tư vấn và hoạch định các kế hoạch kinh tế đối ngoại tại các cơ quan nhà nước, điều phối hoạt động kinh tế đối ngoại tại các tổ chức xã hội, xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại cho các doanh nghiệp, cố vấn kinh tế đối ngoại cho các tổ chức quốc tế, nghiên cứu và phân tích hoạt động kinh tế đối ngoại tầm vĩ mô, công tác tại các Bộ, các Sở và một số cơ quan nhà nước khác.

Năm nay em định thi khối D vào trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia. Em muốn hỏi trường này có nhân đôi môn Anh không? Điểm chuẩn của trường liệu có tăng không? Học trường này sau ra trường có thể làm việc được ở những đâu? (sweetdream_forever@yahoo.com.vn)

Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia HN không nhân đôi hệ số môn ngoại ngữ đối với các chuyên ngành thi tuyển khối D.

Việc điểm chuẩn có tăng hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Vào thời điểm hiện tại rất khó để đưa ra nhận định đánh giá.

Tuy nhiên, theo góc độ của Ban tư vấn thì điểm chuẩn năm nay của trường có khả năng ổn định so với năm 2008. Việc học xong sẽ làm ở đâu còn tuỳ thuộc em theo học chuyên ngành nào.

Em học cấp 3 ở TPHCM, hộ khẩu vẫn ở Nam Định. Vậy em có được đăng kí thi ĐH Y Thái Bình không? Em thấy trường này chỉ tuyển thí sinh ở gần đồng bằng Sông Hồng thôi. (yeuem_kitsem_byeem@yahoo.com)

Từ năm 2007, vùng tuyển của trường ĐH Y Thái Bình là từ Quảng Trị trở ra. Như vậy do em vẫn còn hộ khẩu thường trú ở Nam Định nên hoàn toàn được phép ĐKDT vào trường.

Em là nam sinh của một trường THPT ở thành phố Huế, ở kì thi tuyển sinh đại đại học năm 2009 em muốn thi vào ngành xây dựng, em có học lực khá, cho em hỏi ở miền Trung có những trường Đại học nào có mở ngành xây dựng và điểm thi của trường đó 2 năm trở lại đây. (lamanh.net@gmail.com)

Về ngành Xây dựng thì có rất nhiều chuyên ngành hẹp. Để tạo điều kiện cho em Ban tư vấn sẽ liệt kê ra một số trường và điểm chuẩn hai năm trở đây của các trường đó.

– ĐH Nông Lâm Huế ngành Công nghiệp và Công trình nông thôn. Điểm chuẩn năm 2007: 15 điểm; 2008: 13 điểm.

– ĐH khoa học-ĐH Huế ngành Kiến trúc công trình. Năm 2007: 25 điểm; Năm 2008: 22 điểm.

– ĐH Vinh ngành Xây dựng. Năm 2007: 17,5 điểm. Năm 2008: 17 điểm.

Ban Tư vấn Tuyển sinh (Theo dantri) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)