Đây là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 vừa tổ chức tại Trường THPT Lý Thường Kiệt và Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt
Đang học ngành này chuyển sang ngành khác được không?
Mở đầu phần hỏi – đáp, em Lê Thị Hồng Phúc (học lớp 11B9 Trường THPT Lý Thường Kiệt) thắc mắc: “Giả sử em học ngành du lịch được một thời gian lại muốn chuyển sang ngành nhà hàng – khách sạn được không?”. Với câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết đây là hai ngành học khác nhau. Muốn học ngành du lịch, các em phải có sức khỏe tốt, thích đi đó đây, ham tìm tòi, học hỏi. Còn người theo học ngành nhà hàng – khách sạn phải không bị dị ứng các loại đồ ăn, thức uống, đòi hỏi tính thẩm mỹ, cẩn thận, nguyên tắc. “Trong quá trình học, khi các em muốn chuyển ngành phải xác định mình có phù hợp với ngành định chuyển hay không? Vì khi chuyển ngành các em phải học lại từ đầu, bắt nhịp với kiến thức mới, và quan trọng nhất là phải được hiệu trưởng nhà trường phê duyệt thì sinh viên mới được chuyển ngành”, ThS. Nguyên cho hay.
Cũng tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, em Nguyên Vũ (học lớp 12A5) hỏi: “Em muốn làm trong lĩnh vực quản trị nhân sự thì có cần phải học thêm ngành tâm lý?”. Để Nguyên Vũ và những học sinh khác hiểu cặn kẽ hơn, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực) khẳng định: Học ngành tâm lý ra trường có thể làm quản trị nhân sự nhưng làm quản trị nhân sự thì không cần phải học thêm ngành tâm lý. Theo ông Tuấn, người làm quản trị nhân sự sẽ liên quan đến công việc bố trí, tuyển dụng, đề bạt chính sách, tiền lương, giải quyết tranh chấp nhân sự ở bộ phận mà mình quản lý… Trong khi đó, ngành tâm lý liên quan đến tâm lý học đường, các vấn đề về rối loạn tâm lý ở người…
Để học sinh phân biệt rõ ràng các bậc học, ông Tuấn cho biết hiện nay tại TP.HCM có khoảng 58 trường ĐH, 50 trường CĐ, 68 trường TC và 370 cơ sở dạy nghề với thời gian học và quy trình đào tạo khác nhau. Theo đó, bậc ĐH có thời gian học từ 4 năm (một số ngành đặc thù có thể kéo dài đến 5, 6, 7 năm), bậc này do Bộ GD-ĐT quản lý, đào tạo lý luận kết hợp với thực tiễn để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành những người giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Trong khi đó, những bậc học còn lại có thời gian đào tạo ngắn hơn: CĐ học từ 2 đến 2,5 năm; TC khoảng 2 năm; học nghề có thể vài tháng. “Không có con đường nào là con đường vòng mà chỉ có con đường thẳng, không có bậc học nào là thấp, quan trọng là học bậc nào giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc và mang lại giá trị cho xã hội. Sau này có điều kiện, chúng ta có thể liên thông ở bậc học cao hơn”, ông Tuấn khẳng định.
Ngành xây dựng có triển vọng cao
Tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, một học sinh nam lo lắng về việc muốn học ngành xây dựng nhưng lại không có năng khiếu vẽ. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) dự đoán tại huyện Hóc Môn, ngành xây dựng sẽ rất phát triển sau này. Ngành xây dựng có hai lĩnh vực, đó là xây dựng công trình giao thông và xây dựng dân dụng (nhà cửa, cao ốc…). “Học ngành này không cần phải vẽ đẹp bởi tuyển sinh đầu vào ngoài xét tuyển môn vẽ, các em còn có thể xét tuyển ở những tổ hợp môn khác, tuy nhiên phải có đầu óc sáng tạo và giỏi các phần mềm thiết kế”, ThS. Luyện cho biết.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, em Nguyễn Thị Kim Tuyến (học lớp 12A2) băn khoăn: “Học ngành thú y có cần biết tiếng Anh không?”. ThS. Luyện cho biết: “Theo học ngành thú y, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng như chẩn đoán bệnh thông thường, biết sử dụng một số dược phẩm, hóa chất, vắc-xin phòng trị bệnh cho động vật; xây dựng chương trình thú y cho trại chăn nuôi; nắm bắt Luật Thú y, thị trường thuốc, chăn nuôi… Bên cạnh đó, sinh viên còn hiểu biết về một số lĩnh vực gần gũi, liên quan như chăn nuôi gia súc, chăn nuôi thú cảnh, thủy sản, trồng trọt… Đó cũng là những điểm thú vị của ngành học này. Đặc biệt, người học ngành thú y phải thật sự yêu động vật, có tính chăm chỉ, cần cù, không sợ dơ bẩn”, ThS. Luyện phân tích.
Trong khi đó, theo ThS. Phạm Doãn Nguyên, ngoài kỹ năng chuyên môn thì tin học và ngoại ngữ là những kỹ năng rất cần thiết cho mọi người, là yếu tố tạo giá trị hành nghề. “Khi đã có được giá trị này thì dù đi làm ở đâu chúng ta cũng cảm thấy rất tự tin và không sợ bị thất nghiệp”, ThS. Nguyên khẳng định.
Tiếp tục chương trình, em Thu Uyên (lớp 12A5) bày tỏ mong muốn sẽ khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH. Vậy điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp là gì? Với câu hỏi này, ThS. Nguyên cho hay, muốn khởi nghiệp phải trải qua quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Bên cạnh đó, muốn khởi nghiệp cũng cần phải có bản lĩnh, có tầm nhìn xa trông rộng, ý chí, quyết đoán… “Khi học ở trường, các em sẽ được đào tạo về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tuy nhiên điều đó chưa đủ để các em thành công mà quan trọng là bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa”, ThS. Nguyên lưu ý.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)