Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muôn kiểu luyện thi đánh giá năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Sự gia tăng về số đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực và số trường sử dụng kết quả những bài thi này để xét tuyển đã hình thành một 'thị trường' luyện thi sôi động.

Điều này dẫn đến nhiều xu hướng khác nhau trong việc luyện thi, nổi bật nhất là việc thí sinh (TS) lựa chọn tham dự nhiều kỳ thi để gia tăng cơ hội trúng tuyển ĐH.

Muôn kiểu luyện thi đánh giá năng lực - Ảnh 1.

Một lớp luyện thi đánh giá năng lực tại TP.HCM thu hút hàng chục học sinh. NGỌC LONG

"Thi chồng thi"

Nguyễn Diệu Linh, học sinh (HS) lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Lào Cai, là một ví dụ. Đặt nguyện vọng vào Học viện Ngoại giao và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Diệu Linh cho hay em vừa thi xong IELTS để đáp ứng phương thức xét tuyển học bạ và hiện chuẩn bị thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội lẫn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với mục tiêu lần lượt là trên 100 điểm và 8 điểm mỗi môn.

"Em khá mệt mỏi khi phải cân bằng việc ôn tập cho bài trên lớp lẫn các kỳ thi, nhưng đành cố gắng thôi. May mắn là ngoài ôn thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô chính khóa cũng chỉ bảo chúng em một số dạng câu hỏi và cách làm bài ĐGNL", Diệu Linh nói. Riêng với bài thi của ĐH Sư phạm Hà Nội, nữ sinh thú nhận phải luyện thêm phần trình bày vì em vốn quen với lối đánh trắc nghiệm, trong khi đề lại có câu tự luận.

Chung tình cảnh, Trần Gia Linh, HS lớp 12A11, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), kể rằng em đang chuẩn bị cho các kỳ thi IELTS, ĐGNL của ĐHQG TP.HCM và năng khiếu vẽ để chinh phục Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. "Em đang cùng bạn ôn thi ĐGNL bằng những tài liệu có sẵn và đề tham khảo trên mạng. Mỗi tuần, chúng em dành thời gian rảnh sau giờ học thêm, khoảng 1 – 2 tiếng, để cùng giải đề hoặc học bổ túc một môn thi ĐGNL", Gia Linh chia sẻ.

Nữ sinh đánh giá nội dung đề thi có phạm vi rộng, kiến thức nhiều khiến em gặp khó ở các môn tự nhiên như lý, hóa, sinh. Đây là trở ngại chính đối với mục tiêu đạt từ 800 điểm trở lên của em. "Việc thi chồng thi cũng gây nhiều áp lực khi em cần lên lịch hợp lý để không ảnh hưởng sức khỏe lẫn kết quả học tập. Nhưng do phải sắp xếp thời gian ôn luyện dày đặc nên những ngày gần đây, em thấy mình mệt mỏi hơn hẳn, luôn buồn ngủ và dễ mất tập trung", Gia Linh lo lắng.

Có phần thư thả hơn, Lê Nguyễn Khương Duy, lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho hay vì định hướng theo học ngành kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH RMIT (TP.HCM), ngôi trường quốc tế không sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL, nên em xem việc tham gia kỳ thi HS giỏi môn tin học và ĐGNL của ĐHQG TP.HCM là cơ hội để thử sức và làm quen với áp lực phòng thi, cũng như tạo dấu ấn năm cuối cấp.

Không học thêm ở ngoài, Duy kể rằng em bắt tay vào ôn thi hồi đầu tháng 2 bằng cách chọn mua sách luyện đề và mỗi ngày giải 10 trang, song song đó làm thử đề minh họa do ĐHQG TP.HCM công bố và đọc lại các chủ điểm kiến thức đã học từ năm lớp 10, 11. "Vì để làm tốt bài ĐGNL, em phải học đều các môn, có hiểu biết thực tiễn, tư duy logic cũng như khả năng sắp xếp thời gian làm bài", nam sinh lý giải.

Muôn kiểu luyện thi đánh giá năng lực - Ảnh 2.

Học sinh tập trung ôn luyện trực tiếp cách làm bài thi ĐGNL. NGỌC LONG

Việc mở thêm nhiều kỳ thi ĐGNL cũng tạo điều kiện cho các TS đã tốt nghiệp THPT có cơ hội viết tiếp giấc mơ ĐH. Lê Văn Ngoan, chiến sĩ nghĩa vụ đóng quân tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam bộ, cho biết để đủ điều kiện xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (TP.HCM), anh phải đăng ký thi tốt nghiệp THPT (chiếm 40% số điểm) và thi ĐGNL của Bộ Công an (60% số điểm).

Vì đã ra trường 2 năm, anh thú nhận kiến thức phổ thông đã bị mai một, không đáp ứng được yêu cầu bài thi. Để có kết quả tốt, Ngoan tranh thủ mọi thời gian rảnh như chiều, tối hoặc cuối tuần để ôn bài, đồng thời đăng ký học trực tuyến những môn thế mạnh là toán, văn, sử. "Tôi cũng mua sách luyện đề về để làm thêm, cũng như tham khảo đề năm trước", Ngoan kể.

Ôn luyện trực tiếp 8 môn học trong 1 tháng

Theo thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP, trong những năm qua, ngày càng có nhiều HS đăng ký các lớp luyện thi ĐGNL trực tuyến lẫn trực tiếp. "Trung tâm hiện có khoảng 200 em, được chia thành 4 lớp, đang theo học khóa luyện thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM kéo dài 24 tuần", thầy Nhị nói và cho biết mỗi buổi học sẽ có 2 giáo viên của 2 môn giảng dạy và trong mỗi tháng các HS sẽ được học đều cả 8 môn học.

Có nên ôn thi ĐGNL từ lớp 11 ?

Thạc sĩ Bùi Văn Công, chuyên luyện thi ĐGNL trực tuyến, cho biết có hơn 10 HS lớp 11 đang theo học khóa trực tuyến sẽ tham dự kỳ thi ĐGNL năm nay. Theo thầy Công, điều này khả thi vì kiến thức lớp 12 chỉ chiếm 50% nội dung đề thi ĐGNL. "Phần tiếng Việt và tiếng Anh ai cũng có thể làm được. Tương tự, những câu hỏi phân tích số liệu, logic chỉ cần ôn là biết làm và một số câu toán, sử, địa thì có liên quan đến kiến thức lớp 11", thạc sĩ Công lý giải.

Thầy Lê Minh Xuân Nhị cũng ủng hộ các HS lớp 11 thi ĐGNL từ sớm để tiếp xúc thực tế với cấu trúc đề cũng như chuẩn bị trước tâm lý thi cử khi đến lớp 12.

Vị giám đốc nhìn nhận xu hướng trên xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Một là, khi thi tốt nghiệp THPT, HS thường tập trung nhiều hơn vào 3 môn tổ hợp xét tuyển ĐH nên thường lơ là các môn còn lại, từ đó không đáp ứng được yêu cầu học đều của bài ĐGNL. Bên cạnh đó, những tiết học trên trường cũng chưa được phân bố hợp lý với trình độ mỗi HS. "Một số kiến thức trong đề ĐGNL chỉ được dạy vào cuối học kỳ lớp 12 hoặc đã từ lớp 10, 11, dẫn đến việc các em không biết hoặc không nhớ nên cần được hướng dẫn ôn tập trọng tâm, có phương pháp", thầy Nhị lý giải.

Để việc luyện thi tại trung tâm đạt hiệu quả, thầy Nhị cho rằng TS cần tập trung xây dựng kiến thức nền tảng từ những gì học trên lớp cũng như học thêm. Sau đó, học cách đọc tài liệu và giải quyết vấn đề thay vì chỉ thuộc lòng. "Phải xác định rõ khóa học là hướng dẫn ôn tập chứ không thể dựa dẫm vào 100%. Chỉ luyện đề ở lớp học thêm mà trúng tuyển ĐH là điều không thể", thầy Nhị nêu quan điểm.

Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên chuyên luyện thi ĐGNL trực tuyến, cũng nhìn nhận ở thời điểm hiện tại, lượng TS đăng ký các khóa học trực tuyến tăng hơn nhiều so với những năm trước. "Điều này cho thấy HS đang cởi mở hơn cũng như cần có sự hỗ trợ để tối ưu hóa việc ôn thi. Ngoài ra, việc nở rộ các trung tâm luyện thi trực tuyến cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của phong trào này", thầy Công khẳng định và cho biết thêm một ưu điểm của việc luyện thi là giúp TS làm tốt 3 môn trong đề ĐGNL không được thầy cô giảng dạy là tiếng Việt, tư duy logic và phân tích số liệu.

Muôn kiểu luyện thi đánh giá năng lực - Ảnh 4.

Giáo viên ôn luyện cho hay thí sinh xác định rõ khóa học là hướng dẫn ôn tập chứ không thể dựa dẫm vào 100%. Chỉ luyện đề ở lớp học thêm mà trúng tuyển ĐH là điều không thể. NGỌC LONG

Ôn thế nào cho hiệu quả ?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi ĐGNL đợt 1 của ĐHQG TP.HCM. Vào giai đoạn nước rút này, thầy Nhị khuyên TS không nên luyện quá nhiều đề, chỉ 5 – 10 bài là đủ. "Khi làm, phải nắm được cấu trúc và hình thức của đề, cũng như cách phân bổ thời gian. Hãy dùng đề thi để bổ sung kiến thức và hiểu rõ bài trong sách giáo khoa chứ đừng học tủ", thầy Nhị lưu ý và khuyên TS cần cập nhật những tin tức thời sự nổi bật, vì bài thi năm nay có thêm phần chính trị xã hội.

Song song với việc luyện thi trong các khóa trực tuyến, thạc sĩ Công nhìn nhận mỗi HS cần phải làm tốt quy trình 3 bước tuần hoàn gồm giải ít nhất một đề mỗi tuần, phân tích những câu sai và bổ sung lại kiến thức từ sách giáo khoa. "Việc luyện đề thường xuyên sẽ giúp TS rèn các kỹ năng làm bài nhưng chỉ nên chiếm khoảng 30% thời gian, 70% còn lại dành cho việc ôn tập và củng cố lý thuyết cơ bản của tất cả môn học. Mục tiêu là đắp được càng nhiều "lỗ hổng" kiến thức càng tốt", thầy Công khuyên.

Theo Ngọc Long/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)