Do chưa có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nên hiện nay việc tuyển thẳng học sinh là người dân tộc vào Đại học, mỗi trường thực hiện một kiểu.
Thông tin thí sinh là người dân dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo được tuyển thẳng vào ĐH. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của Bộ nên hiện nay mỗi trường thực hiện một kiểu.
Quy định mới của tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Như vậy, theo quy định này thì những học sinh thuộc đối tượng này sẽ được tuyển thẳng vào học, không phải thi.
Thí sinh là người dân tộc thiểu số được tuyển thẳng đại học. Trong ảnh: Các em học sinh dân tộc thiểu số tại trường DTNT tỉnh Nghệ An trong ngày khai giảng năm học mới. |
Ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết trường vẫn đang nghiên cứu về quy định mới này và chưa có quy định cụ thể cho trường. Tuy nhiên, ông Chương cũng nhận xét quy định mới này là hơi gây khó khăn cho các trường. Nếu chỉ căn cứ khu vực mà xét tuyển, đầu vào yếu quá thì không học được, khổ cho cả giáo viên và sinh viên.
Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương, quy định chỉ tuyển học sinh xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012.
Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam lại quy định, đối với thí sinh đăng ký vào ĐH Lâm nghiệp ở Hà Nội (LNH): Học sinh tốt nghiệp THPT năm 2012, Bằng tốt nghiệp đạt loại Khá trở lên.
Còn ĐH Thái Nguyên thì quy định, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì Giám đốc ĐH Thái Nguyên xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức 1 năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Giám đốc ĐH Thái Nguyên qui định.
Trường ĐH Hồng Đức yêu cầu, sau khi nhập học, những thí sinh thuộc đối tượng này được học bổ sung kiến thức 1 năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức thực hiện theo chương trình của hệ dự bị đại học, cao đẳng.
Sẽ nảy sinh nhiều bất cập!
Trước đây đối với việc tuyển thẳng đối tượng KV0 (SV là người dân tộc ít người có hộ khẩu thường trú ít nhất từ 3 năm trở lên vùng cao, vùng sâu), các tỉnh phải lập hẳn hội đồng tuyển chọn của tỉnh để bình xét theo các tiêu chí cụ thể, một năm chỉ có khoảng 2.000 SV được tuyển thuộc đối tượng này được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. SV thuộc đối tượng dự bị đại học thì sau 1 năm học vẫn phải dự thi dù điểm trúng tuyển có thấp hơn thi đại học chính thức một chút.
Một chuyên gia tuyển sinh lâu năm cho rằng, nếu so sánh những đối tượng thuộc dự bị đại học còn xứng đáng vào thẳng hơn đối tượng chỉ thuộc huyện nghèo như quy định mới. Một số học sinh dân tộc miền núi không thuộc huyện nghèo, cần ưu tiên hơn thì vẫn phải thi.
Vị chuyên gia tuyển sinh này phân tích: “Với 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ hiện nay, trên nguyên tắc mỗi huyện có từ 1 – 3 trường THPT, mỗi trường THPT có từ 300 – 500 học sinh. Tính ra sẽ có khoảng một chục nghìn học sinh lớp 12 thuộc các huyện nghèo mỗi năm. Hiện nay, các em học sinh phải cân nhắc rất nhiều về học lực, điều kiện gia đình rồi mới đăng ký dự thi ĐH, CĐ hoặc TCCN. Nhưng với quy định “cho không” suất vào đại học như thế này, thì liệu có bao nhiêu em từ chối dù năng lực cũng như điều kiện không phù hợp? Và sẽ nảy sinh hiện tượng chạy hộ khẩu về các huyện nghèo này.
Danh sách 62 huyện nghèo
1. Tỉnh Hà Giang, gồm 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
2. Tỉnh Cao Bằng, gồm 5 huyện: Thông Nông, Bảo Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc và Hạ Lang. 3. Tỉnh Lào Cai, gồm 3 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà. 4. Tỉnh Yên Bái, gồm 2 huyện: Mù Căng Chải và Trạm Tấu. 5. Tỉnh Phú Thọ, gồm 1 huyện: Tân Sơn. 6. Tỉnh Bắc Giang, gồm 1 huyện: Sơn Động. 7. Tỉnh Bắc Kạn, gồm 2 huyện: Ba Bể và Pác Nặm. 8. Tỉnh Điện Biên, gồm 4 huyện: Mường Áng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Điện Biên Đông. 9. Tỉnh Lai Châu, gồm 5 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Than Uyên và Tân Yên (tách ra từ huyện Than Uyên theo Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 30/10/2008 của Chính phủ). 10. Tỉnh Sơn La, gồm 5 huyện: Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai và Sốp Cộp. 11. Tỉnh Thanh Hóa, gồm 7 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn. 12. Tỉnh Nghệ An, gồm 3 huyện: Quế phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. 13. Tỉnh Quảng Bình, gồm 1 huyện: Minh Hóa. 14. Tỉnh Quảng Trị, gồm 1 huyện: Đa Krông. 15. Tỉnh Quảng Nam, gồm 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn. 16. Tỉnh Quảng Ngãi, gồm 6 huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà và Ba 17. Tỉnh Bình Định, gồm 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. 18. Tỉnh Ninh Thuận, gồm 1 huyện: Bác Ái. 19. Tỉnh Lâm Đồng, gồm 1 huyện: Đam Rông. 20. Tỉnh Kon Tum, gồm 2 huyện: Kon Plong và Tu Mơ Rông. |
Bình luận (0)