Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muôn kiểu vật lộn đến trường của học trò nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bạn cuốc bộ, bạn thì bơi, bạn chèo mảng, đường đến trường vẫn thật xa với các bạn học sinh miền núi.

Cuốc bộ hàng chục km để tới trường
Mảnh đất miền Trung từ xưa đã hằn lên sỏi đá, biết bao vất vả, nghèo khó về địa hình, khí hậu của Tổ quốc như dồn cả về nơi này. 2 huyện biên giới Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An), học sinh phải đi bộ hơn 10km để tới trường hàng ngày như thế.
Ảnh: Dân trí.
Đôi dép mòn vẹt, đôi chân trần bé nhỏ, khuôn mặt rắn rỏi, đen đúa…hàng ngày những học sinh trường THCS Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) phải dậy từ 4h sáng để đến trường cho kịp giờ học. Chiếc gùi đựng sách vở sần sùi, tiếp sức trên con đường đi tìm cái chữ của các em là nắm cơm, gói mì tôm… sao đủ no những ngày mưa rét?
Con đường đi học nắng mưa gió bão, lại phải lội suốt, băng rừng, nhiều đoạn đường hiểm trở… mỗi năm học mới đến, tình trạng học sinh bỏ học càng nhiều, vì con đường đi học gian nan quá nên con chữ cứ rơi rụng dần theo từng bước chân của các em.
Ảnh: Dân trí.
Thầy Hoa Văn Ngành – phó hiệu trưởng Trường THCS Keng Đu (Kỳ Sơn) thương các em nhiều lắm, đã cố gắng làm thêm 8 phòng bán trú tạm bợ cho những học sinh ở xa… nhưng còn các em học sinh khác vẫn phải đi bộ 3 – 4 tiếng hàng ngày để tới trường. Hàng ngày đi học từ tờ mờ sáng, đến tối mịt mới trở về nhà, trong khi đó, không ít em là lao động chính trong gia đình… vì thế, con đường đi học đã xa lại càng xa…
Đi học bằng cách…bơi qua sông
Ảnh: Dân trí.
Câu chuyện hiếm có khó tìm này thực tế đã xảy ra từ hàng chục năm qua tại xã Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, khi các em học sinh THCS Trọng Hóa, muốn đến trường phải vượt qua một con suối, muốn đi học điều kiện bắt buộc là phải biết bơi.
2 bản Ông Tú và Ka Ooc do nằm bên kia sông Khe Rào trở nên tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là lý do những em học sinh ở đây, ngoài việc dậy sớm vượt đường đồi dốc xuống sông Khe Rào, còn phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với "tử thần" khi vượt qua vùng nước dữ. Đi học, nhưng mạng sống treo ngang, nào ai biết, nếu chẳng may gặp vùng nước xoáy thì các bạn học sinh ấy sẽ như thế nào?
Ảnh cắt từ clip
Giờ đây, mọi sự quan tâm của chính quyền, các ngành, các cấp mới giúp các bạn ấy có phao đi học, có một chiếc thuyền để con đường đi bớt tròng trành, nhưng còn biết bao số phận mong manh khác vẫn đang phải từng ngày từng giờ đối mặt với hiểm nguy để học cho được con chữ?
Đến trường lênh đênh bè mảng
Những mảng ghép lại từ hơn chục cây luồng dài – vật dụng duy nhất đưa người dân vùng sâu vùng xa của xã Giao An, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) qua sông, cũng là cách duy nhất để học sinh tới trường hàng ngày.
Ảnh: Vnexpress.
Mỗi khi muốn vượt sông, người dân trong bản trèo lên mảng luồng rồi dùng tay ghì chặt lấy sợi dây cáp, sau đó vừa kéo vừa lợi dụng sức nước để đẩy bè sang sông. Từ nhiều năm nay, học sinh trường THCS Giao An đều phải qua sông đi học như thế. Không thể đưa xe đạp qua nên các em chỉ có cách đi bộ đến trường, có em nhà xa phải đi bộ cả 4-5 km đường rừng. Những ngày đi học, các em phải rời nhà từ tờ mờ sáng mới kịp giờ lên lớp.
Lũ về, nước chảy xiết, lật bè, không thể sang sông – công thức chung cho nỗi khổ của học sinh miền núi. Thế nhưng, năm học mới nào, chúng ta cũng phải lắng nghe những chia sẻ như thế: "Biết là nguy hiểm nhưng chúng em vẫn muốn đến trường học chữ"… biết là nguy hiểm nhưng…

Theo Chuông Gió
(dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)