Đông đảo các bạn trẻ tham gia Việt Nam Idol với ước mơ được làm ca sĩ chuyên nghiệp |
Hiện nay, nhu cầu trở thành ca sĩ trong giới trẻ có thể nói là bùng nổ. Chính vì vậy mà làng nhạc liên tục có các gương mặt mới xuất hiện, không thể nhớ hết tên. Nhưng thành danh và nổi tiếng như các bậc đàn anh, đàn chị đi trước thì quả là rất hiếm. Trong khi đó, con đường để đến được với ước mơ làm ca sĩ quả rất gian nan và tốn kém…
Cái thuở ban đầu…
Điều sai lầm đầu tiên mà nhiều bạn trẻ hiện nay mắc phải, đó là quan niệm: chỉ cần ngoại hình dễ nhìn, gương mặt đẹp, ăn ảnh thì có thể trở thành ca sĩ. Nhưng thật ra, đó chỉ là một yếu tố phụ, mà quan trọng nhất là phải có giọng hát tốt, truyền cảm trước đã. Nếu chưa có chất giọng thì phải đi học. Vậy là các lò luyện hát, luyện thanh mở ra nhiều không kém các lò luyện thi đại học. Giá học phí tại các trung tâm khoảng 600 – 800 ngàn đồng/người/tháng, tuần học 2 buổi, khoảng 1 giờ/ buổi, mỗi lớp này thường có khoảng 20 – 30 học viên. Còn học tại nhà của giảng viên thanh nhạc thì học phí khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, tuần học 2 buổi, mỗi buổi khoảng 45 phút, thuận lợi của hình thức này là được học một mình với giảng viên nên mau tiến bộ hơn. Trung bình phải sau một năm học mới có thể ra hát được, đó là đối với những học viên có năng khiếu và chất giọng tốt, còn nếu không thì phải tiếp tục học dài dài. Thực tế cho thấy, nhiều ca sĩ đã thành danh vẫn thường xuyên đến với các thầy cô của mình để trau dồi và luyện thanh cho ngày một điêu luyện hơn.
Song song với học thanh nhạc là học vũ đạo. Hiện nay tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hay CLB ở thành phố đều có các lớp dạy vũ đạo do các biên đạo múa nổi tiếng phụ trách như: Phương Lịch, Hoàng Thông, Ngọc Xuân, Ngọc Hiền, Tấn Phong… trung bình học phí khoảng 500 ngàn đồng/người/tháng. Muốn mau tiến bộ thì thuê thầy về nhà dạy riêng khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng/tháng.
Bắt đầu đi hát
Nếu hát trong một số chương trình lớn, ca sĩ mới có dịp tập với ban nhạc, còn đa số trong các chương trình “thường thường bậc trung” thì thường hát bằng nhạc nền thu trước (play back), trung bình một ca sĩ chuyên nghiệp làm nhạc nền ở các phòng thu để đi hát từ 1,2 triệu đồng – 2 triệu đồng/bài. Đó là chưa kể nếu “hát nhép” còn phải tốn tiền thu âm trung bình khoảng 1 triệu đồng/ bài. Nhưng khi ra sân khấu, bắt buộc ca sĩ phải “lận lưng” ít nhất là 5 bài, khá hơn là 10 bài vì lỡ có ca sĩ ra trước hát trùng bài thì… “còn đường mà tránh”. Vậy là thêm khoản đầu tư này không được phép hạn chế.
Đi hát thì phải mặc đồ đẹp và “không đụng hàng”, các ca sĩ thường nhờ nhà tạo mẫu thiết kế đồ độc quyền cho mình. Giá khá cao từ 2 triệu – 3 triệu đồng một bộ. Mà tuổi thọ một bộ đồ đi diễn chỉ khoảng 5- 7 lần mặc thôi, vì không lẽ mặc đồ cũ đi hát hoài? Vậy là phải ki cóp kiếm tiền để đổ vào trang phục, đó là chưa kể đến chi phí cho mỹ phẩm, chăm sóc thẩm mỹ, rồi trang sức, phụ kiện… Chính vì vậy, đã bước chân vào nghề ca sĩ rồi, ai cũng mộng lên “sao” để thoát cảnh kiếm đâu bù lỗ đấy.
Không phải đến lúc đi hát là có thể kiếm được tiền ngay lập tức. Nếu là ca sĩ mới chập chững vào nghề, phải có người quen biết giới thiệu đến các tụ điểm, quán bar… người ta mới nhận, nếu không thì khó mà chen chân được. Nếu có được nhận, cứ ngồi chờ để mà hát lót, hát thế, hát… miễn phí (để làm quen với sân khấu). Chưa kể ca sĩ phải đưa “ bao thư” cho các bầu show, người biên tập để được có tên trong chương trình. Và nếu trót chọn dòng nhạc sôi động, chắc chắn phải tốn thêm một khoản chi phí nữa – thuê một vũ đoàn múa minh họa cho mình, và chớ có quên thù lao của biên đạo múa. Thêm điều rất cần thiết là phải có một album cho “bằng anh, bằng chị”. Mà một album nếu được đầu tư đàng hoàng, có quay hình cũng mất ít nhất gần 200 triệu đồng, ngoài ra còn phải thuê lực lượng làm đĩa lậu tung ra thị trường vì hầu hết trong số họ đều là những ca sĩ mới, khán giả nào chịu bỏ tiền ra mua đĩa gốc?
Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ trẻ còn xài một số “chiêu độc” rất tốn kém, hòng để nổi tiếng nhanh như đăng quảng cáo, hình ảnh và bài viết trên các mặt báo; tung nhạc lên mạng hoặc thiết kế những poster gây ấn tượng mạnh “đu” khắp trên các cột điện, trạm điện thoại… nhằm đập thẳng vào mắt công chúng như một cách tiếp thị. Việc khẳng định vị trí “ảo” của mình bằng cách thuê lực lượng fan “ảo” cũng là một trong những chiêu mà các ca sĩ trẻ hiện nay hay sử dụng nhất. Phải lấy lòng fan “ảo” bằng đủ mọi cách như tổ chức các buổi đi chơi, ăn uống, giao lưu chụp hình, cho fan vé xem ca nhạc, mua hoa và gấu bông để fan lên tặng cho mình khi biểu diễn… Và một khoản không nhỏ nữa đó là tiền điện thoại để ngày ngày gọi điện thoại “tung tin vịt” về lịch làm việc của mình, nào là những show diễn quan trọng, những chương trình lớn nhỏ mà mình sắp và sẽ tham gia…
Ngoài các khoản chi phí nêu trên, còn vô số những khoản tốn kém không tên khác như liên tục chụp hình mới tặng khán giả; thuê người theo để đưa rước, giữ đồ và bấm đĩa… Nhiều bạn không thể hát solo được đành lập nhóm hát, hàng tháng mỗi thành viên phải đóng vào quỹ nhóm vài triệu đồng để trang trải các khoản chi phí vì hầu hết tiền cát xê chỉ mang tính tượng trưng. Có bạn còn sai lầm khi quan niệm bước đầu đi hát thì nên hát nhóm, sau này “nhảy” ra hát đơn sẽ dễ nổi hơn, nhưng có mấy ai được “thổi” như Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh, Lương Bích Hữu…?. Nghề nào cũng có mặt trái, không phải ai đi hát đều được nổi tiếng, thành công rực rỡ.
KHANG HY
Nếu bạn không có năng khiếu ca hát thì xin có lời khuyên chân tình: Hãy để chi phí đầu tư cho một ngành nghề nào ổn định và hợp với khả năng mình hơn. |
Bình luận (0)