Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Muốn làm chủ tịch nước thì học ngành gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Quen biết là một lợi thế khi đi xin việc làm, nhưng nếu không có năng lực, cá nhân sẽ bị sa thải sau một thời gian làm việc. Vấn đề này được Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 nhấn mạnh khi tư vấn cho học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM) ngày 7-11.

Ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) trả lời câu hỏi tuyển sinh vào ngành công an, quân đội

Bất cứ công việc nào cũng cần đến năng lực

Em Hoàng Minh Công (lớp 12C1) hỏi: “Em có sở trường ở lĩnh vực kỹ thuật điện – điện tử nhưng lại rất thích ngành quản trị kinh doanh. Vậy em nên học ngành nào?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) trả lời: “Giữa sở thích, sở trường đối với 2 ngành khác nhau thì trước tiên, các em phải tìm hiểu từng ngành được đào tạo như thế nào để tránh sự mơ hồ. Đối với ngành kỹ thuật điện – điện tử, chuyên học về nghiên cứu, áp dụng liên quan đến điện – điện tử, người theo học phải năng động, đam mê, giỏi các môn tự nhiên, kiên trì, nhẫn nại vì thường gắn bó với công việc nặng nhọc. Còn đối với ngành quản trị kinh doanh, đòi hỏi thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, người theo học phải năng động, tự tin, quyết đoán, giao tiếp giỏi, chịu áp lực công việc cao. Khi đã tìm hiểu kỹ về mục tiêu đào tạo từng ngành thì phải xem xét đến năng lực bản thân ở đâu, đam mê thực sự có phù hợp với mục tiêu đào tạo ngành đó không rồi mới quyết định chọn để sau này ra trường làm việc đúng ngành nghề yêu thích, phát huy năng lực bản thân”.

Một vấn đề khá quen thuộc mà không ít học sinh đặt câu hỏi thường băn khoăn, đó là khi ra trường sẽ khó xin được việc làm nếu như không có người quen. Một nam sinh lớp 12 hỏi: “Em muốn học y dược, vậy sau khi ra trường, ngoài làm việc ở tiệm thuốc tây thì em có thể làm việc ở đâu. Xin việc này có dễ không khi gia đình em không có người quen biết?”. Ông Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, không ít học sinh có suy nghĩ, học bất cứ ngành nghề nào, khi ra trường sẽ tìm được việc làm tốt, lương cao nếu gia đình có người quen biết. Thực tế, quen biết sẽ là lợi thế đầu vào cho người xin việc, nhưng nếu không có năng lực thì sau một thời gian làm việc, cá nhân này sẽ bị sa thải. Đối với bất kỳ đơn vị nào, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp lớn luôn cần người làm được việc vì cái họ cần là sản phẩm lao động, doanh thu lợi nhuận. Nếu các em có năng lực, cho dù không quen biết thì cơ hội nghề nghiệp của các em là rất lớn, đặc biệt trong xu thế hội nhập, rất cần những con người năng động, nhạy bén, làm được việc.

Đối với ngành dược, ông Luyện phân tích, dược là môn khoa học chuyên nghiên cứu về thuốc. Cụ thể liên quan giữa thuốc và cơ thể; cách vận dụng thuốc trong điều trị bệnh. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm trong các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm, quản lý thuốc tại các công ty, giảng dạy, nghiên cứu…

Em muốn “ứng cử Chủ tịch nước thì học ngành nào?”

Một học sinh lớp 12 đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Ngoài những lĩnh vực trên, nhiều học sinh còn thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực an ninh. Một nữ sinh lớp 12 hỏi: “Em muốn thi vào ngành quân đội, công an. Vậy những ngành này có những yêu cầu gì với nữ giới?”.

Ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho biết: “Đối với ngành công an, cứ đến tháng 3 hàng năm, học sinh nào có nhu cầu thi vào thì đến ban chỉ huy công an quận/huyện nộp hồ sơ; còn ngành quân đội thì đến ban chỉ huy quân sự quận/huyện. Đối với nữ giới, các ngành này có yêu cầu về sức khỏe, học lực giỏi, đạo đức tốt. So với nam giới thì điểm chuẩn đầu vào đòi hỏi cao hơn từ 2-4 điểm, đặc biệt số lượng tuyển sinh rất ít, mỗi năm khoảng 10%”. Ông Cường cho biết thêm, các trường này không đào tạo một số ngành như kế toán, CNTT, môi trường… Tuy nhiên, vì tính chất công việc thì các cơ quan công an, quân đội vẫn phải tuyển những công việc này, vì thế học sinh có niềm yêu thích làm việc ở môi trường này vẫn có cơ hội xin vào.

Một câu hỏi khác liên quan đến lĩnh vực chính trị xã hội cũng được Ban tư vấn chú ý, đánh giá cao. Đó là câu hỏi của em Nguyễn Lê Hoàng Phước Lộc (lớp 12A1): “Tương lai em muốn ứng cử chức danh Chủ tịch nước, vậy từ bây giờ em phải học ngành nghề gì?”. Với câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) trả lời: “Một người muốn ứng cử Chủ tịch nước thì không bắt buộc phải học đúng một ngành nghề nhất định mà có thể học nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, để có thể làm Chủ tịch nước, đòi hỏi người làm phải có kiến thức chuyên môn về chính trị, am hiểu các vấn đề kinh tế, xã hội chưa kể đến khả năng điều hành bộ máy hành chính, công quyền. Bản thân người này phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu, được người dân tin yêu, tín nhiệm, đánh giá cao về năng lực, phẩm chất, đạo đức”.

Theo ông Tuấn, câu hỏi của Phước Lộc là một câu hỏi hay vì đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng em đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề chính trị. “Ngay từ bây giờ, Phước Lộc nói riêng và những học sinh khác nói chung, cần có sự rèn luyện, phấn đấu cả về kiến thức, kỹ năng, lẫn đạo đức. Ở bất cứ công việc nào, đơn vị quản lý dù là tư nhân hay Nhà nước cũng đều cần những con người hội tụ đầy đủ giá trị tri thức, năng lực, đạo đức”, ông Tuấn nhắn nhủ.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

HỎI – ĐÁP HƯỚNG NGHIỆP

“Em thích nghề truyền thông đa phương tiện nhưng lại không biết trường nào đào tạo, chương trình học như thế nào? – Nguyễn Ngọc Thái (lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, TP.HCM).

– Ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc tuyển sinh Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) giải đáp: Hiện Trường Arena Multimedia có đào tạo mỹ thuật truyền thông với hình thức là đào tạo nghề, thời gian 2,5 năm. Học viên sẽ được học 4 nhóm chuyên ngành là thiết kế đồ họa 2D, thiết kế website, làm phim kỹ thuật số và làm phim 3D. Như vậy, sau khi tốt nghiệp các em có thể làm được nhiều nghề, thậm chí trong quá trình học đã được doanh nghiệp đặt hàng.

Ông Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) bổ sung thêm: Ngành truyền thông là một lĩnh vực rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, truyền thông không chỉ viết game, làm phim mà còn nhiều lĩnh vực khác. Hiện trường chúng tôi đào tạo theo hai mảng: mảng nội dung thiên về biên tập và mảng kỹ thuật thiên về xây dựng hình ảnh. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp các em có thể làm ở nhiều nơi, tuy nhiên, để làm được nghề này các em phải có gu thẩm mỹ tốt, biết cảm thụ được cái đẹp…

“Em rất thích ngành tài chính ngân hàng, nhưng học ngành này ra có khó xin việc không? Em nên chọn trường nào để theo đuổi ngành mình đam mê?” – Thùy Dương (lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, TP.HCM).

– Ông Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) trả lời: Chọn ngành tài chính ngân hàng các em phải có tố chất cơ bản như yêu thích con số, cẩn trọng, tỉ mỉ, trung thực, khách quan, kỹ năng sắp xếp hồ sơ… Ngành này hiện đào tạo ở nhiều trường như ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM… Tuy nhiên, nếu chọn trường nào đào tạo tốt thì tôi cho rằng tất cả các trường đều dành 70-80% giảng dạy kiến thức của Bộ GD-ĐT, phần còn lại chỉ khác ở dịch vụ chăm sóc sinh viên. Vì vậy, giá trị bằng cấp, chương trình đều giống nhau.

Với vấn đề học xong có xin việc được hay không, tôi khẳng định rằng nếu các em có kiến thức chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ và tin học tốt, kỹ năng mềm nổi trội thì sẽ xin được việc. Hiện tất cả ngành nghề vừa thiếu vừa thừa nhân lực, thừa những lao động không đáp ứng được yêu cầu và thiếu những lao động có năng lực tốt.

Hà Xuyên (ghi)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)