Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Muôn mặt thế giới mạng trên màn ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Không hẹn mà gặp, rạp Việt đang cùng lúc chiếu nhiều phim cả trong nước lẫn nước ngoài có nội dung về internet và mặt tích cực lẫn tiêu cực của mạng xã hội.

Không phải đến nay, phim có chủ đề về mạng xã hội mới nở rộ. Trước đó, góc khuất của mạng xã hội đã được đề cập trong nhiều bộ phim của các nhà làm phim nước ngoài như: The Hater (2020), Eighth Grade (tựa gốc: YouTuber, 2018), Searching (tựa Việt: Truy tìm tung tích ảo, 2018), The Circle (Vòng xoay ảo, 2017), #realityhigh (Nhập hội, 2017), Nerve (Trò chơi liều mạng, 2016), Unfriended (Hủy kết bạn, 2015), Chef (Siêu đầu bếp, 2014), Disconnect (2012), The Social Network (2010)… Hiện tại, rạp Việt cũng đang chiếu 2 bộ phim Hàn Quốc có chủ đề về mạng xã hội: Livestream (vạch trần và tố cáo hành vi xâm hại tình dục rồi quay phát online trên mạng của một bộ phận người dùng mạng xã hội); và Streamer (tựa Việt: Thước phim kinh hoàng, nói về các streamer – những người thực hiện phát sóng trực tiếp – câu view bất chấp khi rủ nhau "lên kèo" livestream tại một tòa nhà nguy hiểm nhằm tung lên mạng những tin tức giật gân về cái chết của một streamer trước đó).

Muôn mặt thế giới mạng trên màn ảnh  - Ảnh 1.

Poster phim Live – #PhátTrựcTiếp của đạo diễn Khương Ngọc

Và các nhà làm phim Việt cũng không đứng ngoài cuộc. Mới đây nhất, đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn đã cho ra mắt bộ phim Fanti với diễn xuất của các diễn viên NSND Lê Khanh, Thảo Tâm, Hồ Thu Anh… (chiếu rạp Việt từ 28.7), xoay quanh tham vọng của người trẻ trước ánh hào quang của sự nổi tiếng trên mạng xã hội lẫn showbiz, vạch trần những biến tướng của mạng xã hội tại VN, các chiêu thức tấn công đối thủ hay lăng xê một người vô danh để nổi tiếng trên mạng.

Phần mở đầu của bộ phim hút người xem khi mở ra thế giới của cô gái Ánh Dương (Thảo Tâm đóng) vừa chớm nổi tiếng trong thời đại công nghệ. Cùng với con số follower (người theo dõi) trên trang cá nhân, danh vọng, tiền tài và những cơ hội nghề nghiệp ập đến một cách đột ngột với Ánh Dương. Với sự kèm cặp và kỳ vọng cao của người mẹ cũng từng là diễn viên nổi tiếng một thời – bà Hằng (NSND Lê Khanh), Ánh Dương càng khao khát chạm đến vị trí ngôi sao một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngọt ngào, ngây thơ, biết chăm sóc bản thân, luôn chia sẻ và truyền cảm hứng về những bữa ăn thanh đạm… như các nội dung, hình ảnh cô đăng tải trên thế giới ảo, thì Ánh Dương lại là một cô gái thường xuyên diện lớp trang điểm xuyên đêm, thích uống nước ngọt có gas, ăn vặt… và bất chấp mọi thứ để leo lên nấc thang danh vọng, dùng chiêu trò để đe dọa kẻ cản trở mình. Để đối phó với anti-fan (người chống đối hay người tẩy chay), Ánh Dương quyết định xóa/ẩn các bình luận tiêu cực, chỉ để lại những lời hay ý đẹp… Mạng xã hội cho Ánh Dương danh tiếng nhưng cũng có thể kéo cô gái ấy xuống vực sâu bất cứ lúc nào, với câu chuyện tiếp diễn phức tạp hơn khi có sự xuất hiện của một người dùng có biệt danh Carrot1F643 – kẻ rình rập sử dụng thủ thuật công nghệ để đột nhập vào tài khoản thư điện tử, mạng xã hội…

Sắp tới, đạo diễn Khương Ngọc cũng cho ra mắt phim Live – #PhátTrựcTiếp (chiếu rạp từ ngày 15.9), cũng là câu chuyện về sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút lượt view trong giới YouTuber, Streamer; nói về trào lưu mukbang – vừa ăn uống nhồm nhoàm vừa phát sóng trên mạng, nhưng ăn xong phải ói, đi bệnh viện truyền dịch, hoặc tìm thuốc chống no để giúp mình có thể ăn nhiều, kéo dài buổi phát sóng trực tiếp để câu lượt xem, tương tác…

Muôn mặt thế giới mạng trên màn ảnh  - Ảnh 2.

Thảo Tâm và Hồ Thu Anh trong phim Fanti. Ảnh: ĐPCC

Khán giả Việt chưa "mặn mà" ?

Fanti được xem là có đề tài mới mẻ trong điện ảnh Việt từ trước đến nay khi mặt tối của mạng xã hội được lấy làm chủ đề xuyên suốt phim. Thế nhưng, bộ phim có NSND Lê Khanh, "hot girl IELTS" Thảo Tâm (từng thủ vai cô giáo Hồng trong Mắt biếc) đóng có doanh thu khá thấp, dự báo nguy cơ lỗ nặng. Đại diện Box Office Vietnam – đơn vị theo dõi phòng vé độc lập tại VN, nhận định: "Dù được ưu ái nhiều suất chiếu nhưng Fanti đã không đạt kết quả tốt về doanh số. Đại diện phim Việt duy nhất thời điểm này tại rạp chỉ thu về hơn 1,1 tỉ đồng trong 3 ngày cuối tuần qua (28 – 30.7). Điều đó khiến cho Fanti trở thành phim Việt có doanh thu trong 3 ngày chiếu mở màn thấp nhất tính từ đầu năm 2023 đến nay".

Nhiều cây viết quan sát điện ảnh trong nước cũng lý giải có thể do phim Fanti công chiếu trùng với tâm điểm diễn ra sự kiện show nhạc BlackPink của Hàn Quốc tại VN, đồng thời có quá nhiều phim bom tấn ngoại đang chiếu rạp như: Thám tử lừng danh Conan, Nhiệm vụ bất khả thi, Dinh thự ma ám, hoạt hình Elemental, Xứ sở các nguyên tố… Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều Fanti kém thu hút khán giả là vì phần đông khán giả trên mạng nhận xét: "Dù có ý tưởng khá thú vị về mặt trái mạng xã hội, nhưng bản thân chất lượng của bộ phim còn nhiều hạn chế như: kịch bản thiếu chặt chẽ tạo cảm giác rời rạc, nhịp phim chậm khiến câu chuyện lan man, lạm dụng những cú twist (cú lật bất ngờ) làm cho nhiều tình tiết thay đổi một cách thiếu thuyết phục…".

Với 2 phim ngoại cùng chủ đề về mặt trái mạng xã hội đang chiếu rạp Việt là Livestream và Streamer (tựa Việt: Thước phim kinh hoàng) thì doanh thu mỗi phim đến nay cũng chỉ 1,3 tỉ đồng, dù khi chiếu tại thị trường khác lại thu hút lượng người xem cao hơn.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

 

Bình luận (0)