Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, GV cần phải có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho bài dạy. Ảnh: P.N.Q
|
Hiện nay, việc nâng cao chất lượng trở thành đề tài thời sự của ngành giáo dục, vì cứ mỗi năm học trôi qua thì chất lượng giáo dục càng có chiều hướng giảm sút. Có nhiều trường, sau một năm học tổng kết với những tỉ lệ học sinh khá giỏi rất cao nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là chất lượng ảo không phản ánh đúng chất lượng giáo dục.
Vì sao chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút?
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng giáo dục giảm sút, trong đó có nguyên nhân do giáo viên (GV) không có thời gian tại nhà để đầu tư bài dạy cho tốt mà họ chỉ xem bài qua loa khi lên lớp. Vì sao GV lại mất quá nhiều thời gian làm công việc khác đến nỗi không có thời gian chuẩn bị bài chu đáo? Theo tôi, có những nguyên nhân sau đây: Hồ sơ sổ sách quá nặng nề làm cho GV khốn khổ. Hiện nay rất nhiều GV than rằng suốt ngày họ cứ phải ngồi máy vi tính để làm hồ sơ sổ sách như soạn giáo án rất chi tiết, phải ghi: Mục tiêu cần đạt, chuẩn bị thầy trò… và năm học này GV còn phải bổ sung những kiến thức cần tích hợp vào giáo án. Như vậy với GV nào dạy nhiều môn, nhiều khối lớp thì việc chuẩn bị giáo án rất vất vả và chiếm rất nhiều thời gian ở nhà.
Ngoài giáo án thì GV còn nhiều loại hồ sơ khác như sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt lớp, sổ tổ khối… và phải lên kế hoạch cho từng công tác. Ngay cả từng môn học, GV cũng phải có kế hoạch bộ môn. Nói chung GV thật sự khốn khổ với bao loại hồ sơ sổ sách. Năm học này GV còn phải ghi điểm lên mạng Internet. Đối với GV nào có nối mạng Internet tại nhà thì việc ghi điểm còn thuận tiện, GV nào không nối mạng tại nhà mà phải vào trường làm việc thì lại càng khó khăn hơn vì số máy vi tính trong trường không thể đáp ứng số lượng GV quá đông. Nhưng khổ nhất là việc GV phải soạn ngân hàng đề cho môn học thật chi tiết, phân loại từng mức độ: Biết, thông hiểu, vận dụng… trong khi ngân hàng đề thì để đó chứ không hề sử dụng đến. Thật ra, từ lâu dù không đưa ra qui định bắt buộc thì mỗi đề kiểm tra, GV cũng đã có phân nhiều mức độ cho nhiều đối tượng học sinh.
Ngoài ra việc dự giờ, thao giảng quá nhiều cũng làm mất nhiều thời gian của GV: Việc dự giờ, thăm lớp từ lâu là qui định bắt buộc của ngành giáo dục dù ai cũng biết dự giờ quá nhiều là lợi bất cập hại vì GV mất nhiều thời gian; trong khi đó, tiết dạy có GV dự giờ luôn khiến GV dạy và học sinh bị áp lực về mặt tâm lý nên hiệu quả tiết dạy không cao.
Giải pháp nào để GV có thời gian đầu tư cho bài dạy
Theo tôi, ngành giáo dục cần giảm bớt các thủ tục hồ sơ rườm rà từ giáo án cho đến các loại hồ sơ sổ sách khác. Giáo án có thể cho phép GV khỏi ghi vào mục tiêu bài dạy vì sách GV có ghi rất đầy đủ nên có thể tham khảo. Bởi vì, dù giáo án ghi quá chi tiết nhưng nếu GV lên lớp không truyền tải hết nội dung giáo án thì chất lượng giáo dục cũng không thể nào nâng cao được. Vì dạy học là nghề nghiệp đặc trưng rất cần cái tâm và sự tự giác của người thầy chứ đâu thể bất cứ tiết dạy nào của thầy cô cũng có người khác dự giờ để kiểm tra xem dạy đúng theo yêu cầu hay không.
Cần giảm bớt số tiết dự giờ thăm lớp theo qui định. Hiện nay theo qui định của Bộ GD-ĐT, mỗi GV phải dự giờ 18 tiết trong một năm học đối với GV bậc THCS là quá nhiều. Khi số lượng nhiều thì sẽ không đạt được chất lượng. Theo tôi, mỗi GV chỉ cần dạy cho đồng nghiệp dự giờ 1 hoặc 2 tiết trong năm học nhưng cần có sự đầu tư cho tiết dạy ấy và rút kinh nghiệm thật nghiêm túc. Có như vậy thì đồng nghiệp mới học tập lẫn nhau qua cách giảng dạy đạt hiệu quả. Một đồng nghiệp của tôi dạy ở Trường THCS Võ Văn Tần (Long An) cho biết trường cô có GV rất đông nên cứ vào đầu năm học mỗi GV phải đăng kí cho đồng nghiệp dự giờ 2 tiết và phải hoàn thành trong tháng qui định. Chẳng hạn, như nếu qui định cô dạy tháng 10 thì trong tháng 10 cô phải hoàn thành 2 tiết dạy cho đồng nghiệp dự giờ, để các tháng sau thì dự giờ GV khác. Đây là hình thức dự giờ rất hay cần nhân rộng cho nhiều trường.
Khi có nhiều thời gian rảnh thì chắc chắn GV sẽ nghiên cứu đầu tư cho tiết dạy tốt hơn. Thậm chí GV sẽ soạn bài tập riêng cho từng đối tượng học sinh và có thời gian để phụ đạo cho học sinh yếu kém cũng như có kế hoạch để uốn nắn cho các học sinh cá biệt. Đã theo nghề dạy học thì đa số các thầy cô giáo đều có tâm huyết với nghề. Ngành giáo dục càng kiểm tra kiểm soát GV gắt gao với bao loại hồ sơ sổ sách chỉ làm cho bầu nhiệt huyết của GV cạn kiệt và họ chỉ biết làm việc với tinh thần đối phó. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều GV xem nghề dạy học không còn là niềm đam mê mà là gánh nặng. Họ trông đến lúc về hưu để không còn bị áp lực do nghề mang lại. GV không còn yêu nghề thì liệu chất lượng giáo dục có nâng cao hay không? Chắc chắn là không mà sẽ giảm sút. Mong sao các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần suy nghĩ về việc này để chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao đáp ứng sự kì vọng của toàn xã hội.
Nguyễn Thanh Dũng
(GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An)
Dạy học là nghề nghiệp đặc trưng rất cần cái tâm và sự tự giác của người thầy, chứ đâu thể bất cứ tiết dạy nào của thầy cô cũng có người khác dự giờ để kiểm tra xem dạy đúng theo yêu cầu hay không.
|
Bình luận (0)