Các cửa hàng đang tưng bừng đại hạ giá
|
Những ngày này, không chỉ các điểm bán hàng lề đường “đến hẹn lại lên” mà ở cửa hàng lớn, nhỏ cũng xuất hiện những tấm bảng “đại hạ giá”, “xổ hàng”…
Đi chợ đại hạ giá
Theo đó, mỗi một món đồ, hay một sản phẩm hàng hiệu có giá thấp hơn bình thường từ 40-70% so với ngày thường. Không chỉ người tiêu dùng có thu nhập thấp mà tầng lớp được xem là “sành ăn, sành mặc” cũng đổ xô đi săn hàng giá rẻ.
Hai chiếc loa “khủng” đặt phía trước cửa hàng bán quần áo trên đường CMT8, Q.3, bật nhạc dance xập xình như một cách gây sự chú ý của người đi đường. Kiểu bán hàng này chẳng còn mới mẻ gì nhưng từ nơi phát ra cái âm thanh đinh tai ấy là những tấm bảng với dòng chữ “đại hạ giá”, “xổ hàng”… từ 50-70% mới thật sự hút khách. Thi thoảng, âm thanh từ chiếc loa kia tạm ngưng nhường chỗ cho tiếng rao mời khá chuyên nghiệp của người đàn ông. Giữa cái ồn ào, hối hả, âm thanh phát ra lẫn vào mọi thứ, tạo ra tạp âm chẳng lẫn vào đâu được. “Mua 1 tặng 1, mua 3 tặng 2, ngày mai là Tết, mua để làm quà…”, cứ thế người bán rao. “Ngày thường, để mua được một chiếc váy hàng hiệu phải mất gần nửa tháng lương nhưng nay chỉ cần từ 200.000-300.000 đồng là có”, chị Hương (ngụ Thành Thái, Q.10) nói.
Ở các cửa hàng, không chỉ “đại hạ giá” cho các sản phẩm mà người bán còn kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, giá trị được tính theo hóa đơn mua sắm. “Bỏ ra triệu bạc, mang về nhà nhiều món đồ, vật dụng có giá trị gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường”, bà Xuân (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) nói.
Mặt hàng điện máy, điện lạnh cũng giảm giá mạnh trong mùa vàng mua sắm cuối năm. Từ tủ lạnh, máy giặt, ti vi đến đồ gia dụng như nồi cơm điện, máy ép trái cây… của các nhãn hiệu nổi tiếng của Nhật cũng đại hạ giá từ 30-50%. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng có thu nhập thấp mua sắm một vài món đồ làm quà cho gia đình, người thân ở quê nhà. Chị Nguyễn Thị Hải (P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tâm sự: “Số tiền 2-3 triệu đồng là khá lớn so với thu nhập nhưng mua những món đồ hiệu, giá rẻ cho gia đình thì không phải lúc nào cũng mua được. Chỉ có mùa mua sắm cuối năm, những người làm công nhân như tụi em mới có thể sở hữu được”.
Mùa mưu sinh của sinh viên
Dù ở lề đường nhưng cửa hàng bán quần áo, giày dép của hai bạn trẻ Thư – Trinh (sinh viên năm cuối ĐH Hồng Bàng) khá hoành tráng. Thư cho biết: “Số tiền bỏ ra để lấy hàng bán từ đầu tháng 1 đến nay là gần 50 triệu đồng. Nếu mua bán thuận lợi như mấy ngày qua thì chỉ tuần nữa là lấy lại vốn, dự tính lãi khoảng 15 triệu đồng”.
Hình ảnh dễ nhận thấy ở các điểm mua sắm lề đường cuối năm là cả người bán và người mua hầu hết là công nhân, sinh viên. Giữa người bán với nhau và người bán với người mua có sự đồng cảm về lối sống, về túi tiền nên việc cạnh tranh cũng không gay gắt như ở những phiên chợ, điểm mua sắm khác. Người mua cũng không bị nói thách, ép giá mà thậm chí mua được hàng xịn giá bèo, không dễ có được ở bất kỳ nơi đâu. Có vốn để lấy hàng bán Tết là một chuyện, bán được hay không, lãi nhiều hay ít hoặc chôn vốn lại là chuyện khác. Chính vì thế, việc lựa chọn hàng, thời điểm và xác định đối tượng khách hàng là cực kỳ quan trọng. Trinh chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm mua bán hàng Tết: “Toàn vốn vay mượn của người thân, tính toán không tới làm chôn vốn, bán đổ bán tháo… là chuyện đã từng xảy ra. Tìm được nguồn hàng chất lượng, giá thấp là yên tâm nhưng muốn cho chắc thì tìm mối nào cho bán hàng ký gửi, bán đến đâu thanh toán đến đó”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)