Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Muôn nẻo làng nghề TP.HCM: Kỳ 2: Nhộn nhịp làng đan lát Thái Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, ở Thái Mỹ nhà nhà, người người cùng đan lát để chuẩn bị cho Tết 2011

Cũng tuổi trăm năm như “làng xe bò” Tân Thạnh Tây nhưng làng đan lát Thái Mỹ có phần “tốt số” hơn. Những ngày này, nhà nhà, người người cùng đan để chuẩn bị hàng bán Tết. Dọc theo con đường tỉnh lộ 7, đi ngang qua ấp Mỹ Khánh A, B, ấp Bình Thượng… nhà nào cũng đầy ắp người. Ngoài sân, những cái rổ, chậu hoa… được bày ra phơi khắp nơi.
Vào mùa
Đến Thái Mỹ vào tháng này, chúng tôi bắt gặp nhà nào cũng đầy những công cụ đan giỏ, thúng, chậu… Hỏi ra mới biết, sắp tới Tết nên người ta đặt hàng chậu cây nhiều. Hàng đan lát của Thái Mỹ ngày nay không chỉ bán trong thị trường nội địa mà còn được mang ra khỏi biên giới với giá trị xuất khẩu cao và hàng loạt.
Người dân Thái Mỹ biết đến cái nghề này là do cha mẹ, ông bà đi trước truyền lại. Thuở xưa, nhà nào cũng đan để bán kiếm tiền mua mắm, mua muối hoặc để làm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Nghề đan lát của người dân Thái Mỹ ra đời từ đó. Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi – TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề đan lát các sản phẩm mây tre lá truyền thống. Đến nay, tuy trải qua nhiều đổi thay nhưng ngành nghề này vẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương bởi nó góp phần ổn định đời sống cho đông đảo bà con nông dân. Điển hình trong số đó là cơ sở đan sọt tre của bà Lê Thị Huých ở ấp Mỹ Khánh A.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thái Mỹ có 5 cơ sở mây tre lá hoạt động, thu hút hàng trăm công nhân làm việc tại chỗ. Các sản phẩm giỏ, rổ, thúng… này hầu hết đều được xuất ra thị trường nước ngoài. Nguồn nguyên liệu phục vụ người đan được nhập từ nhiều nơi khác nhau: trúc được lấy tại địa bàn, còn tre, mum thì lấy từ Lâm Đồng, Bình Phước. Bà Sáu Linh, ấp Mỹ Khánh A, chia sẻ: “Cái nghề đan ở Thái Mỹ có từ lâu rồi, trước giải phóng lận. Ở đây ai cũng làm nghề này hết, nhất là những người già như chúng tôi. Công việc không nặng lắm, chỉ cần chịu khó là sẽ có tiền, cũng giữ được nghề để truyền cho con, cho cháu”. Vì nhà nào trong xã cũng đan hàng kiếm tiền nên khiến cho việc mua trúc, tầm vông ngày càng khó khăn.
Theo chỉ dẫn của bà Sáu Linh, chúng tôi tìm đến cơ sở mây tre lá Thiên Phú của bà Lê Thị Huých. Tại đây gần 40 công nhân đang làm việc, mỗi người một công đoạn. Những máy chẻ nan tre đang đua nhau chạy. Thợ trong xưởng hăng hái làm việc, người đóng vành, người thu gom… Chị Tuyết Mai, chủ cơ sở này cho biết: “Sản phẩm chủ lực xưởng được xuất qua Đài Loan là sọt tre. Cơ sở này làm công đoạn cuối cùng để hoàn thành sản phẩm. Thu nhập trung bình của công nhân ở đây trên 100 ngàn đồng/người/ngày. Trong mùa cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 8), cơ sở nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách. Thế nhưng chúng tôi luôn yêu cầu các anh chị em công nhân phải bảo đảm sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác”.
Bằng mọi cách phải giữ nghề
Đó là tâm sự của chị Mai khi chúng tôi hỏi nghề đan này tại địa phương trong tương lai có mai một hay không. Chị Mai nói vui: “Bao giờ người Đài Loan không ăn bắp cải nữa thì nghề đan mới mai một. Thế nhưng cho đến nay, 50% khẩu phần ăn của họ vẫn là bắp cải”.
Cô Trần Thị Cúc, 10 năm làm nghề đan lát tại cơ sở Thiên Phú cho biết: “Nghề này là do ông bà truyền lại, bây giờ ruộng đất cũng không nhiều, chúng tôi phải “bám” nó mà sống chứ chẳng biết làm sao. Làm để có thu nhập, để giữ nghề không bị mai một cũng hãnh diện lắm rồi”. Ở những cơ sở đan lát trên địa bàn xã có rất nhiều em học sinh đến xin làm thêm kiếm tiền mua sách vở vào thời gian rảnh hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật. Em Nguyễn Thị Hồng Phấn, học lớp 6, làm chỉ nang bung nói: “Vào ngày nghỉ em hay đến đây xin làm thêm. Làm vậy vừa có thêm thu nhập vừa được học hỏi nghề của ông bà mình. Công việc cũng không khó lắm, chỉ cần được hướng dẫn qua một lần là em làm được liền”.
Để giữ nghề đan lát không bị mai một đòi hỏi phải có người kế thừa. Nhưng hiện nay, người làm tại các cơ sở mây tre lá chủ yếu đa phần đã có tuổi, rất ít người trẻ tham gia làm. Hơn nữa, nghề đan lát ăn theo sản phẩm, mà các cơ sở phải làm theo mùa nên lương hướng không ổn định. Do đó, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn là lựa chọn chính của bộ phận lớn thanh niên tại địa phương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đại bộ phận làng nghề trên địa bàn TP.HCM. Vợ chồng anh Trần Văn Phỉ, cư ngụ tại ấp Mỹ Khánh A, 21 năm làm nghề thu mua sản phẩm đan lát tâm sự: “Trước khi chuyển qua thu mua sản phẩm, gia đình tôi cũng tập trung đan hàng bán cho người ta nhưng thu nhập không cao lắm. Bây giờ, người làm nghề đan cũng giảm nhiều. Tôi nghĩ cái nghề này chắc sẽ mất dần vì giới trẻ có mấy người biết đến nó, người già thì không thể sống mãi được”.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

Để hình thành một làng nghề phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, do đó việc duy trì nó là nhiệm vụ chung của thế hệ sau. Làng nghề đan lát Thái Mỹ không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa vùng miền của dân tộc ta. Vì vậy, công tác bảo tồn, tạo điều kiện cho làng nghề phát huy sức mạnh trong xu thế toàn cầu hóa cần được các ngành chức năng quan tâm hơn nữa.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)