Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Muôn nẻo làng nghề TP.HCM: Kỳ cuối: Đìu hiu làng nghề đan đệm

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nghe và cháu gái đang đan đệm

Củ Chi là huyện có nhiều làng nghề thủ công nhất ở TP.HCM như làng nghề đan đệm Tân Thạnh Tây, làng sơn mài Phú Hòa, làng bánh tráng Phú Hòa Đông… Trong đó, khá nhiều làng nghề đã có từ rất lâu, đồng thời là nguồn thu nhập chính của người dân hơn mấy chục năm nay. Thế nhưng, hiện nay một số làng nghề cổ ở Củ Chi đang có nguy cơ bị mai một do tác động của thời buổi công nghiệp hóa.
Điêu đứng với thời gian
Hơn 20 năm về trước, Tân Thạnh Tây được coi là làng nghề sầm uất của huyện Củ Chi với nghề đan đệm. Thời bấy giờ, các thương lái, người tiêu dùng ở Đồng Nai, Tây Ninh, Long An hoặc các tỉnh miền Tây đều tìm đến đây mua đệm mỗi khi tới mùa vụ. Bao nhiêu hộ dân trong xã là bấy nhiêu gia đình làm cái nghề đan đệm này. Nhà ai nhiều nhân khẩu, đan nhanh, đan được nhiều thì càng nhanh chóng phất lên. Không ai nhớ cái nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng thanh niên, người già, trẻ con trong xã ai cũng sống bằng nghề.
Thế nhưng đến cuối năm 2008, làng nghề đan đệm tại Tân Thạnh Tây trở nên điêu đứng vì đầu ra bị thu hẹp. Lúc này có đến 60% nghệ nhân phải bỏ nghề và chuyển sang hướng kinh doanh khác. Làng nghề ngày một thưa người. Trong quãng thời gian 10 năm trở lại đây, người dân Củ Chi bán đất cho các chủ doanh nghiệp xây nhà máy, khu công nghiệp và những người thợ đan đệm trước kia cũng chuyển vào trong nhà máy làm. Đầu ra hạn chế, nhân công đổi hướng làm ăn, làng nghề chỉ còn lại một vài người lớn tuổi cố bám trụ kiếm sống qua ngày.
Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà bà Phạm Thị Lơn (tức bà Ba Lơn), tại ấp 2, xã Tân Thạnh Tây. Bà Ba Lơn năm nay đã 66 tuổi, cũng là người duy nhất của ấp 2 còn gắn bó với nghề. “Cái nghề này có từ lâu lắm rồi. Bà cố tôi truyền cho bà ngoại, bà ngoại truyền cho mẹ, mẹ truyền lại cho tôi, giờ đến các con tôi đứa nào cũng biết đan. Hồi đó dân ở đây sống bằng nghề này thôi, còn bây giờ họ vào xí nghiệp làm hết rồi. Làm trong đó một ngày được 5 đến 7 chục ngàn đồng, còn cái nghề này được mấy đồng đâu. Tôi già rồi, chẳng làm gì được, nên đan kiếm thêm tiền”, bà Ba Lơn nói giọng buồn buồn.
Theo như lời bà Ba Lơn, ngày xưa ấp 1 là ấp phát triển nghề đan đệm mạnh nhất vùng, nhưng hiện tại ở đây không còn ai giữ nghề. Ở ấp 2 chỉ còn mỗi bà, bà lại lớn tuổi, sức khỏe kém nên có khi hai ba hôm mới đan xong một tấm đệm. Bà Ba Lơn thường mua cây bàng của những người bán thu gom từ Long An với giá 10 ngàn đồng/bó về đan đệm. Một bó phân ra được ba bó nhỏ cỡ bằng bắp chân người lớn. Cây bàng mua tươi phải qua công đoạn phơi nắng cho khô rồi đem đến nơi ép cho mềm ra mới có thể bắt đầu đan. Đệm dùng để nằm có diện tích từ 1,4 x 1,6m, trong khi đệm dùng để phơi thường lớn hơn rất nhiều. Vì thế, muốn đan được loại đệm này cần có nhiều người cùng hợp sức. Nếu như trước kia chỉ cần một người, một ngày có thể cho ra một tấm đệm thì nay những người lớn tuổi như bà Lơn phải mất đến hai, ba ngày mới có thể hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Đệm đan xong có người đến tận nhà thu mua với giá dao động từ 30-50 ngàn đồng/tấm. Người mua bán đi với giá cao hơn để kiếm lời.
Bà Sáu Thiệu – một “đầu nậu” từng thu mua đệm cho biết trước đây mỗi ngày bà mua rất nhiều rồi mang đi các nơi phân phối, nhưng bây giờ đầu ra ít, lại không ai làm nên bà cũng nghỉ thu mua. Theo chỉ dẫn của bà Sáu Thiệu, tôi đến gặp bà Võ Thị Nghe (76 tuổi). Bà Nghe cho biết ở ấp 3 chỉ còn bà và một người khác làm nghề này. Vì thế, nếu muốn mua đệm khách phải đặt trước rồi vài hôm xuống lấy chứ không có ngay được. Trong nhà bà Nghe, hầu như các vật dụng đều làm bằng cây bàng. Từ chiếc chiếu trên giường , giỏ xách hay nón đội đầu đều do bà tự tay đan. Đệm không có nhiều màu sắc như chiếu, giá thành cũng rẻ hơn nhưng lại có độ bền khá cao do không bị gãy rách. Đệm nằm lâu bị sẽ ố màu chứ ít khi bị hư. Có lẽ vì thế mà hiện nay nhiều người vẫn chuộng loại đệm dân dã này. Cứ gần đến Tết, nhiều khách hàng từ các miền xa tìm đến đây đặt đệm nằm để làm quà tặng cho người thân. Đó cũng là lúc làng đệm xôm tụ hơn ngày thường.
Vẫn còn hậu nhân, nhưng…
Làng nghề đan đệm sầm uất khi xưa nay chỉ còn thưa thớt vài nghệ nhân gắn bó với nghề. Hàng ngày, bà Lơn vừa chăm sóc mẹ già vừa đan được lúc nào hay lúc nấy. Còn bà Nghe thì lại đan những sản phẩm cho gia đình sử dụng, ai đặt gì thì đan nấy. Thế nhưng khi hỏi hai bà, liệu cái nghề này có bị thất truyền và mất đi hay không thì cả hai đều bảo rằng không thể mất đi được vì ai cũng biết đan cả, cho dù nghỉ bao nhiêu năm, nếu đan lại họ vẫn có thể đan nhanh. Số người trong xã còn gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng từ người già đến trẻ con đều có thể đan đệm. Học đan đệm không khó, chỉ cần một chút tinh ý, ai cũng có thể trở thành người thạo nghề.
Nhà bà Nghe có bảy người, gồm ba thế hệ đều biết đan đệm. Cô cháu gái của bà, Nguyễn Thị Ngọc Bích, mới học lớp 9 nhưng tay nghề đã có thâm niên đến bảy năm. Bích khoe: “Năm tám tuổi em đã biết đan rồi. Hồi đó đi chơi chán, bà nội chỉ cho đan, riết rồi quen tay. Nghề đan đệm chỉ có ở xã này thôi nên nhiều bạn trong lớp em đâu biết nghề này”. Mà đúng vậy thật, cô bé đan thoăn thoắt như người thợ lành nghề mặc dù thỉnh thoảng mới phụ bà. Bà Nghe khen: “Nếu có nó phụ, một ngày có thể đan xong một tấm đệm”. Nói rồi bà chỉ cậu cháu trai 23 tuổi đang học Trường CĐ Tài chính Hải quan, “thằng đó, nó đan giỏi lắm!”.
Thực tế cho thấy, địa phương nào có làng nghề thì mức sống của người dân nơi đó thường ở mức khá. Thế nhưng, hiện nay tại xã Tân Thạnh Tây, thu nhập của người lao động chủ yếu vẫn từ các nhà máy, xí nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các ngành chức năng chưa có giải pháp căn cơ, giải quyết rốt ráo những mặt hạn chế khiến người dân không còn “mặn mà” với nghề truyền thống do cha ông truyền lại. Các nguyên nhân cụ thể như thiếu vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, thiếu thông tin thị trường và công nghệ lạc hậu khiến cho làng nghề đan đệm có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai gần.
Bài, ảnh: Tiểu Di

Thu nhập từ nghề đan đệm không đi kịp với cơ chế thị trường nên dẫn đến tình trạng người dân bỏ nghề, chuyển sang các nghề khác. Với cách làm manh mún, teo tóp như hiện nay thì nguy cơ làng nghề đan đệm mất dần là điều không tránh khỏi nếu như các ngành chức năng không có những giải pháp bảo tồn kịp thời.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)