Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Muôn nẻo vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 đã kết thúc, hàng triệu thí sinh hồi hộp chờ đợi kết quả của 12 năm đèn sách với bao hy vọng. Sẽ có hàng chục nghìn học sinh tiếp tục xây đắp tương lai từ giảng đường đại học, và gấp vài lần chừng ấy sỹ tử sẽ vào đời bằng nhiều con đường khác…
Ông Châu mong muốn con trai theo học trường nghề, thay vì theo đuổi giấc mơ ĐH.
Tìm kiếm thêm cơ hội
Tôi gặp Hoàng Thị An ở cổng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) ngay sau khi em kết thúc môn thi cuối cùng của đợt thi thứ hai, ngày 9 – 10/7/2011. An dự thi vào Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng, em cho biết: “Dù bài làm ở cả ba môn thi em đều khá hài lòng, song kết quả thì chưa biết thế nào. Bố mẹ và gia đình rất kỳ vọng vào em nhưng không gây áp lực nhiều. Mọi người thống nhất nếu năm nay không đỗ sẽ cho em ôn một năm nữa để sang năm thi tiếp”.
So với nhiều thí sinh dự thi đại học khác mà tôi từng tiếp xúc, An là một trong những thí sinh may mắn vì không phải chịu sức ép từ gia đình. Em Lê Viết Thái quê ở xã Thái Hòa (Ba Vì – Hà Nội), dự thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân tỏ ra rất buồn vì làm bài không tốt. “Bố mẹ em chỉ làm ruộng, phải lo cho 3 con ăn học. Em là con cả, học lực lại kém nên bố em bảo nếu năm nay không đỗ thì về quê phụ giúp bố mẹ để tạo điều kiện cho các em đi học. Lúc đầu khi nghe bố nói thế em rất buồn. Nhưng em thấy ở quê, nhiều người không học đại học, nhờ chăm chỉ làm ăn hoặc theo học nghề vẫn có thể làm giàu nên có phần vững tâm hơn”, Thái chia sẻ.
Cha mẹ nên đóng vai trò định hướng
Ông Phùng Văn Ngọc ở xã Quảng Lãng (Ân Thi – Hưng Yên) cho biết: “Tôi có 3 con, hai đứa lớn học hết lớp 12 dự thi đại học không đỗ, nay đã vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Phố Nối. Cô út học khá hơn nên tôi động viên cháu cố gắng hết sức và xác định tư tưởng nếu không đỗ đại học thì sẽ về quê học nghề để đi làm công nhân. Tôi nghĩ, với những học sinh ở vùng quê nghèo, nếu không đỗ đại học thì con đường học nghề là thuận lợi nhất”.
Cùng chung tâm trạng với ông Ngọc, ông Lương Văn Châu ở xã Luận Khê (Thường Xuân – Thanh Hóa) cũng mong muốn nếu con trai không đỗ đại học sẽ theo học trường nghề tại tỉnh nhà. Ông Châu than thở: “Để có tiền đưa con đi thi đợt này, tôi đã phải bán một con bê. Cầm mấy triệu bạc lên Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ nên thi xong thì tiền bán bê cũng cạn. Ở quê tôi nhiều cháu theo học nghề điện, hàn, mộc…, về mở cửa hàng có việc làm và thu nhập khá ổn định. Hơn nữa, nếu cháu theo học trường nghề trong tỉnh, gia đình có thể gửi gạo, thức ăn thường xuyên, chi phí thuê nhà trọ, điện nước cũng đỡ hơn Hà Nội rất nhiều”.
Hiện nay, không ít phụ huynh và học sinh quan niệm, nếu không thi đỗ đại học đồng nghĩa với việc con đường vào đời của các em rất chông gai, vất vả. Thế nhưng, thực tế cho thấy, với nhiều học sinh không vào đời bằng con đường đại học, các em vẫn tự tin với trường nghề. Vấn đề mấu chốt là, ngoài nhận thức của học sinh, chính giáo viên, phụ huynh phải là những người đóng vai trò định hướng, hỗ trợ các em. Cha mẹ không nên gây áp lực buộc phải đỗ với con cái trước mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng mà nên định hướng để con em theo học trường nghề với nhiều ngành nghề phù hợp với ước mơ, sở trường. Làm tốt được việc này, gia đình không chỉ san sẻ gánh nặng cho nhà trường và xã hội, mà còn giúp con em mình có tương lai tươi sáng hơn.
Theo Quỳnh Chi
(KTNT) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)