Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mượn nhà dân làm lớp học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là thực trạng lâu nay tại điểm trường thôn Tà Ry (xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) nằm giữa bốn bề núi rừng.
Lớp mẫu giáo thôn Tà Ry, cô trò phải nằm bò ra học – Ảnh: N.T

Thôn Tà Ry là thôn tái định cư mới lập, chênh vênh giữa miệng vực xói lở sau bão lũ.

Thôn có ba lớp : một lớp mẫu giáo, hai lớp ghép 1-2 và 3-4 do 3 giáo viên đang đứng lớp. Trong đó lớp mẫu giáo và lớp ghép 3-4 phải học nhờ ở nhà dân.
Lớp mẫu giáo do cô giáo Bhling He giáo viên người dân tộc Cơtu đứng lớp với 10 em nhỏ, phải mượn nhờ nhà gia đình anh Bhling Lươu làm nơi dạy học.
Cả cô và trò nằm, bò học viết chữ cái trên chiếc chiếu trải ở nhà, dụng cụ dạy học chỉ là bộ chữ cái và con số. Đồ chơi cho trẻ hầu như không có. “Sắp tới đây anh Lươu làm nhà mới, cả cô và trò chưa biết học ở đâu”, cô He phân vân
Cách lớp mẫu giáo hai căn nhà sàn là lớp ghép với 8 học sinh lớp 3 và lớp 4 do cô Nguyễn Thị Mỹ Hoa (32 tuổi) đứng lớp.
Trong căn nhà chật chội, được giáo viên kê hai dãy bàn, chia đôi bảng học với hai chương trình học. Học sinh lớp 3 đang học chính tả, lớp 4 đang học phép nhân chia, mình cô Hoa phải xoay xở hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của học sinh.
Duy chỉ 12 em học sinh lớp 1 và 2 học ở phòng học riêng được bà con dân làng dựng lên bằng gỗ từ khá lâu nằm ở cuối thôn. Phòng học cũng đã dột nát.
Bên cạnh lớp học này là 3 dãy phòng học đang được xây dựng nhưng đã bị bỏ dở nhiều năm nay, chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Cũng do cách trở nên trang thiết bị dạy học tại các điểm trường đều hết sức thô sơ, tất cả đều do giáo viên tự trang bị lấy. Hàng ngày, những nữ giáo viên như Lê Thanh Thị Tân, Nguyễn Thị Mỹ Hoa, Đinh Thị Thanh Tâm băng rừng lội suối để vào thôn dạy học.
Hầu hết giáo viên bám trụ tại các điểm trường nhỏ lẻ này đều là giáo viên trẻ. “Giáo viên trẻ lên đây ai cũng đi xe đường rừng giỏi hết”, thầy Lê Văn Cảnh, giáo viên thể dục, tâm sự.
Mùa mưa, đường lầy lội, để vào được trường giáo viên phải mất gần 2 giờ đồng hồ đi bộ. Nhiều hôm mưa gió lớn, thầy cô phải ở trọ lại nhà dân để sáng hôm sau lên lớp.
Thầy Nguyễn Tín – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Lăng, cho biết “Nếu đưa học sinh các điểm trường ra trường chính, nhiều em sẽ nghỉ học vì đường sá cách trở, nhà trường lại chưa có đủ chỗ nội trú cho học sinh. Giáo viên trong trường chỉ biết động viên nhau để cùng vượt qua khó khăn thôi”.
Nguyễn Thành/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)