Mấy tháng trước, ở trường A đã xảy ra một việc làm đau đầu ban giám hiệu và gây bức xúc trong giáo viên. Em B. là học sinh từ nơi khác chuyển về, được vào học lớp cô C. Mọi người đều dễ dàng nhận thấy em có vẻ chậm chạp so với các bạn lớp 3 cùng trang lứa. Ngay tuần đầu tiên vào học, mẹ em B. đã đến gặp cô C. để kể về hoàn cảnh gia đình đơn chiếc chỉ có hai mẹ con, chị phải buôn bán cả ngày không có nhiều thời gian chăm sóc con và nhờ cô sau giờ học chiều (B. học bán trú) chở em về nhà cho ăn uống giúp, dạy thêm cho em luôn, xong phụ huynh sẽ đến rước. Là cô giáo trẻ, độc thân, thương học trò và hoàn cảnh của phụ huynh nên cô đồng ý. Chiều nào cô C. cũng chở B. về nhà tắm rửa, cho ăn uống rồi dạy thêm. Dạy xong là 19 giờ, nhưng ngày nào cũng đến 20-21 giờ vẫn không thấy phụ huynh đến đón con, cô C. phải điện thoại gọi thì phụ huynh mới đến. Hơn một tháng như thế, muốn đi đâu cô cũng không đi được vì phải chờ phụ huynh đến đón, nhắc nhở thì mẹ em B. nói “mong cô thông cảm vì quá bận”. Đã thế, tiền học thêm thì phụ huynh đóng cho cô, còn tiền ăn chiều thì phụ huynh cứ làm lơ mà cô lại ngại nhắc. Thời gian về sau, gia đình có việc, cô C. nói với em B. rằng không thể chở về nhà mỗi chiều được nữa. Hôm sau, em nghỉ học, mẹ em gọi điện đến báo rằng em ăn cắp tiền của mẹ để “cống nạp” cho một bạn ở lớp, nhờ cô truy xét giúp. Cô giáo truy tìm mọi cách nhưng không một bằng chứng nào, không một học sinh nào biết chuyện ấy. Mẹ em B. liên tục gọi điện cho cô C. yêu cầu xử lý, cô trả lời không xử được vì không đủ chứng cứ và em học sinh bị cho là trấn lột bạn lại là học sinh ngoan hiền mà cả trường đều biết. Sau đó, bất ngờ mẹ em B. đến trường kiện cô C. với những lý do: ép cháu B. học thêm, đánh vào đầu, chửi mắng em mỗi ngày dẫn đến khủng hoảng tâm lý phải đi bác sĩ tâm lý điều trị… Cô C. sửng sốt trước những lời tố cáo. Nhà trường tìm hiểu và thấy rằng nội dung thưa kiện của phụ huynh là không chính xác nhưng theo nguyện vọng, nhà trường đã chuyển em B. sang lớp khác. Mẹ em B. vẫn không chấp nhận, tiếp tục kiện lên phòng GD-ĐT. Sự việc kéo dài vì đến đâu mẹ em B. cũng nhất quyết là mình nói đúng sự thật. Cuối cùng, dù rất thông hiểu sự hàm oan của cô C. nhưng cô vẫn bị xử lý cắt thi đua năm học vì dạy thêm trái với quy định của ngành và có gõ đầu em B. một cái khi em lơ đễnh không tập trung học.
Sau sự việc đó, cô C. tâm sự: “Em thấy mình quá thật thà, để phụ huynh lợi dụng quá mức. Đến khi không lợi dụng được nữa thì đặt điều vu khống, hại em mất cả danh dự. Bây giờ, mỗi lần tiếp xúc với phụ huynh, em luôn có cảm giác không an tâm, sợ gặp phải người dối trá như mẹ B. Em chán cái bạc bẽo của nghề giáo, có lẽ em sẽ chuyển sang nghề khác chứ đến lớp mà mang tâm trạng thế này thì làm sao dạy dỗ được học sinh”. Những ngày gần đây, mẹ em B. lại đến trường phê phán cô D. (cô giáo lớp học mà em mới chuyển sang) không quan tâm đến em, phân biệt đối xử qua những việc linh tinh mà cô không để ý. Cô D. lại lo lắng, không an tâm dạy vì không biết khi nào mình sẽ trở thành “nạn nhân thứ 2”. Cả trường ngán ngẩm. Với những phụ huynh không trung thực, “cá biệt” như thế, liệu đứa trẻ như B. có phát triển được một cách bình thường không? Các giáo viên dạy em có thể an tâm giảng dạy không? Ai sẽ bênh vực các thầy cô trong những trường hợp như vậy vì khi giải quyết cái lý thì rất rõ nhưng cái tình nhiều uẩn khúc thì ai thấu hiểu? “Muốn sang thì bắc cầu kiều…” liệu có còn không?
Lê Phương Trí
Bình luận (0)