Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Muốn tăng giá điện phải công khai và chịu kiểm soát

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, dù Quyết định 24 (về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường) có hiệu lực nhưng doanh nghiệp muốn tăng sẽ phải qua các khâu kiểm soát, phải công khai, còn giảm thì EVN được phép giảm và không phải xin phép.

– PV: Thưa Phó Thủ tướng, Quyết định 24 có hiệu lực nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa được chủ động trong vấn đề giá và có ý kiến giá điện sẽ phải tăng 8 lần từ nay đến 2013 để đủ bù đắp những khó khăn về tài chính. Phó Thủ tướng lý giải ra sao về vấn đề này?

Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI: Để từng bước thực hiện theo Quyết định 24, tới đây Bộ Công thương sẽ phải công bố công khai toàn bộ hoạt động, giá thành và kiểm toán của EVN, từ đó, sẽ rõ lỗ, lãi thế nào, yếu tố nào được tính vào giá thành hoặc không… theo đúng quy định. Còn về vấn đề tăng giá bao nhiêu lần đó là đề xuất của doanh nghiệp và họ căn cứ trên cơ sở cân đối của họ vì nguồn vốn đầu tư cho điện còn rất lớn. Hiện nay cân đối vốn cho các nhà máy đang xây dựng dở dang là hết sức khó khăn và đe dọa đến tình trạng cấp điện cho những năm tiếp theo. Việc cân đối, quyết định giá điện, thực hiện thế nào đã có Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi lần quyết định giá sẽ phải có sự xem xét của các bộ, ngành có liên quan và những trường hợp thì phải Thủ tướng quyết định chứ không phải doanh nghiệp muốn tăng giá thêm 8 hay 10 lần mà được. Bên cạnh đó, vì nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn và mục tiêu của Chính phủ là phải ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Nếu không cân đối cả hai mục tiêu này một lúc thì vẫn không đạt được kết quả mong muốn.

Lắp đặt máy biến thế mới tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

– Nhưng để EVN lỗ lớn, kéo dài sẽ gây ra sức ép rất lớn cho tập đoàn này trong việc huy động vốn?

Chính vì vậy trong tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp tới đây phải làm rất mạnh khu vực ngành điện. Thứ nhất, tái cơ cấu đầu tư thì phải thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện, phải làm mạnh nữa vì tỷ lệ hiện vẫn còn thấp. EVN vẫn chiếm 64% hệ thống mà tăng trưởng yêu cầu hàng năm phải cần 4.000 – 4.800 MW. Nếu tính như vậy, nguồn vốn cần cỡ khoảng 8 tỷ USD. Với số tiền đó mà chỉ nhìn vào khả năng cân đối của doanh nghiệp thì không cách gì đủ. Thứ hai là phải tái cơ cấu doanh nghiệp. Và để làm được điều đó, Thủ tướng ra quyết định là trước mắt phải thành lập 3 tổng công ty phát điện trong EVN. Sau này khi các doanh nghiệp này hoạt động ổn định, phát triển thêm thị trường điện nữa rồi thì cổ phần hóa để đưa ra cạnh tranh và thu hút vốn. Thứ ba là phải cải cách hệ thống giá điện. Nếu nền kinh tế ổn định thì việc điều chỉnh sẽ tốt hơn nhưng nếu khó hơn thì làm từng bước và trong lúc đi từng bước sẽ có những khó khăn trong việc huy động vốn.

– Thưa Phó Thủ tướng, liệu từ nay đến cuối năm có biến động về giá điện hay không?

Quyết định 24 đã ra và chủ trương đưa giá điện dần dần tiệm cận theo thị trường, đồng thời phải hình thành thị trường điện cạnh tranh, ít nhất đầu tiên ở khâu phát điện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá phải có sự kiểm soát của các bộ, ngành. Tức là doanh nghiệp được quyết định nhưng phải được cơ quan nhà nước kiểm tra đồng ý, còn nếu giảm thì không phải xin phép. Đúng là EVN đã được quyết định giá rồi nhưng do nền kinh tế năm nay phải hướng tới kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nên dựa trên các yếu tố đó thì thời gian vừa qua giá điện vẫn chưa điều chỉnh được. Thủ tướng cũng đã quyết định trong tháng 11 này cũng vẫn chưa điều chỉnh gì. Trước mắt, như tôi đã nói, theo Quyết định 24, Bộ Công thương phải công khai hóa kết quả kiểm toán cũng như tính toán giá thành của EVN để toàn bộ xã hội, khách hàng được biết. Chưa làm những việc đó thì điều chỉnh giá điện là không hợp lý.

Hà My ghi

Chính thức phát điện cạnh tranh từ 1-1-2012

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có kết luận về thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, để đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ 1-1-2012, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần chuẩn bị kỹ về mặt kỹ thuật, pháp lý… Đặc biệt, Bộ Công thương cần thực hiện thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 3 tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngay trong tháng 11 này. Đồng thời, trong tháng 11-2011, Bộ Công thương phải hoàn thành Đề án thành lập Hội đồng điều tiết điện lực quốc gia; hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt phương án điều tiết khí năm 2012, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn khí, công bằng, minh bạch giữa các khách hàng sử dụng khí; tổ chức kiểm tra, giám sát việc cung cấp khí cho sản xuất điện, có biện pháp chế tài cần thiết đối với các trường hợp không tuân theo sự điều hành của tổ chức có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN hoàn thành việc lập kế hoạch vận hành thị trường phát điện cạnh tranh 2012, trình Bộ Công thương xem xét, phê duyệt trước ngày 15-11-2011; đồng thời, thực hiện các giải pháp cần thiết để hoàn thành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin theo sơ đồ tối thiểu, kết nối với các nhà máy điện ngoài tập đoàn. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 15-12…

L.Nguyên

Theo SGGP

Bình luận (0)