Trong cuộc sống, nếu không biết dung hòa giữa cái riêng (cái tôi) và cái chung (chúng ta) thì sẽ khó thành công. Đó là khẳng định của các diễn giả trong buổi nói chuyện với học sinh về chủ đề “Tôi và chúng ta” do Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao đổi với các em học sinh Trường THPT Vĩnh Viễn tại buổi nói chuyện
Mở đầu buổi nói chuyện, nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ: Chủ đề “Tôi và chúng ta” được nhắc đến từ 35 năm trước. Lúc bấy giờ (năm 1984), nhà biên kịch Lưu Quang Vũ viết vở kịch Tôi và chúng ta. (Nội dung chính của vở Tôi và chúng ta phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt về lề lối hoạt động sản xuất giữa 2 quan điểm bảo thủ và tư duy đổi mới trong xí nghiệp Thắng Lợi – PV). Xã hội lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn do cơ chế bao cấp, luôn đề cao cái chung, tập thể, sự thất bại hay thành công đều do tập thể quyết định. Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã mạnh dạn đề cao cái tôi, cá nhân trong vở kịch này. Từ đó, nhà văn Đoàn Thạch Biền đúc kết: Trong tác phẩm của tôi, người ta bảo nhân vật của tôi phải thế này, phải thế kia nhưng tôi vẫn giữ cái tôi của mình. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng thể hiện mình trong cái tôi đó nhưng cũng không tách biệt khỏi cái chung.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng “Tôi và chúng ta” là đề tài muôn đời, là quan hệ tế nhị và khéo léo, nếu xử lý không đúng cuộc đời của chúng ta sẽ khác. Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người quan tâm đến câu “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Song, thực tế họ cảm thấy bị thiệt thòi khi mình đã vì cái chung. Từ đó, một bộ phận lại xuất hiện quan điểm khác – “chủ nghĩa mackeno”, tức “mặc kệ nó”. Theo đó, cá nhân chỉ biết sống cho bản thân mình, lo thu vén mặc kệ xung quanh và tất nhiên quan điểm lệch lạc này bị xã hội lên án gay gắt.
Em Nguyễn Thị Mai Hương (lớp 10A2) đặt câu hỏi với các diễn giả
“Nhiệm vụ của các em là siêng năng học tập, mai này trưởng thành, có việc làm đóng góp cho xã hội, dù rất nhỏ bé. Đừng bao giờ nghĩ đến cái tôi mà hãy nghĩ đến người khác”, nhà văn Nguyễn Đông Thức nói. |
Đề cập đến chủ đề “Tôi và chúng ta”, em Nguyễn Thị Mai Hương (lớp 10A2) lập luận: “Trong một tập thể lớp, lớp trưởng là lãnh đạo, vậy những gì lớp trưởng nói mọi người phải nghe theo. Như vậy cái tôi ở đâu?”. Với vấn đề này, nhà văn Đoàn Thạch Biền trả lời: Làm bất cứ điều gì, lớn hay nhỏ mà chỉ một vài người ủng hộ cũng khó thành công. Ở đây ý kiến của lớp trưởng là ý kiến đại diện cho tập thể, được tập thể ủng hộ, vì vậy đừng vì cái tôi mà ảnh hưởng đến cái chung. Một học sinh khác đặt câu hỏi: “Như nhà văn đã nói, phải biết dung hòa cái tôi và chúng ta, vậy liệu có đánh mất bản chất của cá nhân?”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền khẳng định: Trong tập thể, em tôn trọng ý kiến của số đông, việc gì cũng phải cùng nhau bàn luận, tìm ra cái chung nhất. Cùng nhau tham gia ý kiến cũng là cách thể hiện cái tôi của mình.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức trao đổi thêm: Biết nghĩ đến người khác là tinh thần mà chúng tôi mong muốn các bạn trẻ phải hướng đến. Cuộc sống có rất nhiều thứ phải lo, song cốt yếu là những gì tốt đẹp để lại cho nhau. Nhiệm vụ của các em là siêng năng học tập, mai này trưởng thành, có việc làm đóng góp cho xã hội, dù rất nhỏ bé. Đừng bao giờ nghĩ đến cái tôi mà hãy nghĩ đến người khác”. Ở một góc nhìn khác, TS. Trần Ngọc Khánh (Trưởng bộ môn văn hóa, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng học để trưởng thành, để duy trì tình bạn, giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò, gia đình cũng là đã thể hiện cái tôi và chúng ta. “Cần khẳng định cái tôi của mình nhưng cũng đừng đánh mất cái chung, bởi cái tôi có phần chủ quan”, TS. Trần Ngọc Khánh đưa ra lời khuyên. Em Hải Yến (học sinh lớp 12) bày tỏ: “Buổi nói chuyện về chủ đề “Tôi và chúng ta” tuy ngắn nhưng các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm sống, về các mối quan hệ. Hy vọng đây sẽ là hành trang để chúng em thiết lập tốt các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo và người thân, đặt mình sau cái chung để tránh xung đột không đáng có.
T.An
Bình luận (0)