Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Muốn tỏa sáng phải chọn đúng ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học một ngành có thể làm được nhiều nghề, nhưng muốn tỏa sáng, vươn xa hơn nữa trong nghề thì bản thân phải chọn đúng ngành.

Đây là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 vừa diễn ra tại Trường THPT An Lạc (Q.Bình Tân). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.


ThS. Vũ Quang Huy (Giám đốc tuyển sinh khu vực, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT An Lạc

Đa dạng ngành nghề, cơ sở đào tạo

Mở đầu chương trình tư vấn, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đã gửi đến các em học sinh nhiều thông tin quan trọng, bổ ích về việc lựa chọn ngành nghề. TS. Mai cho biết ĐH không phải là con đường duy nhất vì còn nhiều hướng đi khác nhau đa dạng ngành nghề, cơ sở đào tạo. Cụ thể, đối với học nghề, ước tính hiện có khoảng 2.000 cơ sở đào tạo, gần 900 ngành nghề; bậc CĐ có hơn 200 cơ sở đào tạo, khoảng 600 ngành nghề; bậc ĐH có hơn 235 cơ sở đào tạo, khoảng 400 ngành nghề. Với số liệu này, TS. Mai kết luận: “Bậc học càng cao thì số lượng cơ sở đào tạo và ngành nghề càng giảm. Vì bậc học được ví như những bậc thang thăng tiến. Học càng cao giúp chúng ta có tư duy, góc nhìn bao quát, nhạy bén hơn nhưng cũng khiến bản thân gặp không ít cạnh tranh. Do đó, nếu chúng ta cảm thấy không có khả năng học lên cao thì vẫn có thể chọn hướng đi khác phù hợp với đam mê, năng lực…”.

 


TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đang hướng dẫn học sinh Trường THPT An Lạc cách lựa chọn ngành nghề


TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cùng học sinh Trường THPT An Lạc tham gia một trò chơi liên quan đến định hướng nghề nghiệp

Trước sự đa dạng về ngành nghề, em Tú Linh (học lớp 12A2) băn khoăn: “Em muốn học ngành ngôn ngữ Trung Quốc nhưng không biết ngành này có yêu cầu chứng chỉ đầu vào không?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết ngôn ngữ Trung Quốc là một trong những thế mạnh của trường. Với ngành này, người học được đào tạo theo chương trình song ngữ, được học tập trong môi trường quốc tế năng động, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn nhằm giúp sinh viên có thể cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Với ngành này, trường không đòi hỏi sinh viên phải biết trước tiếng Trung Quốc hoặc yêu cầu chứng chỉ. Thay vào đó trường chỉ cần sinh viên đạt đủ điểm đầu vào theo tổ hợp môn và phương thức xét tuyển mà mình đã chọn. “Ngành này đòi hỏi khá cao: phát âm chuẩn, sự kiên trì, nhẵn nại, có khả năng giao tiếp tốt… Sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể làm nhiều việc như phiên dịch, giảng dạy, kinh doanh, du lịch…”, ThS. Nguyên cho biết.

Nên chọn ngành phù hợp với năng lực

Tiếp tục chương trình, trả lời câu hỏi của em Thùy Trang (học lớp 12A9) về ngành quản trị kinh doanh và marketing, ThS. Phạm Doãn Nguyên phân tích: Ngành quản trị kinh doanh đào tạo tổng hợp nhiều kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thị trường thông qua các môn học kế toán, quản trị marketing, quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản trị chuỗi cung ứng… Còn ngành marketing tập trung đào tạo những kiến thức liên quan đến truyền thông, quảng cáo. Marketing là hình thức không thể thiếu trong kinh doanh và có mối quan hệ mật thiết với quản trị kinh doanh. Do đó, khi học ngành quản trị kinh doanh ra trường vẫn làm được marketing và ngược lại. “Hai ngành này có nhiều trường đào tạo như: ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Ngoại thương TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM… Tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ngành quản trị kinh doanh và marketing được đào tạo song ngữ; trong quá trình học, sinh viên còn có điều kiện thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ra trường đủ năng lực làm việc ở các công ty lớn”, ThS. Nguyên thông tin.


Một nữ sinh Trường THPT An Lạc đang nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc

Tại chương trình, em Thùy Ngân (học lớp 12A3) hỏi: “Khi học ngành quản trị nhà hàng – khách sạn, sinh viên được ưu tiên học thực hành hay lý thuyết?”. Theo ThS. Vũ Quang Huy (Giám đốc tuyển sinh khu vực, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), với ngành quản trị nhà hàng khách sạn, sinh viên được học 40% lý thuyết, còn lại là phần thực hành, mô phỏng thực hành tại trường. “Đây là một ngành đặc thù nên trong quá trình học, sinh viên sẽ được học tập tại các doanh nghiệp, được học kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng và những kiến thức liên quan đến quản trị kinh doanh, tài chính, nhân sự”, ThS. Huy thông tin.

Trước câu hỏi của em Gia Nghi (học lớp 10A6) về ngành tâm lý học của Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM), chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho biết ngành tâm lý học được ứng dụng vào nhiều công việc khác nhau. Người học ngành này không chỉ có kiến thức vững vàng mà còn phải biết yêu thương con người. Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) là một lợi thế cho người học ngành tâm lý học trong việc đọc, tìm hiểu tài liệu phục vụ cho công việc. “Việc lựa chọn ngành nghề không chỉ phụ thuộc vào sức học mà đòi hỏi người học phải có tố chất, kỹ năng, đam mê, nhiệt huyết… Chính vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh chọn sai ngành nghề”, bà Thảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Bình luận (0)