Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Muốn trẻ ngoan, người lớn phải sống tốt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Muốn giúp học sinh biết cách điều tiết cảm xúc trong ứng xử ở nhà trường và ngoài xã hội, tránh bạo lực học đường và lối sống tiêu cực thì người lớn phải là tấm gương, phải sống tốt.

 
Kinh nghiệm ấy đã được khách mời là GS.TS Trần Văn Khê, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý (giảng viên học viện Hành chính quốc gia) và ông Vương Thanh Long (giám đốc marketing công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn) sẻ chia trong buổi giao lưu trực tuyến Văn hoá ứng xử học đường kéo dài hơn hai giờ đồng hồ do báo Sài Gòn Tiếp Thị và công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn phối hợp tổ chức sáng 2.6.
Những bức xúc của thế hệ học trò mới
GS.TS Trần Văn Khê: Mỗi người đều nghĩ đến trách nhiệm của mình, mỗi người cố gắng một chút, dằn cái ta, bỏ cái ngã đi để nghĩ đến mọi người thì hy vọng năm mười năm nữa, những ứng xử lệch chuẩn sẽ mất đi.
Những cách hành xử bạo lực, thiếu văn hoá của người trẻ ở chốn học đường thời gian gần đây đã tạo ra sự bất an cho những bậc cha mẹ, cho cộng đồng. Những câu hỏi liên tục được đặt ra cho các vị khách mời từ 100 bạn đọc có mặt tại khán phòng cũng như hàng trăm thư điện tử gửi qua mạng nói lên điều đó. Và bài toán văn hoá ứng xử học đường được “giải” khi mỗi người góp một ý luận bàn, như mong muốn của GS Trần Văn Khê từ đầu chương trình: “Câu chuyện không phải là độc thoại của chúng tôi mà đối thoại với tất cả các bạn có mặt tại đây cũng như không trực tiếp ngồi đây”.
Đại diện cho “phe” học sinh là Trần Nguyễn Huy Tú, với câu chuyện bản thân: “Em đến trường hay bị bạn bè uy hiếp, đánh đập, hăm doạ vì tính em rất hiền. Em không dám mách thầy cô, vì như thế lại càng bị các bạn chọc phá”. Biện pháp duy nhất để cậu thoát khỏi tình trạng bị ăn hiếp là trốn chạy. Một học sinh THPT khác cũng kể về những hành xử giang hồ của bạn bè, sự hăm doạ của nhóm bạn. Từ câu chuyện của các bạn trẻ, các bạn đọc đại diện cho tầng lớp “bô lão” cũng chỉ ra những thói hư tật xấu hay lối sống lệch lạc của người trẻ như bỏ học đi chơi game, chửi thề, vô lễ với phụ huynh và thầy cô… Trong những bức xúc chung ấy, điều khiến người lớn giật mình là chưa có biện pháp hữu hiệu, rốt ráo để giải quyết những bất thường trong môi trường học đường. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra như mâu thuẫn từ trong gia đình, áp lực của việc học, mặt trái của thời ăn no mặc ấm nhưng đời sống tinh thần của người trẻ lại ít được quan tâm, là rào cản giữa các mối quan hệ thầy – trò, cha mẹ – con cái…
GS Trần Văn Khê đưa ra những trải nghiệm bản thân, những so sánh để thấy sự bất thường trong môi trường sống của người trẻ. Giáo sư cho rằng: “Học sinh thời xưa cũng quậy nhưng lại rất tôn trọng tình thầy trò. Còn văn hoá ứng xử giữa thầy và trò hiện nay có phần đảo lộn”. ThS Phạm Thị Thuý cũng đề cập thực trạng ứng xử của người trẻ trong trường học và ở nhà, bà cho rằng con cái cần nhất ở cha mẹ là sự yêu thương và khi có một tổ ấm thực sự thì những ứng xử lệch chuẩn của trẻ sẽ bị triệt tiêu.
Th.S xã hội học Phạm Thị Thuý: Một trong những nguyên nhân làm các em học trò ở tuổi dậy thì hiện nay có hành vi bạo lực là đời sống tình cảm gia đình. Khi gia đình không còn là tổ ấm mà là “tổ lạnh”, con cái chứng kiến cha mẹ cãi cọ nhau thì thất vọng vô cùng, chán sống, chán học và mang bức bối đó ra ngoài xã hội.
Người lớn phải sống tốt
Từ những thực trạng và nguyên nhân ấy, các vị khách mời phân tích khi những hành xử, lối sống của những người lớn xung quanh tốt thì đó sẽ là tấm gương phản chiếu để trẻ học điều hay, lẽ phải, biết kiểm soát bản thân. GS Trần Văn Khê cho rằng muốn loại bỏ bạo lực học đường và những hành vi xấu, cái gốc gia đình nơi các em sinh ra cần được chăm bón kỹ lưỡng: “Ông bà nói “thương cho roi cho vọt”. Tôi không đồng ý chuyện thầy cô đánh học trò, đừng nên tạo thêm sự phẫn uất”. Theo ThS Phạm Thị Thuý, trong bắt lỗi, sửa lỗi cho học trò cũng phải có tình có lý, không nên cứng nhắc: “Trong đó, cách khen tốt nhất là khen chỗ đông người nhưng nếu chê trách thì phải tế nhị bởi việc đưa những học trò lỡ vi phạm nội quy lên cột cờ để chê trách thì không những không giúp những em này rút ra bài học mà lại gây tổn thương, dẫn đến hành vi bất chấp”.
Các khách mời thống nhất quan điểm cách giáo dục dù ở trường hay ở nhà thì cũng đều hướng các đối tượng như cha mẹ – con cái, thầy cô – học sinh đến một mục tiêu tối thượng: sự thấu hiểu, sự sẻ chia giữa con người với nhau. Để đạt tới mục tiêu ấy, đòi hỏi rất lớn ở những người làm cha mẹ, thầy cô các điều kiện như kiến thức về con người, sự bao dung và tình thương sâu sắc.
Theo SGTT.VN
BÊN LỀ
Hất chụp chặt xô…
GS Trần Văn Khê kể rằng ông có một cô cháu gái đang học ở nước ngoài và hay bị mấy bạn cùng lớp bắt nạt, khi thưa lên thầy cô thì không được giải quyết. Vì vậy ông ngoại chỉ cho cô cháu gái mấy chiêu võ tự vệ. Sau đó cô cháu gái cám ơn ông ngoại rối rít vì sau khi luyện được bí kíp “hất chụp chặt xô”, mấy bạn quậy không dám bén mảng nữa.
Tự tin bằng… âm nhạc
Gần kết thúc hội thảo, Th.S Phạm Thị Thuý chia sẻ một trong những bí quyết giúp chị tạo sự tự tin cho học trò mình là âm nhạc. Chị không ngần ngại hát tặng ca khúc Tôi tự tin: “Đừng nói tôi khác biệt khi tôi là chính tôi. Đừng nói tôi màu mè khi tôi riêng một sắc màu. Đừng nói tôi chơi trội, chỉ là tôi cá tính thôi. Hãy nói tôi tự tin vì tôi tự tin là chính tôi…”
  

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)