Thật phi lý nếu chúng ta đòi hỏi sự sáng tạo trong hoạt động học của học sinh nhưng lại chấp nhận những rập khuôn trong hoạt động dạy của người thầy. Thế nên, để kỳ vọng vào tính mới trong tư duy của người học, tất yếu phải yêu cầu đến tính mới trong nghiệp vụ sư phạm của người dạy. Để học sinh sáng tạo trong việc cảm nhận các tác phẩm văn học, đừng chỉ giới hạn cho các em trong việc đọc – chép các phê bình của những chuyên gia nghiên cứu hay phương thức kịch hóa tác phẩm văn học. Học sinh hoàn toàn có thể liên kết văn chương với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác mà các em yêu thích và có sở trường. Đó có thể là một bức tranh lấy ý tưởng từ một câu chuyện tiểu thuyết. Đó có thể là một bản nhạc được các em sáng tác khơi nguồn từ một bài thơ. Đó có thể là đa dạng các tác phẩm phát sinh từ tác phẩm ban đầu như một bức vẽ manga, một video clip hài hước, một mô hình kiến trúc mini với bối cảnh là không gian câu chuyện trong tác phẩm văn học…
Để học sinh sáng tạo trong việc ứng dụng các lý thuyết toán học, vật lý hay hóa học, sinh học, đừng chỉ giới hạn các em trong phương thức nghiên cứu, yêu cầu tạo ra sản phẩm nghiên cứu trừu tượng. Chỉ cần đơn giản là để các em ứng dụng lý thuyết vào các hoạt động thực tiễn trong cuộc sống. Có thể để học sinh miêu tả, kể lại những trường hợp ví dụ minh họa các tình huống xảy ra hằng ngày khi có áp dụng hiểu biết của môn học để chứng minh rằng nếu không có những kiến thức thường thức ấy thì việc giải quyết vấn đề sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, muốn học sinh sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức lịch sử, địa lý, hãy để các em được tự do lựa chọn các chủ đề, chủ điểm nội dung yêu thích và trình bày quan điểm của cá nhân theo hướng tích cực. Các hình thức thảo luận, thậm chí là tranh luận sẽ thúc đẩy sự quan tâm, gia tăng cảm hứng học tập đối với người học…
Quả thực, ngày nay người dạy phải luôn sáng tạo nhằm gợi mở, tạo cảm hứng học tập cho học sinh, giúp các em phát huy trí tưởng tượng, khuyến khích các em tự khám phá, tự trải nghiệm, tự lĩnh hội kiến thức thông qua hoạt động dạy và học sáng tạo. Cuối cùng, để thầy cô giáo có thể thỏa sức sáng tạo thì cũng cần loại bỏ những rào cản không đáng có từ những cơ chế lạc hậu, lối mòn trong các hoạt động quản lý giáo dục. Sự chung tay của các bên liên quan nhằm hướng đến mục tiêu chung là hết sức cần thiết.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)