Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược đã đề ra, giai đoạn hiện nay TP.HCM chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp (CN) là động lực, chuyển đổi số là đột phá, hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu. Về vấn đề chuyển đổi CN tại TP.HCM, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chỉ ra những định hướng ưu tiên cần có…
Ngành công nghiệp – xương sống của kinh tế TP.HCM
Đây là khẳng định của ông Bùi Đào Thái Trường – Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam.
Theo ông Trường, từ năm 2010 đến 2023, mặc dù tỷ trọng đóng góp vào kinh tế của ngành CN giảm, nhưng CN vẫn là xương sống của kinh tế TP.HCM. Đặc biệt trong lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghệ cao; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, tạo nền tảng cho quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của TP.
Chiến lược phát triển CN trong tương lai của TP.HCM sẽ tập trung mạnh mẽ vào phát triển CN công nghệ cao, CN xanh và đổi mới sáng tạo, với mục tiêu trở thành trung tâm CN hàng đầu khu vực. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái CN hiện đại và các dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao để cạnh tranh toàn cầu.
Ông Trường đánh giá ngành bán dẫn Việt Nam dự kiến đạt 754 triệu USD, chiếm 0,1% toàn cầu và tập trung vào công đoạn biên lợi nhuận thấp. TP.HCM với vai trò trung tâm sản xuất điện tử, có tiềm năng thu hút ngành này. Tuy nhiên, để xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái vi mạch và bán dẫn, TP cần phát triển đồng bộ 4 yếu tố là: Tổ hợp sản xuất, năng lực R&D (nghiên cứu và phát triển bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc tạo ra sự đổi mới trong các dịch vụ, sản phẩm, quy trình hiện có hoặc phát hiện những cải tiến mới…), hạ tầng và hậu cần, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, tổ hợp sản xuất CN cao với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chu trình sản xuất và các công đoạn khác của chuỗi giá trị, hiện đã xuất hiện các doanh nghiệp thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm hàng đầu trên thế giới, có mức đầu tư lớn tại TP. Còn với doanh nghiệp nội địa, dù đã có những thành tựu nhất định trong khâu thiết kế chip phổ thông nhưng chưa có doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn có giá trị cao, có ý nghĩa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
TS.Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng, ưu tiên sắp tới là phát triển một số khu công nghệ cao chuyên về bán dẫn, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm và robot. Việc chuyển đổi CN cho TP.HCM sẽ xoay quanh 3 trọng tâm là chuyển đổi xanh – số – bền vững. Bên cạnh đó, nâng cấp các ngành, lĩnh vực hiện hữu và bố trí, cải thiện không gian phát triển.
Bốn ngành chiến lược cần được ưu tiên
Nói về lựa chọn các ngành CN chiến lược cần tập trung ưu tiên, ông Rich McClellan – Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu tại Việt Nam – cho rằng, là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP.HCM có vị thế độc đáo để tận dụng các thế mạnh hiện có, đồng thời bắt nhịp với các xu hướng CN toàn cầu.
Ông Rich McClellan gợi ý bốn ngành chiến lược cần được ưu tiên cho TP.HCM. Thứ nhất là ngành “điện tử và sản xuất công nghệ cao” – ngành này tận dụng cơ sở hạ tầng CN và lực lượng lao động lành nghề của TP.HCM, đưa TP trở thành trung tâm của khu vực.
Thứ hai là ngành “kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin” – tận dụng hệ sinh thái công nghệ đang phát triển sôi động của TP và lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ. Ngành này dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Thứ ba là ngành “năng lượng tái tạo và công nghệ xanh” – phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Ngành này mang đến cho TP.HCM cơ hội dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh.
Thứ tư là ngành “tài chính xanh” – ngành này hỗ trợ TP.HCM đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CN này, TP cần kết hợp các chính sách chung và chính sách riêng cho từng ngành. Trong đó, các chính sách chung tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tinh gọn thủ tục quản lý và đầu tư phát triển lực lượng lao động; đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và phát triển hệ thống phân loại xanh để định hướng cho các khoản đầu tư bền vững.
Theo ông Rich McClellan, chuyển đổi số là xu hướng đang đi đầu trong cuộc cách mạng CN với các công nghệ (như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và robot tiên tiến) đang cách mạng hóa các quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh. Những tiến bộ này làm giảm chi phí và góp phần triển khai các quy trình sản xuất chính xác, qua đó tái định hình các hoạt động CN toàn cầu.
“Đối với TP.HCM, việc tận dụng chuyển đổi số mang lại những cơ hội đáng kể để nâng cao vị thế là một trung tâm CN được thúc đẩy bởi công nghệ. Lực lượng lao động trẻ của TP và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang được nâng cấp tạo nên nền tảng vững chắc để thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực như điện tử, sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, TP.HCM cần phải giải quyết những thách thức hiện tại, bao gồm sự thiếu hụt các kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ cao và yêu cầu về các chương trình GD-ĐT kỹ thuật số toàn diện hơn. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực logistics và đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và công ty toàn cầu đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất đáng tin cậy”, ông Rich McClellan cho hay.
Cũng theo ông Rich McClellan, sự phát triển của tài chính xanh đang thúc đẩy dòng vốn vào các dự án đề cao tính bền vững môi trường. Đối với TP.HCM, xu hướng này mang lại cơ hội thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững, công nghệ xanh và tài chính xanh. Tuy nhiên, những yếu điểm về môi trường của TP.HCM (như ô nhiễm và ngập lụt) là những thách thức lớn. Do đó, TP cần có quy hoạch đô thị bài bản, quản lý môi trường, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và khuyến khích thị trường cho các sản phẩm tài chính xanh.
Việc xác định các ngành ưu tiên cho TP.HCM nên được tiến hành thông qua một đánh giá toàn diện dựa trên 3 tiêu chí: Tác động tổng thể của ngành đối với TP.HCM (gồm các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường); lợi thế cạnh tranh vốn có của TP trong các ngành; sự phù hợp của ngành với các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của quốc gia, địa phương.
Nhật Huy
Bình luận (0)