Mượn trường CĐ để thi “nhờ” CĐ? Không trúng tuyển vào ngành đã chọn thì có được xét vào các ngành khác? Ngành lâm sinh đồng bằng, kinh tế nông lâm đào tạo những gì? Thích chế tạo robot học trường nào?…
Thí sinh làm bài thi môn văn khối D tại điểm thi của Trường ĐH Mở TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng |
* Tôi đang học lớp 12, có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước. Tôi có nguyện vọng 1 vào Trường CĐ Y tế Đồng Nai nhưng trường này không tổ chức thi. Vậy tôi có thể mượn một trường CĐ có tổ chức thi khối B để dự thi không? Tôi có thể dự thi nhờ vào những trường CĐ nào ở phía Nam? (thu.ngoc159@…)
– Trường CĐ Y tế Đồng Nai tuyển sinh trong cả nước, nhưng trường này không tổ chức thi mà lấy kết quả thi ĐH năm 2009 của các thí sinh đã dự thi khối B theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển. Vì vậy, nếu có NV1 vào trường này thì bạn phải thi “nhờ” tại một trường ĐH có tổ chức thi khối B để xét tuyển.
Phần lớn các trường CĐ đều xét tuyển theo điểm thi vào ĐH, rất ít trường xét tuyển điểm thi của các trường CĐ. Ở phía Nam hiện có các trường CĐ sau có nhận hồ sơ thí sinh thi “nhờ” từ trường ĐH và cả trường CĐ gồm: CĐ Công nghiệp cao su, CĐ Cộng đồng Cà Mau, CĐ Giao thông vận tải 2, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Lương thực thực phẩm, CĐ Nông nghiệp Nam bộ, CĐ Y tế Cà Mau, CĐ Y tế Tiền Giang, CĐ Y tế Trà Vinh, CĐ Bách khoa Đà Nẵng, CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến, CĐ Lạc Việt, CĐ dân lập kinh tế kỹ thuật Đông Du Đà Nẵng, CĐ dân lập Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, CĐ Đông Á Đà Nẵng, CĐ tư thục Đức Trí, CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, CĐ Viễn Đông, CĐ Sư phạm Bình Dương, CĐ Sư phạm Bình Định, CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, CĐ Sư phạm Đà Lạt.
Các trường phía Bắc có thi “nhờ” cả ĐH và CĐ gồm: CĐ Công nghiệp Cẩm Phả, CĐ Công nghiệp hóa chất, CĐ Công nghiệp Hưng Yên, CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại Hà Nội, CĐ Tài nguyên và môi trường Hà Nội, CĐ Xây dựng Nam Định, CĐ Xây dựng số 1, CĐ Y tế Phú Thọ, CĐ bách nghệ Tây Hà, CĐ Công nghệ Hà Nội, CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội, CĐ ngoại ngữ – công nghệ Việt Nhật, CĐ Sư phạm Bắc Ninh, CĐ Sư phạm Tuyên Quang.
* Nếu tôi không đỗ vào ngành đã chọn thì có được xét vào các ngành khác không? (Hà Ngọc Vân, ngocha.com72@…)
– Nếu không trúng tuyển vào ngành đã chọn, nghĩa là bạn không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1. Tuy nhiên, nếu điểm thi của bạn không có môn nào bị điểm 0, tổng điểm ba môn từ điểm sàn trở lên thì được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 để xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH. Khi đó, điều kiện để xét tuyển là có điểm thi thỏa với điểm xét tuyển của trường muốn xét, cùng khối thi, trong vùng tuyển. Một giấy chứng nhận chỉ được xét vào một trường, ngành, khối của một đợt thi; không trúng tuyển NV2 thì mới xét tuyển NV3 với giấy còn lại.
* Tôi đang học tại Trường ĐH Đà Lạt, năm nay tôi muốn thi vào một trường ĐH khác, vậy mục 13 tôi phải khai báo như thế nào? (Nguyễn Trọng Tính, tinhnguyenld@…)
– Ngày 3-4-2009, PGS.TS Lê Bá Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt – đã ký quyết định các đối tượng không được dự thi tuyển sinh ĐH năm 2009 vào Trường ĐH Đà Lạt. Theo đó, sinh viên Trường ĐH Đà Lạt không được phép dự thi. Ngoài ra còn có cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.
Những người không chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự; đang trong thời kỳ thi hành án hình sự. Những người bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ hai năm (tính từ năm bị tước quyền dự thi hoặc ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi).
* Tôi rất thích chế tạo máy móc, đặc biệt là chế tạo robot, vậy tôi có thể học ngành gì, trường nào? Học ngành này cần tố chất nào đặc biệt không? (Trần Minh Dương, duongyeurobot@…)
– Nếu đam mê lĩnh vực chế tạo robot, bạn có thể thi vào ngành điện điện tử của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hoặc ngành cơ khí động lực của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Để theo đuổi ngành này, ngoài việc phải học tốt các môn tự nhiên, bạn phải có năng lực tư duy logic và sức khỏe tốt, khả năng sáng tạo, thích tìm tòi, nghiên cứu, kiên trì, tỉ mỉ, làm việc sáng tạo với các máy móc, thiết bị…
* Tôi muốn theo học ngành kinh tế nông lâm của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng không biết ngành này đào tạo như thế nào, cơ hội việc làm sau này ra sao? (Lâm Thị Hoài Trang, lamtrang@…)
– Ngành kinh tế nông lâm của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản về khoa học kinh tế và quản trị kinh doanh nông lâm nghiệp, xây dựng dự án phát triển nông thôn, có hiểu biết về nghiệp vụ kinh tế và khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp, có năng lực phân tích – tổng hợp và đề xuất các biện pháp quản lý và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng chính sách của Nhà nước.
Kiến thức ngành này có thể ứng dụng vào việc nghiên cứu các mô hình kinh tế trang trại, nghiên cứu kinh tế của các hệ thống canh tác khác nhau, nghiên cứu hiệu quả kinh tế cây trồng và vật nuôi, nghiên cứu định hướng phát triển các loại cây con có giá trị kinh tế cao.
Một số môn chuyên ngành sinh viên sẽ được học là luật kinh tế, kinh tế công cộng, quản trị trang trại, kinh tế sản xuất nông nghiệp, thị trường nông lâm sản, dự án đầu tư, kinh tế quốc tế…
Cử nhân ngành kinh tế nông lâm có thể làm việc trong các loại hình kinh tế khác nhau, các doanh nghiệp nông – lâm – ngư, trong các cơ quan quản lý ngành nông lâm nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ và TCN, các chương trình phát triển nông thôn, cộng đồng, các công ty kinh doanh vật tư, chế biến…
* Ngành lâm sinh đồng bằng của Trường ĐH Cần Thơ có phải là ngành mới tuyển năm nay không? Ngành này học những gì? (Nguyễn Văn Hóa, haugiangquehuongtoi99@…)
– Lâm sinh đồng bằng (mã ngành 316, khối B) là chuyên ngành của ngành nông học Trường ĐH Cần Thơ tuyển sinh đầu tiên từ năm 2009 này.
Phòng đào tạo trường này cho biết ở ĐBSCL hệ sinh thái rừng ngập chiếm phần lớn diện tích trong cả nước và đã đóng vai trò quan trọng cho cuộc sống người dân đồng bằng, cho môi trường. Trong thời gian qua, diện tích rừng ở ĐBSCL đã giảm thấp do chiến tranh, cũng như do quản lý và mưu sinh của con người. Tuy nhiên, với vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng nói chung và hệ sinh thái rừng ngập đồng bằng nói riêng, chúng ta cần phải tăng cường công tác phục hồi, quản lý và bảo vệ diện tích rừng còn lại cũng như phát triển hệ sinh thái này trong tương lai.
Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành lâm sinh đồng bằng được Trường ĐH Cần Thơ mở ra nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ công việc quản lý và nghiên cứu hệ sinh thái rừng ở vùng đồng bằng, là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiên tại và tương lai.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các doanh nghiệp lâm nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn các cấp, các cơ quan điều tra rừng và nghiên cứu về lâm nghiệp, các trung tâm khuyến lâm ở trung ương và địa phương.
QUỐC DŨNG (TTO)
Bình luận (0)