Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mượn trường tiểu học để phổ cập mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học MN với diện tích phòng học nhỏ hẹp tại TP.Cần Thơ

Theo kế hoạch, năm 2014 TP.Cần Thơ phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi. Thế nhưng mục tiêu trên sẽ khó đạt được khi cơ sở vật chất (CSVC), trường lớp giờ vẫn còn ngổn ngang, đụng đâu thiếu đó; kinh phí cho xây dựng trường lớp lên đến gần cả ngàn tỷ đồng nhưng ngân sách cho GD thì chỉ đáp ứng được khoảng 1/10…
Vấn đề của TP.Cần Thơ cũng là điểm chung của hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL hiện nay.
Trường lớp: Đụng đâu thiếu đó
Như nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL khó khăn lớn nhất của Cần Thơ là tiêu chí về CSVC trường lớp. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời gian qua, GDMN không nằm trong hệ thống GD quốc dân nên hầu như không được các cấp chính quyền cũng như ngành chủ quản quan tâm đầu tư. Bậc MN chỉ thật sự khởi sắc từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về PCGDMN 5 tuổi. Đến nay ngoài phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy chưa có trường MN, TP.Cần Thơ còn 8 trường MN, mẫu giáo, có quyết định thành lập trường nhưng toàn bộ CSVC phải mượn nhờ trường tiểu học hoặc nhà dân; 20 trường MN, mẫu giáo có diện tích rất nhỏ hẹp, lại nhiều điểm lẻ phải học nhờ. Tổng số phòng học nhờ là 98, trong đó 90 phòng ở các trường tiểu học, còn lại nhờ nhà dân hoặc cơ sở của UBND xã. Ngoài ra còn 55 phòng học tạm, nghĩa là phòng lợp mái tole, vách chung quanh bằng ván tạp, nền xi măng hoặc lát gạch tàu… và hầu hết bị xuống cấp nặng.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm TP.Cần Thơ dành khoảng 100 tỷ đồng ngân sách để ngành GD xây trường nhưng năm 2012 vừa qua ngành GD không giải ngân hết nguồn vốn do nhiều quận huyện không có đất sạch để xây. Bởi TP.Cần Thơ chủ trương không xây phòng học ở các điểm lẻ, gây lãng phí, manh mún… mà tập trung kinh phí cho những dự án xây trường đạt chuẩn quốc gia, nên nhiều quận, huyện lúng túng với bài toán qui hoạch và khâu giải tỏa đền bù. Theo điều lệ trường MN qui định phải đạt diện tích tối thiểu 108m2/ phòng học, để trong phòng học có nhà kho đựng mùng mền, dụng cụ dạy học, có toilet, phòng tắm… cho các cháu. Do vậy để đạt mục tiêu phổ cập, những địa phương càng xây nhiều trường càng gặp khó về kinh phí bồi hoàn đất, chiếm khoảng 10% tổng vốn xây dựng. Mà hầu hết số này rơi vào những huyện ngoại thành, thuộc vùng sâu, vốn rất khó vận động xã hội hóa GD. Không thể trách các doanh nghiệp vì thực tế, rất hiếm người dân nơi này chấp nhận cho con em trong lứa tuổi MN đến trường nếu họ phải đóng học phí. Thậm chí, tại khá nhiều trường công lập, không ít phụ huynh ngày ngày cất công đưa đón con 2 buổi đến trường để khỏi đóng tiền ăn bán trú. Chị Hường (xã Trường Long, huyện Phong Điền) có con trai học lớp MN 5 tuổi, cho biết: “Nhà tui 4 người mà mỗi ngày đi chợ không đến 30 ngàn đồng. Rau thì hái trong vườn hoặc chung quanh nhà. Tối ông nhà tui đặt lờ, bắt cua, mò ốc, cũng đủ thức ăn cho cả nhà. Mình mần ruộng chỉ đủ ăn, tiết kiệm đồng nào đỡ đồng đó. Giờ nếu phải gửi con ăn ở trường rồi tốn thêm phí thì chắc kham không nổi”.
Vấn đề xây dựng trường lớp càng thêm nặng gánh đối với những huyện ngoại thành có diện tích rộng, dân số đông. Trong đó “đứng đầu bảng” là huyện Vĩnh Thạnh. Toàn TP còn 8 trường MN chưa có CSVC thì huyện chiếm hết 5 trường; và toàn TP thiếu 266 phòng học MN thì Vĩnh Thạnh thiếu đến 88 phòng.
Một nguyên nhân cản ngại không nhỏ trong việc PCGDMN 5 tuổi ở Vĩnh Thạnh là trình độ dân trí thấp nên nhiều bà con không thiết tha lắm với việc đầu tư cho con em học hành. Và đây cũng là khó khăn của huyện Cờ Đỏ, nơi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống. Hai huyện này gặp nhiều khó khăn khi qui hoạch mạng lưới trường lớp do dân cư sống rải rác cặp các bờ kênh nên trước đây các huyện phải mở nhiều điểm lẻ để thuận tiện khi huy động. Có đơn vị như Trường Mẫu giáo Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh) ngoài điểm trung tâm còn tới 6 điểm lẻ… Bây giờ gom về một mối, kinh phí đền bù giải tỏa để có đất xây trường là bài toán mà huyện đang khó khăn để tìm ra đáp số.
Nhắc đến PCGDMN, ông Trần Văn Tươi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tâm tư: “Huyện đã qui hoạch lại mạng lưới trường lớp, tuy nhiên do cần quá nhiều đất xây trường nên dù chúng tôi đã dành 70% nguồn vốn xổ số kiến thiết cho ngành GD, thế mà vẫn không thể khắc phục khó khăn trong ngày một ngày hai”.
Không thể có đủ tiền để xây trường
Để đạt những tiêu chí về PCGDMN 5 tuổi, nghĩa là đảm bảo ít nhất 85% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày trong các phòng học kiên cố hoặc bán kiên cố, với diện tích xây dựng theo qui định điều lệ trường MN, trang bị đủ đồ dùng, đồ chơi và bộ thiết bị tối thiểu để dạy học, Cần Thơ dự kiến cần hơn 862 tỷ đồng để xây mới hoặc nâng cấp, mở rộng các trường. Đây là số tiền không nhỏ và thực tế, mỗi năm, cố gắng lắm ngân sách TP cũng chỉ cấp cho ngành GD hơn 100 tỷ đồng, trong khi năm 2014 đã gần kề. Hiện nay những nơi có điều kiện thì vận động xã hội hóa GD, như quận Cái Răng, Bình Thủy… Còn đối với những huyện thuộc vùng sâu, địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, phân bố dân cư manh mún, TP cần có một cơ chế riêng trong phân bổ ngân sách cũng như ưu tiên ứng vốn đền bù để có đất sạch xây trường, chẳng hạn huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh…
Trong buổi làm việc mới đây, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Trưởng ban chỉ đạo PCGD, thừa nhận: Với số tiền hơn 862 tỷ đồng không là nhỏ đối với ngân sách TP và cũng không thể có đủ trong vòng 2, 3 năm. Do vậy rất cần một giải pháp mang tính linh hoạt khi thực hiện PCGDMN 5 tuổi. Bà Trần Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, đề xuất: “Những phòng học nhờ trường tiểu học mà có điều kiện mở rộng diện tích, chúng ta có thể nghiên cứu nâng cấp và trang bị đầy đủ theo những qui định về phòng học tại điều lệ trường MN. Vừa đảm bảo có phòng học 2 buổi/ngày, thuận tiện cho trẻ đến trường, giải quyết phần nào khó khăn về việc xây thêm trường”.
Đây cũng là đề xuất của nhiều đại biểu tại Hội nghị PCGDMN 5 tuổi khu vực ĐBSCL, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vừa qua… Thực tế, một số trường tiểu học tại Cần Thơ và Đồng Tháp đã tạo điều kiện để ngành MN dạy học khá tốt trên “đất” của trường, như dành riêng phòng học để các cô giáo trang trí, sử dụng và bảo quản thiết bị chuyên môn…
Dù còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện, nhưng giữa bối cảnh khó khăn chung về ngân sách hiện nay, thiết nghĩ, đây là một giải pháp linh động, khả thi, và thích hợp cho đặc thù vùng sông nước ĐBSCL.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)