Thành ngữ Việt Nam có câu: “Nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu” thật đúng với tình cảnh đóng góp của giáo viên hiện nay!
Giáo viên, dù sao cũng có lương cố định, có chút “tóc” nên luôn bị “nắm” để đóng các loại tiền “ủng hộ, giúp đỡ” hàng năm! Toàn bộ việc đóng các loại quỹ này đều mang danh “tự nguyện” nhưng trên thực tế, luôn bị trừ thẳng cánh vào lương qua thẻ ATM hàng tháng!
Vì đây là một lực lượng đông đảo của từng địa phương nên sự đóng góp của giáo viên có “vai trò” to lớn trong việc thu đủ, thu đúng “chỉ tiêu” từ trên đưa ra. Đó là giáo viên phải đóng các loại quỹ như “Quỹ vì người nghèo” (một ngày lương); quỹ khuyến học, quỹ “Mái ấm công đoàn”; công đoàn phí (gửi về công đoàn cấp trên); quỹ công đoàn cơ sở; quỹ ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; quỹ kỷ niệm ngày thành lập trường; giúp đỡ người nghèo ăn Tết với quỹ “Chung tay vì người nghèo vui xuân” (có chỉ tiêu cụ thể cho từng trường)… Chưa kể các loại quỹ khác mà được đặt ra tùy theo tình hình thực tế của địa phương như giáo viên đóng tiền mua bò cho hộ nghèo chẳng hạn. Đồng lương “ba cọc ba đồng” của giáo viên không được “yên thân” mà luôn bị ngắt véo, bị chia năm xẻ bảy; không “tự nguyện” cũng không được! Việc công khai, minh bạch thu chi các loại quỹ trên cũng không bao giờ được làm rõ ràng. Cụ thể, thu quỹ “Mái ấm công đoàn” hàng năm của ngành giáo dục tỉnh là bao nhiêu; gửi về trên bao nhiêu; chi như thế nào. Số “mái ấm” đã đạt được năm qua là bao nhiêu; tiền tồn là bao nhiêu… thì không giáo viên nào được biết! Giáo viên chỉ có nhiệm vụ đóng, bị trừ qua thẻ và chỉ biết chấp nhận, chấp hành chứ cũng không mấy ai hỏi lại việc thu chi.
Lẽ ra công đoàn cơ sở phải nắm bắt nguyện vọng, ý kiến của giáo viên (công đoàn viên) và đề xuất về công đoàn cấp trên những quỹ nào nên làm, quỹ nào không nên làm vì đồng lương của giáo viên còn ít ỏi… Nhưng công đoàn cơ sở chỉ là “cái bóng” của hiệu trưởng mà các vị hiệu trưởng luôn muốn có thành tích với cấp trên nên không bao giờ có tiếng nói phản biện vì quyền lợi chính đáng của giáo viên! Nếu kêu gọi mọi người “tự nguyện” đóng góp thì rất lâu, không “khoa học” nên đến kỳ lương là trừ cái rụp là xong! Giáo viên nhìn đồng lương bị cấu véo nham nhở, nhiều khi cũng đành ngậm đắng nuốt cay cho xong chứ nói làm sao bây giờ! Nếu trường nào, sau khi đã trừ vào lương các loại quỹ mà chưa kịp “cập nhật”, gửi tiền về trên thì sẽ bị nhắc nhở, ra thời hạn nộp để còn chuyển về trên nữa! Không biết đồng tiền mồ hôi nước mắt của giáo viên có đến đúng địa chỉ cần đến hay không thì không ai biết! Nói vậy để biết “nghề cao quý” cũng chẳng lấy gì làm hãnh diện, sung sướng đâu mà có rất nhiều áp lực; từ vô hình đến hữu hình luôn tác động đến tâm tư, tình cảm của người làm nghề “đưa đò” này! Trong đó, chuyện “đóng góp” là một trong những điều mà giáo viên quan tâm làm sao cho đúng, cho trúng và luôn công khai, minh bạch thì mới có ý nghĩa…
Hồng Lam Sơn
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)