Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho biết một số lô hàng xuất khẩu sản phẩm tượng, đồ mỹ nghệ bị ách lại cảng vì chưa có… giấy thẩm định nội dung.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định phải “có giấy chứng nhận” mới được xuất khẩu sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ – Ảnh: Trường Trung
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho biết một số lô hàng xuất khẩu sản phẩm tượng, đồ mỹ nghệ bằng các nguyên liệu đá, gỗ đã bị ách lại cảng vì chưa có… giấy thẩm định nội dung do Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM cấp, theo quy định tại thông tư 28 của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT&DL) về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa, có hiệu lực từ ngày 1-3.
“Những sản phẩm tượng đá, gỗ của chúng tôi được công nhân chế tác để xuất đi các nước. Trước giờ các lô hàng làm thủ tục thông quan nhanh chóng, bình thường, nhưng không hiểu sao lần này lại bị vướng” – giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại tượng mỹ nghệ, tranh ảnh tại Thủ Đức, TP.HCM cho hay.
Về vấn đề này, một cán bộ Đội xuất khẩu hải quan Cát Lái (Q.2) cho biết theo quy định tại thông tư trên, các “tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng” nằm trong danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ VH-TT&DL. Do đó, trước khi xuất nhập khẩu phải thực hiện quy định về thẩm định, phê duyệt nội dung và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, vị này cho rằng trong quá trình kiểm tra, cơ quan hải quan không cứng nhắc kiểm tra tất cả các đơn hàng xuất khẩu tượng, đồ thủ công mỹ nghệ. Nếu sản phẩm không phải các di vật, cổ vật sẽ được xử lý nhanh chóng để xuất khẩu.
Riêng các mặt hàng chưa thể xác định và có nghi vấn, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan chuyên ngành để xác minh. “Chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm tượng đá Non Nước, tượng bằng các chất liệu đá, đồng. Trong tờ khai, doanh nghiệp cho biết đây là những sản phẩm mới sản xuất. Tuy nhiên theo quy định, sản phẩm cần phải được kiểm tra để tránh gian lận” – vị này cho biết.
Ông Nguyễn Thiếu Sơn – chuyên viên phòng kiểm tra văn hóa phẩm xuất nhập khẩu, Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM – cho biết theo quy định, di vật, cổ vật là hàng hóa cấm xuất khẩu, thương nhân muốn đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài phải làm hồ sơ xin cấp phép tại Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT&DL. Trên thị trường hiện có nhiều hàng hóa giả cổ như tượng, chén, bình, tranh… nên trong một số trường hợp, để xác định hàng hóa có phải là di vật, cổ vật hay không, hải quan sẽ trưng cầu cơ quan này thẩm định trước khi làm thủ tục xuất khẩu tại hải quan.
Và để tạo điều kiện cho thương nhân thông quan hàng hóa xuất khẩu nhanh, ông Sơn cho biết sở sẽ cử cán bộ chuyên viên phối hợp với Chi cục hải quan thực hiện công tác thẩm định văn hóa phẩm trực tiếp tại hải quan đối với các hàng hóa là văn hóa phẩm xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là quy định rất bất hợp lý, gây phiền hà cho hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. “Với quy định này, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ rơi vào diện “có thể” bị kiểm tra vì tùy vào đánh giá cảm tính của cán bộ kiểm tra” – giám đốc một doanh nghiệp nói.
Theo vị này, nhiều doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu các mặt hàng này và với đơn hàng lớn, việc thẩm định sẽ rất mất thời gian, ngay cả khi có chuyên viên thẩm định của sở túc trực tại cảng.
Hơn nữa, doanh nghiệp phải mất chi phí thẩm định, chưa kể thủ tục này có thể dẫn đến chuyện doanh nghiệp bị “làm khó” nếu không “biết điều”. Nhân viên làm thủ tục xuất khẩu của một doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng mỹ nghệ cho rằng tất cả sản phẩm thủ công mỹ nghệ này đều có hóa đơn mua bán và xuất xứ đầy đủ, việc “đòi” thêm giấy thẩm định là không cần thiết.
“Lẽ ra cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra đột xuất những lô hàng nào có nghi vấn hoặc đối với doanh nghiệp nào nằm trong “tầm ngắm”, thay vì buộc các sản phẩm này phải có giấy thẩm định trước khi xuất khẩu” – ông này nói.
LÊ SƠN
(TTO)
Bình luận (0)