Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mưu sinh liên tỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kỳ 3: Phận đời trôi theo “con nước”

Ông Ba Hiếu trước ngôi trường vừa được xây dựng trên đất của ông

Sớm mồ côi cha mẹ, cuộc sống trôi lênh đênh trên chiếc thuyền nan. Từ tuổi thơ đơn độc đến khi tóc đã hoa râm, ông vẫn còn nặng nợ với sông nước, với con người ở những làng cá. Có nhà cửa, vợ con đàng hoàng nhưng lại thích phiêu bạt theo những bè cá từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đó là ông Nguyễn Văn Hiếu, tên thường gọi là Ba Hiếu.
Đứa trẻ mồ côi trở thành “ông vua” cá bè
Ông Hiếu quê ở Đồng Tháp, sinh ra trên một chiếc xuồng đánh cá giữa mùa mưa bão năm 1960. Cha mẹ mất sớm. Tuổi thơ đơn độc giữa sông nước, chẳng biết bà con thân thích ở đâu mà tìm về tá túc. “Theo con nước, tôi cứ đi, đến đâu cũng hỏi thăm nhưng vô vọng. Có người chỉ tôi đi thẳng về hướng núi, ở đó đông người lại an toàn. Khoảng một năm sau, tình cờ gặp được người quen của cha, ông ấy bảo bọc và cưu mang tôi. Lúc này mới biết tôi đã đến sông La Ngà, Đồng Nai”, ông Hiếu nhớ lại.
Người quen của cha ông Hiếu nhận ông làm con nuôi. Nhưng lúc bấy giờ cha nuôi cũng nghèo lại đông con. Cha nuôi chia cho ông đôi lưới và sửa sang lại chiếc xuồng nan rách tả tơi để ông Hiếu đánh cá phụ cái ăn hàng ngày. Có chút kinh nghiệm của mẹ để lại, ông dễ dàng kiếm cá để đổi gạo hàng ngày. Tuy nhiên, các con của cha nuôi luôn tìm cách mắng nhiếc, chửi bới ông, còn người cha nuôi thì lực bất tòng tâm. Thế là ông đành phải ra đi.
Ông Hiếu cứ chèo xuồng đi mãi, đi mãi. Cuối cùng ông quyết định neo xuồng ở một lòng chảo, bên thác nước hùng vỹ, nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Giữa ba hướng là núi non trùng điệp, hướng còn lại là nơi xuồng neo đậu. Thiên tai mỗi năm mỗi nặng nề, ông tìm về hướng núi để che lều trú mưa tránh bão. Có chỗ ở tạm, ông mời gọi những người chung cảnh ngộ lên ở chung. Từ đó lòng chảo ấy được mọi người gọi là đảo Cá. Cư dân đảo Cá quý ông Hiếu lắm, họ xem ông như một hiệp sĩ bởi ông có công phát hiện ra đảo Cá và xây dựng cuộc sống ấm no cho bà con.
Ông Hiếu nghĩ: “Không lẽ cứ sống bằng nghề đánh bắt cá bữa đói bữa no thế này sao? Nhớ có lần đi chợ ngoài xã, trên ti vi có chiếu về nghề nuôi cá bè, sao mình không tìm hiểu?”. Thế là mất một năm ròng, ông tìm về tỉnh Tiền Giang tầm sư học đạo. Với tính tình thật thà, chất phác, ông được nhiều người tận tình truyền nghề. Thậm chí có người còn cho ông cá giống và tình nguyện đến tận nơi để chỉ cách thức làm bè, nuôi cá.
Vụ thu hoạch cá bè đầu tiên, ông thắng lớn. Ông huy động cư dân đảo Cá cùng làm, từ mô hình nuôi cá bè nhỏ lẻ trên sông La Ngà, chỉ năm năm sau cư dân ở đây đã thoát nghèo. Riêng ông Hiếu, không dừng lại ở đó, ông lại tìm về các tỉnh, thành miền Tây mở rộng nghề nuôi cá bè. Nơi thì ông bỏ vốn ra thuê người làm, nơi thì ông kết hợp với phòng nông nghiệp địa phương để làm…
Bỏ nửa tỉ bạc mua chữ cho trẻ

Chiếc xuồng chở cá vừa thu hoạch của ông Ba Hiếu

Vào những năm 90, mặc dù kinh tế ở đảo Cá đã khấm khá nhưng chuyện học hành của lũ trẻ vẫn rất khó khăn. Muốn đến trường để học cái chữ, lũ trẻ phải vượt hơn 7 km đường rừng, vừa xa xôi vừa nguy hiểm. Có lẽ vì vậy mà không ít gia đình đành bất lực để con cái thất học. “Cuộc sống trên sông nước đã khiến tuổi thơ của tôi không chỉ đói cơm mà đói cả chữ. Mỗi lần làm gì, đi đến đâu cũng phải nhờ cậy, nhục lắm”, ông Hiếu xót xa.
Thế nên khi thấy lũ trẻ phải nghỉ học, ông tới từng hộ dân để vận động cho con em đến trường. Thậm chí ông còn bỏ cả công việc, ngày ngày vác rựa đi chặt cây mở đường, hy vọng sẽ rút ngắn khoảng cách từ đảo Cá đến trường. “Khổ nỗi, có đường đi gần mà không đứa nào chịu đi học, tôi phải vận động chính con của mình để làm gương. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì khổ lắm, con đi học cha cũng đi theo. Có hôm mưa lớn, đường bị xói mòn tạo thành cái thác lớn, mấy cha con đi đến đó đành phải quay về”, ông Hiếu kể lại.
Để lũ trẻ đảo Cá không còn đói chữ, ông mạnh dạn đến gõ cửa chính quyền địa phương tìm biện pháp. Cảm kích tấm lòng của ông, chính quyền đã tìm được nguồn kinh phí xây dựng trường nhưng lại không có đất. Thấy vậy, ông sẵn sàng hiến đất để xây dựng. Và điểm Trường Tiểu học Lam Sơn trên triền núi được đưa vào hoạt động chỉ sau vài tháng.
Ông Ba Hiếu không thích nghe ai nói tốt về mình, càng khó chịu khi ai đó bảo ông giỏi giang. Ông Hiếu khiêm tốn: “Tôi chỉ là người biết vượt qua số phận. Nếu tôi giỏi, tôi tốt thì trẻ em những làng bè ở Vĩnh Long, Tiền Giang… đã được đến trường hết rồi. Ước nguyện của tôi đến cuối đời chỉ có thế”.
Ông Phan Đình Trung, cán bộ văn hóa thông tin ấp 5, xã Thanh Sơn cho biết, những năm gần đây, đất có giá lắm, miếng đất ông Hiếu hiến xây trường có giá gần nửa tỷ bạc. Thế nhưng với ông Hiếu thì: “Các cháu có chỗ học hành đàng hoàng là tôi vui lắm, tiếc chi mấy trăm mét vuông đất”.
Thương ông Ba Hiếu, thầy và trò điểm Trường Lam Sơn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để dạy và học. Cô Lê Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lam Sơn cho biết: “Ông Ba Hiếu có công rất lớn trong việc đưa trẻ đến trường, ngoài việc hiến đất, ông còn tình nguyện làm công tác vận động trẻ làng cá bè ra lớp. Không ít giáo viên đã “đầu hàng” sau một ngày về nhận công tác nhưng với sự thuyết phục của ông Hiếu, nhiều giáo viên đã ở lại và làm rất tốt công tác của mình”.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)