Anh Thân đang cắt rau muống hoang tại kênh Rạch Đĩa |
Kênh, rạch ở ngoại thành hiện nay rau muống hoang mọc rất nhiều, là điểm đến của những người sống bằng nghề cắt rau muống. Đây là công việc lắm vất vả, thu nhập không bao nhiêu lại đối mặt với nhiều bệnh tật về sau…
Từ trên cạn…
Hôm nay là ngày thứ năm anh Hoàng Văn Thân (P.3, Q.4) đi cắt rau muống. Nơi anh Thân cắt rau cách nhà khoảng 2km đường kênh. Đồ nghề của anh rất gọn, nhẹ, chỉ có một cái liềm, ba cái bao và chai nước uống. Anh Thân kể: “Tôi vốn là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, mấy bữa trước đi làm về nghe anh em bảo ra lề đường ven con rạch hái rau về luộc ăn, tôi cũng đi theo. Tại đây tôi phát hiện rau muống nhiều vô kể, mọc tràn lan, thế là nảy sinh ý định cắt rau đem bán. Trung bình mỗi ngày tôi cắt 3 bao rau muống, bán được 25 – 30 ngàn đồng, tùy vào chất lượng rau”.
Công việc của chị Hạnh, vợ anh Thân trước đây là trông giữ con cho nhà hàng xóm, đồng lương chẳng bao nhiêu mà trách nhiệm rất nặng nên cũng đã nghỉ để chở rau muống đi bán. Sáng sớm, anh Thân rảo quanh các con rạch gần nhà cắt rau, còn chị Hạnh thì ở nhà phân loại, lựa rau tốt cột lại thành bó mang ra chợ bán. Gần đây, có nhiều người đến đặt mua rau về cho heo, cho thỏ ăn nên vợ chồng anh Thân tất bật hơn. Ngày làm việc của anh Thân bắt đầu từ 5 giờ sáng, đến 6 giờ chiều là kết thúc. “Nhờ mấy ngày qua mưa nhiều nên rau muống non, tốt lắm, thấy mà ham. Bây giờ cắt mỏi tay chứ tháng trước đi cả ngày cắt được hai bao là nhiều lắm rồi”, anh Thân nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại kênh Rạch Bàng (Q.7), Rạch Tôm, Rạch Dơi (huyện Nhà Bè) sáng sáng người đi cắt rau muống rất đông. Tuy nhiên, số người cắt rau muống để bán thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn là cắt để ăn. Chị Nguyễn Thị Phượng, nhà ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An sáng nào cũng đạp xe sang đây cắt rau muống. “Hiện tại tôi không có việc gì làm nên đi cắt rau muống về ngắt đọt luộc ăn, còn gốc thì xắt trộn với cám cho vịt ăn. Coi vậy chứ đỡ lắm, nhà có nồi cá kho, thêm dĩa rau muống luộc là ngon lành lắm rồi”, chị nói.
Nhà ở P.Cầu Kho, Q.1 nhưng anh Thái cũng tìm về Q.7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh cắt rau muống từ hơn hai năm nay. Cả 4 miệng ăn trong gia đình đều trông chờ vào công việc này của anh. Trong số những người cắt rau muống ở đây, anh Thái là người “làm ăn lớn”. Những lúc hút hàng, anh đi thu gom rau của “đồng nghiệp”. Anh Thái có nhiều mối lấy rau muống ở chợ Xóm Chiếu (Q.4), chợ Tân Mỹ (Q.7) và nhiều quán lẩu trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7. “Rau của tôi cắt là rau dùng để ăn lẩu. Buổi sáng tôi đi cắt, trưa về cắt lá bỏ, lấy cọng ngâm nước muối và cân ký chở đi giao. Một kg rau muống tôi bỏ mối với giá 5.000 đồng, trung bình mỗi ngày cắt cũng hơn 20 kg”, anh Thái cho biết.
… xuống dưới nước
Còn với anh Thân, mỗi lần nghĩ đến chuyện phải lội kênh cắt rau là anh rùng mình nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải lội. Anh Thân giãi bày: “Nói thật là không có gì khó chịu bằng ngứa do nước kênh, gãi chưa đã về nhà lấy rượu, cồn để sát trùng vết thương đến chảy nước mắt mà vẫn chưa đã. Chắc phải kiếm việc gì khác để làm chứ bám cái nghề này hoài cũng không khá nổi”… |
Khi mặt trời vừa ló dạng, anh Thân dẫn tôi đi qua đoạn kênh nước đen chạy dài từ khu dân cư Tân Quy đến P.Tân Hưng (Q.7). Mất hơn 30 phút băng ruộng, lội kênh, đôi chân tôi rã rời, không muốn bước đi nữa. Thấy vậy, anh Thân trấn an: “Gần tới rồi, cố gắng đi, như tập thể dục buổi sáng vậy mà”. Bỏ xa tôi đến cả trăm mét, anh Thân cứ giục tôi “tăng tốc” vì sợ người ta đi trước cắt hết rau. Rồi tôi cũng đã theo kịp anh tại một cái hố bom mọc đầy rau muống. Ở đây những cọng rau non xanh mướt san sát nhau. Như sợ ai đó đến chia phần, anh Thân vội vàng lội xuống kênh cắt lia lịa. Mặc cho dòng nước đen ngòm, hôi tanh cứ bám riết lấy chân, tay anh vẫn thoăn thoát cắt hết bó rau này tới bó rau khác. Chỉ trong nháy mắt, cả một cái hố bom bạt ngàn rau muống, giờ chỉ còn là một hố nước đen ngòm…
Khỏi cần phải lội xuống hố bom, tôi cũng có thể hình dung ra bệnh tật mà dòng nước đen kia “ban tặng” cho những người sống bằng nghề cắt rau muống…
Anh Thái kể lại: “Những ngày đầu mới vào nghề, đêm lại tôi không tài nào ngủ được, cả người ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ rồi làm mủ phải đi Bệnh viện Da liễu chữa trị. Bây giờ thì quen rồi, có khi ngày nào không lội kênh lại có cảm giác thiếu thiếu, tối ngủ không ngon”…
Bài & ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)