Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mưu sinh nơi vùng sông nước miền Tây – Bài cuối

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng sông Mê Công hùng vĩ dù có những lúc thăng, lúc trầm, vẫn luôn là nguồn sống cho hàng triệu con người gọi đồng bằng sông Cửu Long bằng hai tiếng Quê hương. Từ thau chua rửa mặn cho tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

SỐNG CHUNG VỚI THIÊN NHIÊN BIẾN ĐỔI
Từ bỏ lúa để trồng cây trái, nuôi thủy hải sản, hay phát triển du lịch. Từ đào kênh trữ nước ngọt cho tới xây cống ngăn mặn. Tất cả đều chứng tỏ người miền Tây đã sẵn sàng đối phó và thích ứng với mặn và những thất thường của con nước.

Thích nghi với xâm mặn

Lúa là cây lương thực quan trọng nhất của Việt Nam. Xét thuần túy về kinh tế, lúa chỉ đóng góp 5,46% GDP. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia xóa đói giảm nghèo, nhiều biện pháp đã và đang được áp dụng để giúp nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể né tránh và sống chung an toàn với những biến đổi bất lợi. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, chỉ cần nước biển dâng 1m thì nhiều diện tích bị ngập lụt, nhiễm mặn không thể trồng lúa, sản lượng sẽ giảm 30 – 35%. Xu thế tái cơ cấu cây trồng trên các diện tích đất trồng lúa kém năng suất đang phát huy được hiệu quả.

Anh Huỳnh Cao Thượng bên vườn nhãn chuyển đổi từ ruộng lúa.

Anh Huỳnh Cao Thượng tại ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, Sóc Trăng cũng chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập. Do phần ruộng của anh bị nhiễm mặn, lại ở vùng đất khá cao, nên không phù hợp để trồng lúa. Anh đã chuyển sang trồng nhãn. Đến nay, vườn nhãn của anh đã được 5 năm tuổi, và cho thu nhập cao hơn nhiều so với làm lúa.

Một hầm nuôi cá ở xã Vĩnh Tế.

Theo ông Nguyễn Thế Kiên, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mê Công với hơn 72 km bờ biển, nên phần lớn diện tích đất nông nghiệp của tỉnh bị nhiễm mặn. Ở những vùng nước lợ chỉ trồng được một vụ lúa mỗi năm, năng suất thấp nên tỉnh đã phá thế độc canh cây lúa và phát triển mô hình một vụ lúa – một vụ tôm, góp phần lấp vụ, nâng cao đời sống và thu nhập cho nông dân. Một số vùng quê nghèo khó thì nay trở thành một trong những địa chỉ nuôi tôm kết hợp trồng lúa hiệu quả. Hệ thống thủy lợi ven Biển Đông ở huyện Vĩnh Châu, ngoài việc bảo đảm nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp còn đưa nước mặn vào các ao nuôi trồng thủy sản, hình thành mô hình nuôi – trồng mặn – ngọt. 

Ngoài ra, ĐBSCL đã và đang từng bước hoàn thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và nước dâng do bão. Nhiều tuyến đê đã phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phòng tránh thiên tai, như các tuyến đê biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… 

Thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế mới

Nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về xuôi và mùa mưa ở các tỉnh BĐSCL ngày càng khó lường. Vì vậy các mô hình chuyển đổi và tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên đang được triển khai và nhân rộng trên toàn vùng. Nhiều nghiên cứu đã được triển khai và cho ra đời những giống lúa cực sớm, lúa cạn, cây lương thực ăn củ để tránh lũ, hạn và xâm mặn. Một số giống lúa nổi và thủy sinh cũng được áp dụng trong các vùng nước ngập. Ngoài ra, mô hình nuôi thủy hải sản ngay trên diện tích ruộng lúa cũng là một mô hình hiệu quả kinh tế cao.

Bè nuôi cá tại Làng Bè, Châu Đốc, An Giang.

Anh Út Cưng ở ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế, thị trấn Châu Đốc, An Giang, vốn là một nông dân làm lúa. Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các dự án địa phương, anh đã chuyển sang trồng xoài, ổi, và hoa, kết hợp mô hình homestay trên chính ruộng đất nhà mình. An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh, với rất nhiều đền chùa nổi tiếng và bảy ngọn núi thiêng bao bọc. Vì vậy, anh Út quyết định từ bỏ làm lúa, vốn không mấy hiệu quả, sang làm du lịch sinh thái.

Anh Dũng, chủ một bè cá tại làng Bè, Châu Đốc, An Giang cho biết bè cá của anh xuất 100 tấn mỗi lứa mỗi năm. Với giá bán hơn 30 nghìn đồng một kg, anh Dũng cũng có thu nhập vài trăm triệu trong mỗi năm. Theo anh Dũng, nước ròng cho hiệu quả nuôi cá cao, nhất là cá basa phục vụ chế biến xuất khẩu, vì loại cá này ưa nước mát. Khi nước nhỏ, các bè cá chuyển sang những loại dễ sống hơn như cá tra, mè vinh, cá he. Vào mùa hạn, mực nước thấp quá, các bè cá ở đây chạy thuyền máy cạnh bè để khuấy động nước, tăng khí ôxy cho cá.

Rõ ràng, dòng sông có thể biến đổi, dù là do bàn tay con người, hay do tâm tính của Mẹ Thiên Nhiên. Kế sinh nhai của người dân có thể phải thay đổi theo thời gian, nhưng tinh thần vượt khó làm giàu của người miền Tây chưa bao giờ bị khuất phục. Họ vẫn luôn giữ được nét hồn hậu mà duyên dáng, lam lũ mà cao sang. Từ những phú ông, địa chủ của những đồng lúa thẳng cánh cò bay, tới người đẹp Tây Đô, hay những đại gia cá bè Châu Đốc đi dép tông Lào vào salon mua xe hơi bạc tỉ. Họ kiên cường như chính con sông mẹ Mê Công.

Bài và ảnh: Phương Vũ (TTXVN)/ Tin tức

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)