Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mưu sinh ở đáy kênh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm nay, tại TP.HCM thú chơi cá cảnh trở nên thịnh hành thì nhu cầu cần trùn chỉ để làm thức ăn cho cá cũng rất lớn, nghề bắt trùn từ đó “ăn nên làm ra”. Hiện nay, do nước sông bị ô nhiễm nặng nên nhiều người sống bằng nghề bắt trùn chỉ khá vất vả, phải lặn lội đi xa hơn, thu nhập ngày càng ít và đối mặt với nguy cơ bệnh tật.
Nghề độc hại
Gạt những lớp bùn non rồi dùng hai tay hốt lớp trùn chỉ đo đỏ đem bỏ vào một thau nhựa riêng, anh Hòa cho biết: “Thau này cũng được gần 20 chục lon. Bây giờ phải đi ăn trưa cái đã, chút nữa ra làm tiếp ca hai”. Đã gần 2 giờ chiều, bữa cơm trưa của anh Hòa mới được bày ra. Anh Hòa cũng như nhiều người làm nghề bắt trùn chỉ khác đều phải nhìn con nước lên hay xuống mà làm việc và sinh hoạt. Bữa ăn sáng, trưa, tối của họ “lệch múi giờ” nhiều so với những người làm công việc bình thường. Sáng sớm, những người bắt trùn đổ ra từ khắp các khu trọ dọc kênh Bến Nghé (quận 8), kênh Tàu Hủ (quận 6)… Mỗi người vác vài cái thau to cỡ lớn, cái vợt, lon và vài thứ linh tinh khác. Anh Hòa cho biết: “Trước đây, do nhiều lần bị mất đồ nghề khi để qua đêm trên xuồng máy nên bây giờ anh em phải đem vào nhà cất. Còn xuồng thì đậu sát vào nhau, mỗi người luân phiên ngủ lại một đêm trên bến canh giữ chứ không là sáng mai không có xuồng mà chạy”. Anh Hòa trước đây theo dòng kênh này làm đủ các nghề, từ đánh cá đến chở thuê rồi hút đất lòng kênh bán cho các nơi san lấp mặt bằng. Nghề nào với anh cũng bấp bênh, chỉ chạy cơm sống từng bữa chứ không khá lên nổi. Thấy người ta đổ xô đi bắt trùn chỉ bán ra tiền thì anh cũng sắm đồ nghề đi theo.
Khu vực này trước đây chỉ có vài người làm nghề bắt trùn chỉ. Cái nghề ngụp lặn dưới dòng nước dơ bẩn là vậy nhưng ngày càng thu hút đông người hành nghề. Nhẩm tính rồi anh Phú, đồng nghiệp với anh Hòa nói, hiện nay khu vực dọc kênh Bến Nghé và Tàu Hủ này có ít nhất 40 người theo nghề. Họ thường sinh sống tập trung tại bến Phú Định (khu phố 3, phường 16, quận 8), phần còn lại sống rải rác dọc dòng kênh. Anh Phú tuy mới 26 tuổi nhưng đã có thâm niên bắt trùn gần 10 năm trời. Nhiều năm trước, anh Phú theo bố mẹ rời quê Bắc Ninh vào Sài Gòn mưu sinh. Ban đầu gia đình anh làm nhiều nghề khác nhau như chở thuê, bán dạo rồi vài năm sau bố anh được một người bạn chỉ cho cái nghề bắt trùn chỉ. Lúc đó trùn chỉ có giá từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng một lon, ít người làm và dòng nước còn trong sạch nên kiếm sống rất dễ dàng, từ nhà chạy ra kênh lội nước bắt một ngày vài chục lon ngon ơ. Nay nguồn nước khắp nơi bị ô nhiễm, phải chạy ghe đi xa mới bắt được. Làm được hơn 5 năm thì bố anh Phú bệnh nặng qua đời. “Làm nghề này vất vả và nguy hiểm lắm. Lội nước bẩn độc hại nên ai cũng bị nhiều chứng bệnh khác nhau như ho, da mẩn ngứa và teo cơ. Người có thâm niên trong nghề lo lắng nhất là sẽ mắc chứng bệnh teo cơ, nó làm người ta chết dần chết mòn đi”, anh Phú nói giọng buồn rười rượi. Chứng teo cơ xuất hiện với những người làm nghề lâu năm, thường xuyên phải lội dưới dòng nước đen ô nhiễm. Chất thải độc hại trong dòng nước cứ thấm dần vào cơ bắp rồi làm tay chân teo dần lại.
Nhưng vẫn bám nghề
Người đi bắt trùn chỉ thường chia hai ca làm việc trong ngày, buổi sáng từ 6-7 giờ cho đến đầu giờ chiều, buổi chiều từ lúc gần xế bóng đến khuya. Có người chỉ làm một ca, không ít người làm cả ngày như anh Hòa và Phú. Kết thúc ca sáng, các anh phải nuốt vội miếng cơm, chưa kịp ngả lưng đã đến giờ vào ca hai. Hai anh thường lái xuống máy ngược kênh Bến Nghé, đến đoạn giáp với rạch Ruột Ngựa để tìm trùn chỉ. Để nhận biết nơi nào có nhiều trùn chỉ, anh Hòa bật mí: “Phải dùng mái chèo thọc xuống dòng nước, khi nhấc lên nếu thấy các sợi nhỏ màu đỏ bám trên mái chèo là biết “các cụ đã ở đây”. Sau khi phát hiện “tổ” trùn chỉ, hai anh bắt đầu neo xuồng, mang đồ nghề xuống bắt trùn. Hai anh chia ra quỹ thời gian rất hợp lý, phân công công việc rất nhịp nhàng để hạn chế tình trạng đuối sức. Anh Phú lặn xuống vớt bùn cho vào vợt, sau đó trồi lên đảo qua đảo lại cho bùn trôi hết. Đến khi trong vợt chỉ còn lại bùn pha màu đỏ thì anh mới cho vào thau. Sau khi đã đầy một thau, anh Phú ra hiệu cho anh Hòa đưa xuồng ra “nhận hàng”. Cứ như thế hết lượt này đến lượt khác, khi các thau đã đầy thì các anh lại lái xuồng chạy về bến.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước khi bắt được nhiều trùn thì thường bị thương lái ép giá, anh Hòa và anh Phú tìm ngay đến các điểm thu mua trùn chỉ để bỏ mối thường xuyên. Ngoài ra, các anh còn gom mua trùn của những người khác để mang đi bán cho các chủ nuôi cá dĩa. Giá trùn hiện nay dao động từ 3.500 đồng đến 5.000 đồng một lon. Mỗi ngày trừ đi các chi phí xăng dầu cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng/ người. Nhờ lao động chăm chỉ như vậy suốt mấy năm nên hai anh đã sắm sửa được nhiều thứ cho gia đình, lo cho mấy đứa em ăn học. Nhắc đến lập gia đình, anh Hòa ái ngại: “Nhìn người ngợm mình lúc nào cũng đầy bùn đất, bốc mùi hôi như thế này thì cô nào dám theo. Ngay cả đứa em trong nhà cũng xấu hổ nếu nói với bạn bè nó là mình làm nghề bắt trùn, buồn lắm anh ơi”.
Tạm biệt “xóm” bắt trùn chỉ, trong tôi cứ bị ám ảnh với những những khuôn mặt ngụp lặn dưới mặt nước đen sì, mùi tanh nồng luôn sộc thẳng vào mũi. Vì miếng cơm manh áo qua ngày, họ đã quên đi những hiểm nguy, độc hại do nghề này mang lại.
HỮU TRÍ

Bình luận (0)