Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ: Áp dụng danh sách dự khuyết cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Trường Đại học California. Ảnh: I.T

Hệ thống trường ĐH công lập ở California năm nay lần đầu tiên dùng tới danh sách dự khuyết (waiting list), buộc một số sinh viên (SV) giỏi hàng đầu phải đợi tới hai tháng trước khi biết kết quả là có được trường nhận vào học hay không. Phương pháp này, rất thường dùng ở các ĐH tư nổi tiếng, là một trong những cách để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân sách giáo dục, khi các trường trong hệ thống ĐH California đứng trước tình trạng bị cắt giảm ngân sách.
SV phải chờ đợi
Các trường ĐH công lập trong tiểu bang muốn nhận tất cả SV mà ngân sách cho phép, nhưng cũng không muốn nhận dư thêm một người nào. Việc dùng danh sách dự khuyết là biện pháp giúp các trường dễ dàng điều chỉnh con số SV được thu nhận cho đúng với khả năng của trường.
“Làm vậy, họ sẽ có cơ hội nhận thêm SV khi đến cuối thời hạn ghi danh vẫn còn dư một số chỗ”, Susan Wilbur, Giám đốc đặc trách thu nhận SV của hệ thống ĐH bang California cho biết. Năm nay, hệ thống ĐH của bang này nhận được số đơn kỷ lục là 134.029.
Tuy đây có vẻ là một hành động hợp lý của nhà trường nhưng nó lại gây sự ngạc nhiên cho nhiều SV. Nữ sinh Priyanka Patel (cựu học sinh Trường Trung học Inderkum ở Natomas) mới đây vừa biết tin cô được nhận vào UC Irvine (hệ thống ĐH ở California) nhưng phải vào danh sách dự khuyết ở UC Davis. “Tôi chưa bao giờ nghe thấy việc này, và cũng không biết họ như thế từ hồi nào nên hết sức ngạc nhiên”, Patel nói.
Mọi người không rõ là có bao nhiêu người đang trong hoàn cảnh như cô Patel. “Một số trường trong hệ thống ĐH UC có tới hàng trăm ứng viên trong danh sách dự khuyết”, bà Wilbur cung cấp thêm thông tin. Hệ thống UC đã công bố danh sách bao nhiêu người được nhận ngay và bao nhiêu người phải vào hệ dự khuyết vào giữa tháng 4 vừa qua. Năm nay, chỉ có 2 trong 10 trường của hệ thống ĐH UC không dùng đến danh sách dự khuyết là Los Angeles và Merced.
Riêng hệ thống ĐH của CSU (hệ thống ĐH quốc tế ở Mỹ), có khoảng 8.000 ứng viên trên toàn tiểu bang phải vào danh sách dự khuyết, theo lời phát ngôn viên của tổ chức này, cô Claudia Keith. Có hai trong 23 trường thuộc hệ thống ĐH CSU từng dùng biện pháp lập danh sách dự khuyết suốt nhiều năm qua, nhưng đối với nhiều trường thì đây là lần đầu tiên.
Thiếu tính hợp lý
Hệ thống ĐH CSU sẽ quyết định thu nhận SV trong danh sách dự khuyết, có thể cho khóa giữa năm hay đầu năm học sau khi Quốc hội tiểu bang thông qua ngân sách. Còn hệ thống ĐH UC không đợi lâu như vậy. Các trường của UC dự trù sẽ thông báo với ứng viên dự khuyết là có nhận họ hay không vào thời điểm sớm nhất có thể. Những người muốn vào danh sách dự khuyết không phải trả tiền, chỉ cần thỏa thuận là được. Nhưng Trường UC Davis còn yêu cầu SV phải viết một bài luận văn dài 200 chữ, nói lý do tại sao muốn vào danh sách này.
“Đây là cơ hội để các SV trình bày với chúng tôi lý do khiến họ muốn theo học tại UC Davis”, Frank Wada, Giám đốc đặc trách thu nhận SV trường này chia sẻ.
Nhiều học sinh phổ thông và cả giáo sư hướng dẫn có nhiều năm kinh nghiệm đều bất ngờ trước đòi hỏi viết thêm bài luận của UC Davis. “Đây không phải là điều các em học sinh được chuẩn bị trước”, Debbie Eisberg, một giáo sư hướng dẫn ở Trường Trung học Indekum bức xúc.
Patel, cựu nữ sinh Trường Inderkum, cho hay cô sẽ viết bài luận này để được vào danh sách dự khuyết của Trường UC Davis. Bởi vì cô cứ nghĩ mình sẽ được chọn với điểm số trung bình là 4,0 và đứng hạng 11 trong số 412 học sinh lớp 12 của trường. Cô muốn được học ở ngôi trường không quá xa nhà để có thể tiết kiệm tiền nhờ sống với cha mẹ và cũng vì có việc làm thêm ở Trung tâm Thể dục Thể thao gần nhà. “Việc vào danh sách dự khuyết làm tôi không còn háo hức được học tại Trường UC Davis. Tôi có cảm tưởng UC Irvine muốn tôi đi học ở đó còn Trường UC Davis coi tôi như loại hạng nhì”.
Thảo Nguyên

Bình luận (0)