Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

MỸ: Bảo hiểm bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Một sinh viên trong thư viện Đại học Harvard. Ngôi trường danh tiếng này có mức học phí 50.000 USD/năm

Các trường đại học Mỹ thường chỉ hoàn trả một phần nhỏ học phí vào giữa học kỳ cho những sinh viên bỏ học vì bệnh tật. Còn sinh viên nào bỏ học vì chán nản hay bị đuổi do hạnh kiểm hoặc học lực kém sẽ không được bồi hoàn học phí. Chính vì thế, dịch vụ bảo hiểm bỏ học đang được các phụ huynh Mỹ quan tâm khi học phí đại học ngày một tăng dần.
Giảm rủi ro cho phụ huynh
Công ty Bảo hiểm A.W.G. Dewar ở bang Massachusetts hiện đang là “ông trùm” cung ứng dịch vụ bảo hiểm này tại 180 đại học và gần 1.000 trường trung học tư thục trên khắp nước Mỹ. Chỉ cần đóng lệ phí vài trăm đôla mỗi năm, Công ty Dewar bảo đảm sẽ hoàn trả lại cho gia đình học sinh số tiền họ đã đóng cho nhà trường nếu như con em họ bỏ học với bất cứ lý do nào chứ không chỉ do bệnh tật. Ông Dana Tufts – Giám đốc Dewar cho biết: “Các gia đình sẽ yên tâm hơn vì với nhiều phụ huynh, học phí đại học chẳng khác gì một số vốn đầu tư mạo hiểm”.
Với từ “mạo hiểm”, Dewar ngụ ý nói về những trường tư danh tiếng có mức học phí rất cao. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm khác đang với tay sang các cơ sở đào tạo học phí thấp hơn để đáp ứng theo nhu cầu số đông. Điển hình là Công ty Markel Insurance đang tích cực hợp tác với nhiều đại lý trên toàn nước Mỹ để cung cấp bảo hiểm bỏ học cho các trường đại học không thuộc diện bảo hiểm của Dewar.
Chính sách bảo hiểm theo kiểu Markel cũng được nhiều công ty khác hưởng ứng như Niagara National Inc., Educational Insurance Plans và Next Generation Insurance Group. Ông David Galvin – Giám đốc Educational Insurance Plans nói: “Nhiều bậc phụ huynh thấy việc cho con học đại học gặp khá nhiều rủi ro khi học phí quá đắt và họ không tự tin vào học lực của con mình”.
Thị trường cạnh tranh mới
Công ty Dewar cung ứng một dịch vụ bảo hiểm bỏ học cho Trường Occidental College ở Los Angeles với mức bồi hoàn 75% học phí, bắt đầu từ ngày thứ 11 của niên khóa. Thời gian học sinh theo học càng lâu trước khi bỏ học thì mức bồi hoàn sẽ càng cao. Còn Công ty Markel chịu bồi hoàn 100% học phí nếu sinh viên bỏ học do bệnh tật và 75% cho trường hợp phải nghỉ học vì các chứng bệnh thần kinh. Với lý do tự ý bỏ học, Markel cung ứng dịch vụ bảo hiểm bồi hoàn 60% học phí và 75% cho lý do bị đuổi học. Trong khi đó Công ty College Parents sẵn sàng bảo hiểm mức học phí 5.000 USD/năm nếu phụ huynh đóng mức lệ phí 89 USD/năm. Mức lệ phí thường niên càng cao thì mức bảo hiểm học phí càng lớn. Với lệ phí 599 USD/năm, College Parents sẽ bảo hiểm mức phí 50.000 USD/năm. Tuy nhiên, xu hướng bảo hiểm bỏ học cũng khiến nhiều người lo ngại. Khi các hãng bảo hiểm cạnh tranh với nhau vì lợi nhuận thì lợi ích của học sinh và phụ huynh sẽ bị ảnh hưởng nếu gặp phải một dịch vụ không uy tín.
Sinh viên nghèo có được hưởng lợi?
Những người hoài nghi về lợi ích của dịch vụ bảo hiểm bỏ học lại là các chuyên gia tài chính. Mark Kantrowitz – chủ nhiệm website Finaid.org chuyên về tài trợ đại học – cho rằng đây là một thị trường rất hẹp và chỉ đáp ứng nhu cầu của thiểu số phụ huynh giàu có. Còn những sinh viên xuất thân từ các gia đình nghèo sẽ không có khả năng gánh vác thêm một khoản phí thường niên không nhỏ cho loại bảo hiểm này. Ông nói: “Những gia đình cho con em theo học tại các đại học cộng đồng hay các cơ sở đào tạo chi phí thấp sẽ không dám liều lĩnh với dịch vụ này”. Trong khi đó, ông Justin Draeger – chuyên gia về chính sách công kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý Tài trợ Sinh viên Quốc gia cho biết: “Tiền đóng lệ phí bảo hiểm này không phải là chi phí đào tạo, cho nên sẽ không được tính vào những khoản học bổng của sinh viên hay các hỗ trợ tài chính từ chính quyền”.
Yên Nhạn
Theo Inside Higher Ed
Khi học phí ở các trường đại học Mỹ ngày càng tăng thì bảo hiểm bỏ học trở thành xu hướng đáng chú ý.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)