Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ, Châu Âu tìm cách ứng phó với lạm phát

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan thống kê Châu Âu thông báo ngày 31.5, lạm phát ở Eurozone trong tháng 5 đạt mức cao nhất hàng năm kể từ khi đồng Euro được tạo ra năm 1999. Tại Mỹ, khi lạm phát đang ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, Tổng thống Joe Biden đã gặp ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 31.5 để thảo lận về nỗ lực kiềm chế tăng giá.
Một khu chợ thực phẩm ở Paris, Pháp.
Lạm phát khu vực đồng Euro cao kỷ lục
Lạm phát hàng năm ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,1% trong tháng 5, từ mức 7,4% của tháng 4. Giá cả đã tăng trong 10 tháng liên tiếp và không có dấu hiệu giảm nhẹ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt của người dân và buộc các nhà hoạch định chính sách Châu Âu phải cam kết nhiều biện pháp để giảm bớt tác động, New York Times cho hay. Diễn biến này diễn ra khi giá năng lượng, lương thực tăng kỷ lục do chiến sự Nga – Ukraina tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế châu lục. 
Ủy ban Châu Âu gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 2,7% trong năm nay, giảm từ mức 4% ước tính vào mùa đông. Ủy ban đồng thời lưu ý, lạm phát đang chạm mức kỷ lục và dự kiến ​​ở mức trung bình 6,8% trong năm nay. Ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo Châu Âu có thể rơi vào tình trạng suy thoái mạnh hoặc suy thoái hoàn toàn trước khi kết thúc năm.
Chi phí năng lượng tiếp tục là yếu tố lớn nhất đẩy giá tiêu dùng và doanh nghiệp tăng, với mức kỷ lục 39,2% trong tháng 5 trong khi thực phẩm chế biến, rượu và thuốc lá tăng 7%. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã đạt được một thỏa thuận chính trị vào tuần này về lệnh cấm vận hầu hết dầu nhập khẩu của Nga. Biện pháp này nhằm trừng phạt Nga nhưng các nhà kinh tế cho rằng sẽ gây tổn hại thêm cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp Châu Âu khi cấm vận góp phần đẩy giá lên cao hơn nữa. 
Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với lạm phát tăng 8,7%. Trong khi đó, Pháp (lạm phát 5,8%), Tây Ban Nha (8,5%) và Italia (7,3%) cũng ghi nhận giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 5, khiến các nhà lập pháp ở những nước này áp mức giá trần với giá năng lượng hoặc giảm giá cho những hộ gia đình có thu nhập thấp để bù chi phí khí đốt và dầu diesel. Ví dụ, ở Đức, từ tháng 6, chính phủ sẽ giảm giá xăng tại trạm bơm và 10 USD vé tháng cho các phương tiện giao thông công cộng trên toàn quốc.
Tới nay, tăng chi phí năng lượng đã tác động lớn nhất tới các quốc gia có biên giới gần Nga nhất. Ví dụ, lạm phát ở Estonia đã tăng với tỉ lệ hàng năm sốc nhất, 20,1%, gần gấp đôi so với mức 11% được ghi nhận vào tháng Giêng. Ở Lithuania, lạm phát hàng năm tăng lên 18,5% và ở Latvia lên tới 16,4%. 
Khi tỉ lệ lạm phát tăng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng tốc phản ứng chính sách, nhấn mạnh kỷ nguyên lãi suất âm có thể kết thúc ngay tháng 9. Vào đầu tháng 7, ngân hàng dự kiến kết thúc chương trình mua trái phiếu lớn và sau đó bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde nêu ra các điều khoản về lộ trình dự kiến ​​tăng lãi suất, ra tín hiệu cho thấy lãi suất sẽ tăng vào tháng 7 và tháng 9. Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương Châu Âu Philip Lane, gần đây tiết lộ, mức tăng lãi suất có thể là 1/4 điểm phần trăm nhưng một số nhà hoạch định chính sách nhận định, có thể cần tăng lên tới nửa điểm phần trăm. 
Mỹ tìm cách kiềm chế lạm phát
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng, theo dõi mức trung bình mà người Mỹ phải trả cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,3%, giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn ở mức cao chưa từng thấy trong 40 năm. Đây là vấn đề quan trọng với Tổng thống Joe Biden khi đảng của ông đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy giá tăng là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cử tri ở thời điểm hiện tại và lạm phát cao dường như đang tác động tới tỉ lệ ủng hộ tổng thống. 
Trước cuộc gặp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, ông Joe Biden có bài viết trên Wall Street Journal nhấn mạnh: "Trước tiên, Cục Dự trữ Liên bang có trách nhiệm chính là kiểm soát lạm phát". Ông cũng nhất trí với Fed rằng chống lạm phát "là thách thức kinh tế hàng đầu của chúng ta lúc này". 
Cục Dự trữ Liên bang đang tham gia vào quá trình phức tạp nhằm làm chậm lại việc tăng giá mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái. Công cụ chính của Fed trong nỗ lực này là khả năng của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trong việc đặt ra các mức lãi suất chuẩn ảnh hưởng đến chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế.
Do hậu quả của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2020 và Fed đã hạ lãi suất xuống mức trên 0 để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thấp kết hợp với các chương trình kích thích khác của chính phủ và tình trạng thiếu nguồn cung do đại dịch và chiến sự Ukraina khiến giá cả cao hơn, gây sức ép với ngân sách của nhiều người tiêu dùng Mỹ.  Tháng 3 năm nay, Fed bắt đầu tăng lãi suất và tiếp tục đợt tăng lãi suất khác vào đầu tháng 5. Với mức lãi suất “mục tiêu” hiện tại trong khoảng 0,75% đến 1%, Fed đã ra tín hiệu cho thấy sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trước cuối năm nay, có thể với mức tăng là nửa điểm phần trăm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều yếu tố góp phần tăng giá cả nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương, với rất nhiều yếu tố liên quan đến các vấn đề từ phía cung như vấn đề chuỗi cung ứng, chiến sự ở Ukraina.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)