Mỹ phát triển vắc xin Covid-19 mới do lo ngại khả năng xuất hiện những biến thể mới và việc mất miễn dịch theo thời gian có thể thách thức hệ thống y tế.
Hãng Reuters ngày 11.4 đưa tin chính phủ Mỹ chi hơn 5 tỉ USD (117.235 tỉ đồng) nhằm tăng tốc phát triển các vắc xin và liệu pháp điều trị Covid-19 mới.
Theo một phát ngôn viên Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) và một quan chức chính phủ Mỹ, khoản đầu tư có tên là Project NetxGen (tạm dịch: Dự án Thế hệ tiếp theo) nhằm mang lại sự bảo vệ tốt hơn đối với các virus Corona, trong đó có SARS-CoV-2 gây Covid-19, vốn có thể trở thành những mối đe dọa trong tương lai.
"Trong khi các vắc xin của chúng tôi vẫn rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh nặng và tử vong, chúng ít có khả năng giảm lây nhiễm theo thời gian. Những biến thể mới và việc mất miễn dịch theo thời gian có thể tiếp tục thách thức hệ thống y tế của chúng ta trong những năm tới", theo phát ngôn viên HHS.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ chi tối thiểu 5 tỉ USD để phối hợp với lĩnh vực tư nhân, phương thức tiếp cận tương tự như Chiến dịch Warp Speed dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từng giúp tăng tốc phát triển và điều phối vắc xin hồi năm 2020.
"Dự án NextGen sẽ tăng tốc và hợp lý hóa quá trình phát triển nhanh chóng thế hệ vắc xin và phương pháp điều trị tiếp theo thông qua hợp tác công tư. Khoản đầu tư tối thiểu 5 tỉ USD sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ khoa học trong các lĩnh vực mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng lớn, với mục tiêu phát triển các công cụ an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ", theo quan chức chính phủ Mỹ.
Dự án sẽ có trụ sở tại HHS và phối hợp khắp chính phủ và lĩnh vực tư nhân nhằm thúc đẩy các vắc xin và liệu pháp mới, bao hàm mọi giai đoạn phát triển từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến thử nghiệm lâm sàng và phân phối.
NextGen sẽ tập trung vào việc tạo ra các kháng thể đơn dòng lâu dài chống lại các biến thể Covid-19 mới, cũng như các loại vắc xin rộng hơn có thể chống lại một số chủng virus Corona khác.
Ngoài ra, dự án còn tìm cách tăng tốc phát triển các loại vắc xin tạo ra khả năng miễn dịch niêm mạc mũi, với hy vọng có thể làm giảm đáng kể tốc độ lây nhiễm.
Trong một diễn biến liên quan Covid-19, hãng AFP ngày 11.4 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó đại dịch.
Nhà Trắng cho hay ông Biden đã ký luật do quốc hội thông qua trước đó, nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp liên quan đại dịch Covid-19. Quyết định này sẽ chấm dứt nguồn cung cấp tài chính cho xét nghiệm, vắc xin miễn phí và các biện pháp khẩn cấp khác.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)