Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ chỉ trích Nga chặn nghị quyết đánh Syria

Tạp Chí Giáo Dục

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể nhất trí về một dự thảo nghị quyết do Anh đệ trình, theo đó cho phép dùng lực lượng quân sự chống lại Syria

Ý định tấn công Syria của phương Tây đang gặp không ít trở ngại và phản đối trong bối cảnh Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi cần có thêm thời gian cho cuộc điều tra về cáo buộc dùng vũ khí hóa học ở nước này.
Dân Anh, Pháp phản đối
Đài BBC dẫn lời ông Ban Ki-moon cho biết các thanh sát viên sẽ hoàn tất công việc điều tra vào ngày 31-8. Kết quả điều tra sẽ được chuyển cho Hội đồng Bảo an LHQ trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã không thể nhất trí về một dự thảo nghị quyết do Anh đệ trình, theo đó cho phép dùng lực lượng quân sự chống lại Syria. Hai đại sứ của Trung Quốc và Nga đã rời cuộc họp kín sau khoảng 75 phút thảo luận. Sau cuộc họp, Mỹ chỉ trích dự thảo nghị quyết bị chặn là do Nga tiếp tục phản đối mọi hành động "có ý nghĩa" của Hội đồng Bảo an đối với Syria. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Hội đồng Bảo an nên chờ báo cáo của các thanh sát viên LHQ tại Syria trước khi có hành động tiếp theo.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết vẫn chưa quyết định về việc có tấn công Syria hay không. Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình PBS NewsHour hôm 28-8, ông Obama khẳng định một cuộc tấn công giới hạn, nếu có, sẽ phát đi thông điệp cảnh báo rằng tốt nhất là Syria không được sử dụng vũ khí hóa học một lần nào nữa. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kết luận rằng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đứng sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus tuần rồi. Dù vậy, Washington vẫn chưa trưng ra bằng chứng cụ thể của cáo buộc này.

Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc điều tra một địa điểm được cho là
đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 28-8. Ảnh: REUTERS
Mỹ từng cam kết sẽ không hành động một mình nhưng một trong những đồng minh chính là Anh đồng ý chờ báo cáo của thanh sát viên LHQ trước khi quốc hội bỏ phiếu về cách thức đối phó với Syria. Đây được xem là động thái nhượng bộ sau khi ý định lôi kéo đất nước vào hành động quân sự chống lại Damascus của Thủ tướng David Cameron vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Công đảng đối lập và một số nghị sĩ “nổi loạn” trong Đảng Bảo thủ cầm quyền. Công đảng tuyên bố phải có bằng chứng rõ ràng về việc chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trước khi bất kỳ quyết định nào được đưa ra.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy chỉ 25% người dân Anh ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Tương tự, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội Pháp công bố ngày 28-8, khoảng 60% người được hỏi phản đối Paris tham gia chiến dịch quân sự chống Damascus.
Israel động viên quân dự bị
Trong lúc này, đã xuất hiện thêm nhiều tiếng nói phản đối kế hoạch tấn công Syria của phương Tây. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 28-8 cảnh báo rằng bất kỳ một hành động quân sự nào từ bên ngoài nhằm vào Syria có thể dẫn đến “một cuộc chiến tranh thảm khốc”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba cho rằng việc tấn công Syria sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn, đồng thời cho rằng hành động can thiệp quân sự là “vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ”.
Tại Syria, nỗi lo về khả năng bị phương Tây tấn công đã khiến khoảng 6.000 người chạy khỏi đất nước sang Lebanon hôm 28-8, cao hơn khoảng 6 lần so với ngày thường. Các nguồn tin từ người dân và phe đối lập hôm 28-8 cho biết các lực lượng của chế độ Assad dường như đã sơ tán phần lớn nhân viên khỏi các sở chỉ huy an ninh và quân sự tại trung tâm thủ đô Damascus để đề phòng bị tấn công. Trong số các tòa nhà bị sơ tán một phần có Sở Chỉ huy Bộ Tổng tham mưu ở quảng trường Umayyad, các tổ hợp an ninh và Bộ Tư lệnh Không quân tại khu vực Tây Kfar Souseh ở gần đó.
Nỗi lo cũng lan sang Israel, một đồng minh của Mỹ, khi nước này ra lệnh huy động quân dự bị để đối phó với nguy cơ bị Syria tấn công trả đũa. Bộ Quốc phòng Israel còn cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome và các khẩu đội tên lửa Patriot ở những khu vực gần biên giới Syria. Trong khi đó, nhiều người dân đã xếp hàng tại các trung tâm phân phối mặt nạ chống khí độc khắp nước. Cơ quan bưu chính Israel, đơn vị phụ trách quản lý những trung tâm này, cho biết nhu cầu về mặt nạ đã tăng gấp 3 lần trong những ngày qua.
Nga – Syria không phải là đồng minh ràng buộc quân sự
Đoàn tàu chiến hải quân Nga ở Địa Trung Hải hiện do đại tá Iuri Zemski chỉ huy không dự định chống tàu chiến Mỹ hoặc Anh và sẽ không có mệnh lệnh chiến đấu nào được đưa ra.
Đối với Nga, Syria không phải là đồng minh ràng buộc bởi thỏa thuận 2 bên hỗ trợ quân sự lẫn nhau. Nhưng Nga sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở Syria, trong đó có đội ngũ kỹ sư, công nhân tại xưởng sửa chữa tàu PM-138 ở cảng Tartus. Hiện nay, không có mối đe dọa nào đối với sức khỏe và tính mạng của họ. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể di tản ra biển Địa Trung Hải và được sự bảo vệ của các tàu chiến thuộc hạm đội hải quân Nga.
Hiện nay, Syria đang bị đe dọa can thiệp quân sự. Đã có 37 nước đang xem xét khả năng hình thành liên minh chống Syria, trong đó có Đức, Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Canada,Czech,Lebanon, Pakistan, Ba Lan và Yemen…
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)