Thượng viện Mỹ ngày 3-8 đã thông qua nghị quyết về tình hình biển Đông nhằm thể hiện phản ứng trước những động thái mới đây của TQ trên vùng biển này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố chỉ trích những hành vi gây hấn này.
Hành động của Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị cộng đồng thế giới chỉ trích mạnh mẽ – Ảnh: Daily Mail
|
Theo VTV, nghị quyết mang số hiệu S.Res.524 do thượng nghị sĩ John Kerry và một số thượng nghị sĩ khác giới thiệu lên thượng viện hôm 23-7. Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng khả năng xung đột, bao gồm cả việc đưa người ra những đảo, bãi đá, bãi cát ngầm hiện không có người ở.
Nghị quyết ủng hộ việc các bên liên quan thông qua các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế với tinh thần xây dựng; tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ các nước trong khu vực đảm bảo cường thịnh và độc lập, vì hòa bình và ổn định của khu vực; mở rộng và làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh và văn hóa với ASEAN và các quốc gia thành viên. Nghị quyết cũng ủng hộ việc tăng cường các hoạt động của quân đội Mỹ ở tây Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực biển Đông; ủng hộ tự do hàng hải, việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả những giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Trong tuyên bố của mình đăng tải trên website, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích những hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc như thành lập “thành phố Tam Sa”, lập đơn vị đồn trú tại đây.
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Philippines cùng ngày xác nhận tàu đánh cá của Trung Quốc đã rời bãi cạn Panatag (Scarborough) mà Philippines khẳng định có chủ quyền hợp pháp theo luật quốc tế ở biển Đông (Philippines gọi là biển Tây) nhưng bị Trung Quốc xâm phạm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lấy dây giăng ngang ở lối ra vào khu vực nhằm ngăn các tàu đánh cá khác tiếp cận bãi cạn. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin cho biết đang xem xét các phương án xử lý với những dây này. Thời tiết mưa bão ở biển Đông đang khiến tàu Philippines không thể đến khu vực bãi cạn Panatag được.
Trước tình hình căng thẳng do thái độ của Trung Quốc đang đẩy mạnh hành động đơn phương đòi chủ quyền vô lý ở biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa tỏ ra lo ngại và cho biết đang “theo dõi sát sao tình hình”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến những diễn biến gần đây tại khu vực như lời lẽ đối đầu tăng cao, bất đồng trong khai thác tài nguyên, đe dọa kinh tế, việc Trung Quốc và Philippines đối đầu ở bãi cạn Scarborough và cả hành vi Trung Quốc dùng dây chắn ngăn cản, không cho tàu khác vào.
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc tới hành vi Trung Quốc lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lập đơn vị đồn trú quân sự mới ở đó để theo dõi các khu vực ở biển Đông và nhận định những hành vi gây hấn này đã “đi ngược với nỗ lực ngoại giao hợp tác nhằm giải quyết những bất đồng và có nguy cơ tăng thêm căng thẳng trong khu vực”.
Hành vi “bắt nạt” về kinh tế của Trung Quốc với Philippines có thể kể đến việc Trung Quốc cấm nhập khẩu chuối Philippines, các công ty du lịch dừng những chuyến tham quan tới Philippines. Ngoài ra, tàu của Chính phủ Trung Quốc cũng áp đặt hạn chế đi lại quanh bãi cạn Panatag – nơi thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry (ảnh) cùng một số thượng nghị sĩ khác đã giới thiệu nghị quyết chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông – Ảnh: Reuters |
Mỹ cũng lên tiếng thúc giục các bên có bước đi nhằm hạn chế căng thẳng, giữ tinh thần Tuyên bố của ASEAN về biển Đông năm 1992 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. “Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ ASEAN xây dựng thống nhất cơ chế dựa trên nguyên tắc quản lý và ngăn chặn xung đột. Chúng tôi khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến bộ có ý nghĩa, cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm thiết lập quy định và cơ chế rõ ràng để xử lý hòa bình những bất đồng. Trong bối cảnh này, Mỹ ủng hộ tuyên bố sáu nguyên tắc của ASEAN về biển Đông gần đây”.
Một lần nữa, Mỹ “tiếp tục thúc giục các bên làm rõ và theo đuổi đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển”. Đồng thời Mỹ khuyến khích “các bên đòi hỏi chủ quyền cần tìm mọi giải pháp ngoại giao và hòa bình để tìm ra giải pháp, trong đó viện đến sự phân xử của trọng tài cùng các cơ chế luật pháp quốc tế khác khi cần thiết.
Mỹ cũng tái tuyên bố tích cực ủng hộ sự đoàn kết của ASEAN và vai trò lãnh đạo của tổ chức này tại các diễn đàn khu vực. “Chúng tôi đang thực hiện hàng loạt tham vấn với các thành viên ASEAN và các quốc gia khác ở khu vực để thúc đẩy giải pháp ngoại giao, giúp thắt chặt hệ thống quy định, trách nhiệm và quy tắc mà tạo dựng được sự ổn định, an ninh và năng động kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Theo TTO
Bình luận (0)