Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ chuẩn bị khởi động sáng kiến lớn ở châu Á

Tạp Chí Giáo Dục

Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ khởi động một sáng kiến kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhân dịp Tổng thống Joe Biden thăm Nhật Bản trong tháng này, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita cho biết ngày 9/5.
Mỹ chuẩn bị khởi động sáng kiến lớn ở châu Á ảnh 1
Mỹ sẽ công bố sáng kiến kinh tế mới ở châu Á khi Tổng thống Joe Biden thăm Nhật Bản. (Ảnh: AP)

“Tôi chờ đợi chuyến thăm này sẽ diễn ra đồng thời với việc khởi động chính thức sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Tomita nói khi cùng Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel tham gia một sự kiện trực tuyến do một viện nghiên cứu tổ chức.

Đại sứ Tomita cho biết sáng kiến này sẽ đóng vai trò “rất quan trọng” để tạo ra một khu vực “mở và tự do”, nơi Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng kinh tế.

Đề xuất được đưa ra từ mùa thu năm ngoái, và chính quyền Biden dự kiến sẽ khởi động chính thức trong nửa đầu năm nay. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại tiêu chuẩn cao, quản trị kinh tế kỹ thuật số, cải thiện năng lực chống chịu của các chuỗi cung ứng và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng.

Đây được coi là một cam kết kinh tế mới của Mỹ với khu vực, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ năm 2017.

Các quan chức của chính quyền Biden cho biết khuôn khổ mới sẽ không phải một thỏa thuận tự do thương mại thông thường.

Việc Mỹ rút khỏi TPP bị coi là một bước lùi trong nỗ lực tham gia vào khu vực về kinh tế. 10 thành viên còn lại vẫn thúc đẩy thỏa thuận và đổi tên thành CPTPP. Đại sứ Tomita nói rằng CPTPP “không phải con đường duy nhất để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ” ở khu vực.

Trong bài phát biểu, Đại sứ Tomita cảnh báo rằng Trung Quốc đang “rất quyết liệt tìm cách lấp vào khoảng trống” về hiện diện kinh tế mà Mỹ để lại, bằng cách nộp đơn xin tham gia CPTPP.

“Chúng tôi lo ngại (về bước đi của Trung Quốc)… vì thế chúng tôi rất hoan nghênh việc chính thức khởi động IPEF”, Đại sứ Tomita nói và sử dụng tên viết tắt của sáng kiến.

Ông cho biết Nhật Bản đang tham gia sâu vào việc chuẩn bị cho lễ khởi động.

Đại sứ Nhật nói rằng IPEF cần thu hút sự tham gia của các đối tác khu vực bằng cách mang lại “những lợi ích hữu hình”, trong khi bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển bao trùm và thúc đẩy thương mại tiêu chuẩn cao.

Chính quyền Biden đã bàn bạc về IPEF với các quốc gia trong khu vực như Úc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore. Hồi tháng 2, một quan chức Mỹ cho biết Washington “không có ý định” mời Trung Quốc tham gia khuôn khổ này.

Tổng thống Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm kéo dài 5 ngày đến Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20/5. Đây sẽ là chuyến thăm châu Á đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái.

Trong thời gian thăm Nhật Bản, ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Fumio Kishida và dự thượng đỉnh nhóm "Bộ tứ", cùng với lãnh đạo Úc và Ấn Độ.

Đại sứ Tomita khẳng định chuyến thăm của ông Biden sẽ cho thấy Mỹ và Nhật Bản “sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".

Bình Giang/TPO (Theo Kyodo)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)