Khi tổng thống gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama cùng gia đình đặt chân xuống mảnh đất Ghana ở phía tây của lục địa đen hôm 10-7, một cột mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Washington và châu Phi đã được thiết lập.
Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của ông Obama trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Trong chuyến viếng thăm 24 giờ này, tổng thống Mỹ đã thảo luận với nhà lãnh đạo Ghana về điều hành chính phủ và phát triển châu Phi. Ông cũng đến thăm một pháo đài nô lệ cũ ở phía tây Accra.
Tổng thống Barack Obama (trái) hội kiến Tổng thống Ghana John Atta Mills ngày 11-7 – Ảnh: Reuters |
Diễn ra ngay sau khi các nước G-8 cam kết hơn 20 tỉ USD hỗ trợ chương trình lương thực và xóa đói cho các nước châu Phi, chuyến thăm Ghana của ông Obama như tiếp thêm hi vọng của hàng triệu người dân ở lục địa này. Song dù ngay cả khi ông Obama có bày tỏ sự thấu hiểu những khó khăn của châu Phi một cách hết sức cá nhân trên một trang web của châu Phi rằng: “Tôi có những người thân trong gia đình sống ở những ngôi làng nơi mà nạn đói là có thật”, thì vấn đề cũng không thể dễ dàng giải quyết được.
Bối cảnh kinh tế thay đổi khiến những chương trình do Mỹ tài trợ tại đây, như hỗ trợ y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, đang gặp nhiều thử thách. Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng tràn lan. “Ông Obama có thể cho chúng tôi một số tiền, nhưng các lãnh đạo của chúng tôi sẽ lấy số tiền đó chia làm ba và chỉ dành một phần để thực hiện” – một người dân Ghana hoài nghi.
Trong chuyến công du đầu tiên đến châu Phi, tổng thống Mỹ đã tránh không đến Kenya, quê cha của ông – nơi mà như AFP nhận xét cuộc bầu cử năm 2007 đã biến thành một cuộc xung đột đẫm máu, và cũng không đến Nigeria – nơi mà tham nhũng đã biến nguồn tài nguyên dầu hỏa thành một tai họa cho đất nước này. Trong khi đó Ghana, ngoài thành tích tổ chức tốt các cuộc bầu cử còn có ý nghĩa quan trọng với Mỹ theo một cách khác.
Cây bút Richard Dowden của báo The Independent bình luận sở dĩ Ghana được chọn làm điểm đến đầu tiên của Tổng thống Obama vì đây là đất nước châu Phi đầu tiên giành được độc lập dưới thời thuộc địa. Mặc dù ít quan trọng hơn Nigeria hoặc Nam Phi, đất nước có 23 triệu dân này lại được xem là đích đến của nhiều người Mỹ gốc Phi trên hành trình trở về “quê nhà”.
Song, theo chuyên gia Martin Plaut trên BBC, lý do sâu xa hơn chính là việc Ghana sở hữu một số mỏ dầu, nguồn năng lượng mà nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều. Theo ước tính của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ, đến năm 2015, 20% lượng dầu khai thác được tại châu Phi sẽ chảy về Washington. Song mọi chuyện không dễ khi Trung Quốc đã có bước đi trước và hiện diện ngày càng lớn mạnh tại châu Phi.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các công trình như đập thủy điện, đường sắt, cảng… để đổi lấy dầu của Sudan, quặng bôxit của Guinea hay cacao của Ghana. Trên báo Christian Science Monitor, nhà kinh tế Adama Gaye phân tích: “Mỹ cần biết rằng châu Phi có sự lựa chọn. Ngày nay Mỹ là một đất nước phá sản, trong khi Trung Quốc nổi lên như một thế lực với sức mạnh tài chính và chiến lược phù hợp”.
Phân tích về chuyến đi này, báo Le Monde (Pháp) ngày 10-7 đã viết: ngày nay Mỹ đang phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế, châu Phi không nằm trong những ưu tiên của Nhà Trắng và ngân sách viện trợ của Mỹ ít có khả năng được lượng định lại. Lục địa đen chỉ chiếm 2% ngoại thương của Mỹ và kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, châu Phi không còn là một lục địa chiến lược như trước. Về sự đứng chân của Trung Quốc tại châu Phi, báo này nhận xét: trong bối cảnh Trung Quốc trở thành đối trọng của các nước phương Tây mà không đòi đổi lại dân chủ, các chính phủ của lục địa này có thể sẽ ít cảm nhận thấy những sức ép của tổng thống Mỹ cho dù ông là “châu Phi” đi nữa.
TRẦN PHƯƠNG (TNO)
Bình luận (0)