Danh sách mà ông Podolyak đưa ra bao gồm 1.000 khẩu pháo 155mm tiêu chuẩn NATO, 300 pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
Hiện chưa rõ Kiev cần những loại máy bay không người lái và xe bọc thép nào để đối phó với quân đội Nga. Nhưng việc đáp ứng nhu cầu của Kiev có thể sẽ khiến Mỹ – nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Ukraine – phải giải giáp quân đội của chính mình, nhiều tờ báo phương Tây nhận định.
Ví dụ, số MLRS mà Ukraine yêu cầu tương đương gần một nửa số MLRS còn lại trong kho của Mỹ, theo The Guardian. Lục quân Mỹ có khoảng 363 pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS và 225 pháo phản lực M270, trong khi thủy quân lục chiến có 47 hệ thống.
Ngoài MLRS, nhu cầu về pháo 155mm của Ukraine có thể làm cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ, vì để đáp ứng nhu cầu của Kiev, Washington sẽ phải chuyển giao gần như toàn bộ số pháo M777 của mình.
The Guardian lưu ý hạng mục duy nhất có vẻ tương đối dễ dàng được đáp ứng là xe tăng, vì riêng quân đội Mỹ ước tính có khoảng 6.000 chiếc Abrams đang lưu trữ và hoạt động.
Tờ Financial Times, trong khi đó, cho rằng danh sách của ông Podolyak là tất cả những gì Ukraine cần, và đã được đáp ứng một phần trước đó bởi các nước phương Tây, chứ không phải danh sách vũ khí mới.
Ngay cả theo cách tính này, số vũ khí mà Ukraine nhận được đến nay cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với yêu cầu, bao gồm 270 xe tăng “đã được bàn giao hoặc cam kết bàn giao”, 250 khẩu pháo cỡ 155mm… Pháo phản lực phóng loạt có vẻ là hạng mục “vô vọng” nhất, khi Ukraine mới chỉ được cam kết chuyển giao khoảng 50 chiếc – dường như là các bệ phóng cũ từ thời Liên Xô do một số quốc gia châu Âu cung cấp.
Mỹ và Anh, cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, đã tích cực cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine cả trước và sau khi xung đột bùng phát. Matxcơva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc “bơm” vũ khí cho Ukraine, cho rằng nó sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả.
Bình luận (0)