Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ có thể muốn đóng băng xung đột Ukraina

Tạp Chí Giáo Dục

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang xem xét "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraina trong tương lai gần, thay vì thúc đẩy chiến thắng cho nước này.
Binh sĩ Ukraina ở gần thành phố Bakhmut, ngày 10.4.2023.
Tờ Politico trích dẫn 4 quan chức Mỹ cho biết, cuộc xung đột Ukraina cường độ thấp, trong thời gian dài, đang được thảo luận tại Nhà Trắng.
Một cựu quan chức so sánh với kịch bản Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Không có thỏa thuận hòa bình chính thức, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Bán đảo Triều Tiên và lập khu phi quân sự ngăn cách hai miền.
Nguồn tin cho biết: “Kịch bản xung đột Ukraina giống kiểu chiến tranh Triều Tiên chắc chắn đã được các chuyên gia và nhà phân tích trong và ngoài chính phủ thảo luận. Điều đó là hợp lý, bởi vì không bên nào cần phải công nhận bất kỳ biên giới mới nào và điều duy nhất phải được đồng ý là ngừng bắn dọc theo một đường đã định”.
Tờ Politico giải thích, lợi ích với Mỹ là cuộc xung đột bị đóng băng sẽ ít gây tốn kém hơn cho các quốc gia phương Tây và ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn, đồng thời giảm bớt áp lực phải hỗ trợ Kiev.
Ukraina vẫn sẽ là đồng minh với Mỹ và tiếp tục chuyển đổi quân đội của mình theo tiêu chuẩn của NATO, khi nước này tìm cách gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong tương lai.
“Kịch bản Triều Tiên” đối với Ukraina đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông vào tháng 1, sau khi Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraina Aleksey Danilov tuyên bố, Nga đã cử một quan chức hàng đầu tới các thủ đô châu Âu để thúc đẩy kịch bản này.
Điện Kremlin phủ nhận và tuyên bố ông Danilov có thể đã nhầm lẫn.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev lập luận, những lời của ông Danilov nhằm mục đích thử phản ứng trong nước, để chính phủ Ukraina có thể đo lường phản ứng của công chúng.
Mátxcơva gọi việc NATO mở rộng ở châu Âu và việc tổ chức này đang dần dần tiếp nhận Ukraina mà không cần chính thức gia nhập là một trong những lý do chính khiến quân đội Kiev chống lại Mátxcơva.
Mátxcơva tuyên bố, cuộc xung đột là một phần cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ chống lại Nga, trong đó Ukraina đóng vai trò là bia đỡ đạn.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)